Mê Linh: Các dự án bất động sản “bất động” sau 12 năm
Bất động sản - Ngày đăng : 09:41, 26/02/2020
Theo kết quả giám sát của HĐND Tp.Hà Nội, trên địa bàn huyện Mê Linh hiện có khoảng 50 dự án BĐS lớn với quy mô 10 - 100 ha nhưng sau nhiều năm giao đất, hầu hết đều đang bị bỏ hoang.
Dự án KĐT Cienco5 (68ha); khu nhà ở để bán và cho thuê Hà Phong; KĐT mới CEO (21ha); dự án Diamond Park (14ha), KĐT mới Tiền Phong, KĐT AIC (hơn 90 ha), KĐT mới Minh Giang - Đầm Và; khu nhà ở Minh Đức; khu nhà ở Quang Minh...
Dự án đô thị Minh Đức (Mê Linh, Hà Nội) vẫn trong cảnh hoang tàn.
Đất trong các dự án ở Mê Linh hiện cỏ mọc lút đầu người. Nhiều dự án còn không được quây, che chắn cẩn thận, trâu, bò mặc sức vào gặm cỏ khiến các đô thị này biến thành dự án “chết”.
Tình trạng trở nên đìu hiu kể từ khi thị trường BĐS rơi sâu vào khủng hoảng năm 2011 - 2012. Ban đầu, các nhà đầu tư góp vốn cho các chủ đầu tư với giá bình quân 3 - 5 triệu đồng/m2, đến đầu năm 2011, qua mua đi bán lại chỉ bằng giấy viết tay, khách hàng phải trả 18 - 25 triệu đồng/m2 tùy từng khu vực.
Hiện nay, nhiều nhà đầu tư đang rao bán tràn lan đất tại dự án ở Mê Linh trên mạng với giá 15 triệu đồng/m2 nhưng vẫn không có người hỏi. Đơn cử như thông tin bán 179 m2 đất dự án Minh Giang - Đầm Và giá 15 triệu đồng/m2; bán lô đất 150 m2 KĐT Chi Đông, Mê Linh với giá 9,9 triệu đồng/m2...
Một số chuyên gia BĐS cho rằng do tâm lý của giới đầu cơ đất “đón sóng” sáp nhập Thủ đô, họ đã nhanh chân ôm đất tại đây nhằm kiếm lời. Đặc biệt họ hy vọng sau khi sáp nhập vào Hà Nội, chắc chắn Mê Linh sẽ như huyện Đông Anh, Gia Lâm… vì còn nhiều quỹ đất, không gian để quy hoạch.
Đại diện UBND huyện Mê Linh cho biết, cũng đang tìm mọi biện pháp để khởi động các dự án này. Năm 2019, huyện Mê Linh đã trình Thành phố Hà Nội thu hồi 8 dự án bất động sản chậm triển khai. Trong đó, có dự án khu đô thị Vinashin, khu đô thị mới Việt Á, khu biệt thự nhà vườn CIT, khu đô thị mới BMC...
Đồng thời, yêu cầu các chủ đầu tư xây dựng phương án hoàn thiện hạ tầng cũng như kế hoạch xây dựng các công trình công cộng để tạo điều kiện cho người dân về ở. Tuy nhiên, nhiều chủ đầu tư vẫn chỉ đang hứa, thậm chí còn không cam kết khi nào sẽ làm.
Theo ông Trần Ngọc Chính – Chủ tịch hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nguyên nhân của sự bất cập này còn là do công tác quản lý, quy hoạch. Đã đến lúc, các cơ quan phải xem xét lại các vấn đề, trong đó phải đưa ra chiến lược phát triển, quy hoạch tổng thể từng khu vực.
Trong đó, vực ưu tiên phát triển như từ vành đai 4 trở vào, chỉ cho làm dự án trong phạm vi này và có chế tài bắt buộc chủ đầu tư hoàn chỉnh dự án để đưa vào sử dụng.
Các dự án chỉ nên thực hiện theo hình thức cuốn chiếu, tức là khi nào dự án phủ kín, mới tiếp tục phát triển tới khu khác. Khu vực nào chưa cần thiết phải làm nên để đất cho dân cày cấy, nếu không rất lãng phí đất.