Cỏ Vetiver xử lý ô nhiễm tại bãi rác lớn nhất thành phố Đà Nẵng
Môi trường - Ngày đăng : 17:46, 25/02/2020
Vetiver không phải là loại cỏ dại đơn thuần, bộ rễ của chúng còn được ví như một “nhà máy sinh học”, có tác dụng làm sạch môi trường nước, đất, chống xói mòn rất hữu hiệu. Từ năm 2018, nhóm nghiên cứu thuộc Đại học sư phạm kỹ thuật Đà Nẵng (ĐHĐN) đã bắt đầu thử nghiệm trồng cỏ Vetiver với quy mô nhỏ, xử lý 200 lít nước rỉ rác hàng ngày tại bãi rác Khánh Sơn thông qua hệ thống bể lắng để giảm nồng độ ô nhiễm.
Cỏ Vetiver được áp dụng xử lý ô nhiễm tại bãi rác Khánh Sơn |
Qua khảo sát và theo dõi kết quả kiểm tra, có đến 90% các chất ô nhiễm nguy hại trong thành phần nước rỉ rác đều được hệ thống cỏ Vetiver xử lý, đảm bảo tiêu chuẩn xả thải ra môi trường. Mùi hôi và bùn cũng giảm hẳn sau khi xử lý.
Thầy Trần Minh Thảo, giảng viên ĐHSP Kỹ thuật Đà Nẵng chia sẻ, Vetiver là một loại thực vật có bộ rễ rất phát triển, mọc rất nhanh và ăn rất sâu, bám chắc vào đất. Loài cỏ này có đặc tính chịu hạn và chịu nước rất tốt, đặc biệt là có thể sống và sinh trưởng được trong vùng ngập nước có mức độ ô nhiễm cao. Bộ rễ lớn và dài, có thể ăn sâu vào lòng đất tới 3,6m hấp thụ và phân hủy các chất nitơ, phốt pho, kim loại nặng..
Tại bãi rác Khánh Sơn, nhóm nghiên cứu đang áp dụngvới mức độ quy mô nhỏ và trong giai đoạn thí điểm. Với 4m2 cỏ Vetiver và hệ thống bể pha loãng nồng độ ô nhiễm, vi sinh…. có thể xử lý 200 lít nước rỉ rác trong thời gian khá nhanh, đảm bảo hiệu quả với chi phí thấp so với phương pháp sử dụng hóa chất thông thường.
200 lít nước rỉ rác tại bãi rác Khánh Sơn được xử lý chỉ với 4 m2 cỏ Vetiver |
“Ưu điểm của việc áp dụng cỏ Vetiver là một phương pháp xử lý không độc hại, trong khi rễ cỏ hoạt động như một bộ lọc tự nhiên của các chất ô nhiễm trong chất thải. Ngoài ra, hệ thống có mức đầu tư khá thấp, khoảng 50 tỷ, với công suất xử lý 700m3/ngày. Chi phí vận hành của hệ thống chỉ khoảng 50.000 đồng cho 1m3. Mức chi phí vận hành và đầu tư này chỉ bằng ½ so với phương pháp sử dụng hóa chất thông thường.”- thầy Trần Minh Thảo cho hay.
Được biết, trước khi ứng dụng trồng cỏ Vetiver trong xử lý ô nhiễm môi trường, nhóm nghiên cứu của Đại học Sư phạm kỹ thuật đã bắt đầu từ thử nghiệm trong phòng thí nghiệm từ năm 2014. Kết quả, cỏ Vetiver có khả năng loại bỏ 90% ô nhiễm kim loại nặng có trong nước thải của phòng thí nghiệm.
Hiện nay, phương pháp này đang được nhóm nghiên cứu thử nghiệm tại một số hồ bị ô nhiễm trong thành phố và các địa phương lân cận như hồ E1 tại Hòa Xuân; nước rỉ rác tại bãi rác Tam Xuân 2 (Quảng Nam).
Cỏ Vetiver mở ra hướng xử lý ô nhiễm tại bãi rác Khánh Sơn |
Nhiều năm nay, mức độ ô nhiễm do nước rỉ rác tại bãi rác Khánh Sơn ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến các khu vực dân cư của phường Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu). Thành phố đã đã triển khai trạm xử lý nước rỉ rác Khánh Sơn, trạm có công suất xử lý nước 700m3/ngày nhưng từ khi đi vào hoạt động giữa tháng 10/2018 đến nay luôn bị quá tải. Đặc biệt, kể từ cuối tháng 8/2019 đến nay, có một số ngày phải tiếp nhận trữ lượng nước rỉ rác gần gấp đôi công suất thiết kế vì nước mưa thấm xuống các hộc chôn lấp rác.
Trữ lượng nước rỉ rác và nồng độ các chất ô nhiễm lớn khiến cho công trình xử lý sinh học bị sốc tải, dẫn đến toàn bộ vi sinh trong hồ xử lý sinh học Aeroten bị chết và không có khả năng phục hồi. Ngoài ra, phương pháp dùng hóa chất và bể lắng nảy sinh thêm nhiều khâu xử lý bùn do lượng CaCO3 tạo ra.
Với chi phí thấp, không độc hại và mang lại hiệu quả cao, việc áp dụng cỏ Vetiver đang mở ra hướng xử lý ô nhiễm mới tại “điểm nóng” ô nhiễm của thành phố.