TP. Cần Thơ nâng cao năng lực quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên nước

Tài nguyên nước - Ngày đăng : 16:30, 27/02/2020

(TN&MT) - Trước tình trạng nguồn nước ngày càng cạn kiệt, suy thoái, TP. Cần Thơ đã và đang triển khai nhiều giải pháp để tăng cường năng lực quản lý, cấp phép khai thác và sử dụng hiệu quả, bền vững nguồn tài nguyên nước trên địa bàn thành phố.

Hoàn thiện cơ sở pháp lý

Nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý phục vụ cho công tác quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên nước cùng với bảo vệ và phát triển tài nguyên nước, thời gian qua, Sở TN&MT đã tham mưu UBND TP. Cần Thơ ban hành nhiều văn bản thuộc thẩm quyền trong lĩnh vực tài nguyên nước. Đồng thời, triển khai thực hiện các dự án quy hoạch khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên nước, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Thông tin từ Sở TN&MT TP. Cần Thơ cho biết, thời gian qua, Sở đã thực hiện được việc xây dựng và trình phê duyệt đề cương Đề án “Xây dựng danh mục các nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ trên địa bàn TP. Cần Thơ” theo quy định của Nghị định số 43/2015/NĐ-CP ngày 6/5/2015 của Chính phủ quy định lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước.

Hiện tại, Sở TN&MT TP. Cần Thơ đang trình lấy ý kiến cho đề cương Dự án “Lập danh mục các vùng hạn chế khai thác nước dưới đất và lập bản đồ phân vùng hạn chế khai thác nước dưới đất; khoanh định vùng phải đăng ký khai thác nước dưới đất trên địa bàn TP. Cần Thơ” theo đúng nội dung, tiêu chí quy định tại Nghị định số 167/2018/NĐ-CP ngày 26/12/2018 của Chính phủ quy định việc hạn chế khai thác nước dưới đất.

Công tác kiểm tra công trình xử lý nước thải tại các doanh nghiệp luôn được Sở TN&MT TP. Cần Thơ quan tâm thực hiện

Theo ông Lương Hồng Tân, Phó trưởng Phòng Khoáng sản và Tài nguyên nước - Sở TN&MT TP. Cần Thơ, công tác tính, trình phê duyệt tiền cấp quyền khai thác, sử dụng tài nguyên nước theo Nghị định số 82/2017/NĐ-CP ngày 17/7/2017 của Chính phủ quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước đang được triển khai thực hiện đối với 34 Giấy phép với giá trị phê duyệt 7,7 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Sở TN&MT TP. Cần Thơ cũng đang tiến hành kiểm tra, xác định và trình phê duyệt vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt đối với các trường hợp khai thác, sử dụng nước phục vụ sinh hoạt trên địa bàn TP. Cần Thơ theo quy định tại Thông tư số 24/TT-BTNMT ngày 9/9/2016 của Bộ TN&MT quy định việc xác định và công bố vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt.

Ông Lưu Tấn Tài, Phó Chi Cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường - Sở TN&MT TP. Cần Thơ cho biết, để tăng cường năng lực quan trắc, phân tích chất lượng môi trường nước, Sở TN&MT TP. Cần Thơ đã vận hành 4 trạm quan trắc tự động đặt tại khu vực thượng, hạ nguồn sông Hậu, các điểm khu công nghiệp và khu vực cấp nước của thành phố. Thông qua các trạm quan trắc này sẽ giúp cho các cơ quan, đơn vị chức năng kịp thời dự báo, đánh giá chất lượng môi trường nước, giúp cho công tác quản lý chất lượng nguồn nước trên địa bàn thành phố ngày càng được tốt hơn.

Siết chặt cấp phép, xả thải

Cũng theo ông Lương Hồng Tân, Phó trưởng Phòng Khoáng sản và Tài nguyên nước - Sở TN&MT TP. Cần Thơ, thời gian qua, Sở TN&MT TP. Cần Thơ đã tham mưu cho UBND TP. Cần Thơ cấp tổng cộng 248 giấy phép khai thác nước dưới đất, nước mặt phục vụ sinh hoạt, sản xuất kinh doanh, dịch vụ, nuôi trồng thủy sản với tổng lượng nước khai thác gần 398.800m3/ngày đêm.

Sở TN&MT TP. Cần Thơ còn phối hợp kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải vào nguồn nước mặt sông Hậu, sông Cần Thơ

“Quy trình cấp giấy phép khai thác nước mặt, nước dưới đất trên địa bàn thành phố luôn tuân thủ các nguyên tắc, điều kiện cấp phép theo luật định, bảo đảm bảo vệ và phát triển tài nguyên nước. Đồng thời, chấp hành nghiêm chủ trương hạn chế khai thác nước dưới đất của UBND TP. Cần Thơ để phù hợp với tình hình biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng” - ông Lương Hồng Tân thông tin thêm.

Ông Lưu Tấn Tài, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường - Sở TN&MT TP. Cần Thơ cho hay, các công ty, doanh nghiệp phải xây dựng hệ thống xử lý nước thải, xả thải theo quy chuẩn hiện hành. Ví dụ như doanh nghiệp chế biến thủy sản phải xây dựng hệ thống xử lý nước thải phát sinh, kiểm soát nước thải sau xử lý theo Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về nước thải chế biến thủy sản của Bộ TN&MT.

Cũng theo ông Lưu Tấn Tài, hàng năm, Chi cục Bảo vệ Môi trường xây dựng kế hoạch trình Sở TN&MT TP. Cần Thơ thành lập đoàn kiểm tra công trình xử lý nước thải, kiểm soát nước thải sau xử lý tại của các doanh nghiệp. Qua đó, kịp thời xử lý những trường hợp vi phạm; đồng thời, tuyên truyền những điểm mới, giúp chủ doanh nghiệp nắm bắt đầy đủ những quy định pháp luật về bảo vệ môi trường.

Đại diện Lãnh đạo Sở TN&MT TP. Cần Thơ cho biết, trong thời gian tới, đối với việc cấp phép khai thác tài nguyên nước mặt, nước dưới đất trên địa bàn thành phố sẽ tiếp tục được triển khai thực hiện theo đúng quy định pháp luật về tài nguyên nước và theo chủ trương hạn chế khai thác nước dưới đất của UBND TP. Cần Thơ.

Theo Sở TN&MT TP. Cần Thơ, cùng với việc quản lý chặt chẽ việc cấp giấy phép khai thác nước mặt và nước dưới đất, TP. Cần Thơ còn siết chặt cấp phép cho doanh nghiệp xả nước thải ra các sông, kênh, rạch trên địa bàn thành phố. Tính đến cuối năm 2019, TP. Cần Thơ mới cấp 97 giấy phép xả nước thải vào nguồn nước tiếp nhận với tổng lượng nước 64.501 m3/ngày đêm. Sở TN&MT TP. Cần Thơ sẽ tăng cường công tác quản lý, cấp phép, kiểm tra việc chấp hành các quy định của Luật Bảo vệ môi trường, Luật Tài nguyên nước của các chủ giấy phép; thẩm định và trình phê duyệt các trường hợp phải kê khai, nộp tiền cấp quyền khai thác và sử dụng tài nguyên nước theo quy định.

Cùng với đó, Sở TN&MT TP. Cần Thơ sẽ tiếp tục thực hiện hoàn thành các đề án xây dựng danh mục các nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ, cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước; xây dựng danh mục các vùng hạn chế khai thác nước dưới đất và lập bản đồ phân vùng hạn chế khai thác nước dưới đất; khoanh định vùng phải đăng ký khai thác nước dưới đất trên địa bàn TP. Cần Thơ.

Lê Hùng