Chú ruột phá nhà cháu, nhưng không bị xử lý?

Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 17:33, 25/02/2020

(TN&MT) - Đất của cha mẹ để lại, đủ điều kiện cấp sổ đỏ, có đầy đủ thông tin trích lục bản đồ, sơ đồ đất, sổ mục kê tại UBND Thị trấn Lim, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh, nhưng chị Nguyễn Thị Hiền đã bị hai chú ruột nhẫn tâm đuổi ra khỏi nhà, phá tan ngôi nhà đang ở để lấy đất.

Xem thường pháp luật

Báo Tài nguyên và Môi trường nhận được đơn thư kêu cứu của chị Nguyễn Thị Hiền, thôn Duệ Đông, Thị trấn Lim, huyện Tiên Du. Trong đơn, chị Hiền có ghi, sáng 7/2 gia đình chị được chú ruột Nguyễn Văn Mão nhà ở bên cạnh ngôi nhà chị đang sinh sống sang báo: Ngày mai (8/2 - PV) phải di chuyển bát hương ra khỏi nhà để 2 chú ruột Nguyễn Văn Mão và Nguyễn Văn Quý phá nhà mà không rõ nguyên nhân gì. Sự việc quá bàng hoàng và không hiểu rõ nguyên nhân tại sao, chị đã làm đơn cầu cứu các cơ quan chức năng và báo chí.

Chị Hiền còn gửi kèm clip và hình ảnh liên quan tới vụ việc, hai ông chú ruột người trèo lên nóc nhà chị gỡ từng viên ngói, người cầm gạch đá ném lên mái nhà. Chị Hiền nghẹn ngào: Khi đó tôi đang mang bầu tháng thứ 6 thằng cu này (con trai thứ 3 của gia đình chị nay đã được 3 tháng tuổi - PV), chồng và con trai đầu lại đang nằm Bệnh viện Việt Đức vì tai nạn giao thông. Tôi suy sụp và tưởng không giữ được đứa con trong bụng, cố gắng gào thét và xin các chú nhưng họ không màng tới lời kêu cứu của tôi, nhiều người dân khi đó biết việc chỉ dám quay video và chụp ảnh chứ không dám can ngăn họ.

Lực lượng chức năng vào lập biên bản vụ việc

Có mặt tại UBND Thị trấn Lim, Chủ tịch Nguyễn Hữu Nhuệ tiếp chúng tôi, ông Chủ tịch luôn tìm cách né tránh các câu hỏi phóng viên đặt ra và đùn đẩy cho cấp dưới là ông Nguyễn Đức Thuấn, Phó Chủ tịch UBND thị trấn sẽ trả lời phóng viên vào buổi khác. Đến nay, đã hơn một tuần trôi qua, chúng tôi vẫn chưa nhận được thông tin phản hồi nào của UBND Thị trấn Lim!

Được biết, gia đình chị Hiền đã sử dụng ổn định 315 m2 đất tại thửa đất số 137, tờ bản đồ số 35 ở xóm Đông Bình, thôn Duệ Đông, Thị trấn Lim từ trước ngày 15/10/1993 (vào sổ mục kê năm 1996 mang tên bà Bình, mẹ đẻ chị Hiền - PV) và 21 m2 đất sử dụng trước ngày 1/7/2004 (tổng diện tích thửa đất 336 m2). Trên đất có ngôi nhà xây cấp 4 cũ do bố mẹ chị Hiền để lại. Các giấy tờ khác cũng thể hiện thửa đất số 137 có đủ điều kiện để cấp Giấy CNQSD đất từ những năm 2007-2010, đứng tên trên giấy tờ là bà Binh, tuy nhiên bà Binh đã mất năm 2014. Chị Hiền là con gái duy nhất đương nhiên được hưởng thừa kế tài sản của cha mẹ để lại.

Các đối tượng ngang nhiên phá hoại tài sản của gia đình chị Hiền - ảnh cắt video

Đến tháng 3/2019, bỗng nhiên hai ông Nguyễn Văn Mão, Nguyễn Văn Quý (là chú ruột chị Hiền) kéo đến đuổi gia đình chị Hiền ra khỏi nhà rồi phá dỡ mái ngói ngôi nhà gia đình chị đang ở, tự ý phá tường, mở cổng quây gạch để chiếm nhà.

Dấu hiệu vi phạm pháp luật này diễn ra nhưng chính quyền không có biện pháp nào ngăn chặn; Công an xã, Công an huyện nhận được tin báo có mặt nhưng những kẻ phá nhà, xâm phạm chỗ ở của gia đình chị Hiền không bị xử lý. Các hành vi trên, có dấu hiệu vi phạm các Khoản 2,3,4 Điều 178, Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 về Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản.

Luật sư Nguyễn Phó Dũng, Công ty Luật TNHH OPIC và Cộng sự, cho rằng: Nếu sau này Tòa án xét xử vụ tranh chấp đất đai, khi có phán quyết xác định quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất thuộc quyền sử dụng của Bà Hiền, bà Hiền vẫn có quyền yêu cầu cơ quan cảnh sát điều tra phục hồi điều tra, xử lý về hành vi “hủy hoạt hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” theo Điều 178 Bộ luật hình sự. Tùy theo tính chất, mức độ gây thiệt hại và hành vi, người thực hiện hành vi có thể bị xử phạt với khung hình phạt cao nhất là 20 năm tù khi gây thiệt hại cho tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên.

Về phần gia đình chị Hiền, do bị đuổi ra khỏi nhà, bị chiếm mất nhà nên gần một năm nay, 5 người trong gia đình chị phải ăn ở tạm bợ tại căn bếp không đầy 10 mét vuông, vô cùng nhếch nhác, khổ cực.

Cả gia đình 5 thành viên, gần một năm nay phải ở tạm trong căn bết chật hẹp

Qua tìm hiểu vụ việc, chúng tôi được chị Hiền cho biết, ông nội đẻ ra bố chị có hai đời vợ, bố chị và một bác gái hiện đang sinh sống trong Nam là con bà cả, còn ông Mão và ông Quý là con bà hai. Khi còn sống, ông bà nội đã phân cho mỗi người con một mảnh đất riêng xây dựng nhà cửa, sinh sống ổn định. Bố chị là con trai trưởng nên được sính sống trên chính mảnh đất ông bà để lại và hương khói cho tổ tiên.

Năm 1994 bố chị Hiền mất, năm 1996 toàn bộ hồ sơ, thửa đất có trong sổ mục kê tại Thị trấn Lim đều mang tên bà Binh (mẹ đẻ chị Hiền). Đến năm 2014 bà Binh qua đời để lại cho con gái toàn bộ tài sản, nhưng năm 2019 hai chú ruột của chị Hiền đã bất ngờ công bố “Bản di chúc cho con cháu” do bà nội Nguyễn Thị Viết lập năm 1999 (bà Viết là vợ hai của ông nội chị Hiền, bố chị gọi bằng Dì - PV).

Ngôi nhà 4 gian nay chỉ là mảnh đất trống, đất, gạch ngỗn ngang

Tuy nhiên, vì phận cháu gái, bố mẹ chị chỉ sinh được mình chị nên việc hương khói cho tổ tiên là không thể. Do đó, khi các chú sang đặt vấn đề xây nhà thờ họ, chị đã đồng ý để lại 3 gian nhà, sân trước và cổng đi cho các chú xây dựng nhà thờ họ. Nhưng các chú ruột của chị không nghe và đòi cả 4 gian nhà chính, sau đó còn đập phá nhà chị, cướp luôn di ảnh của bố mẹ chị, cho người san phẳng nhà chị thành mảnh đất trống, gạch ngói họ đập vụn, gỗ thì quảng ra đường… chị Hiền nghẹn ngào.

Vậy “Bản di chúc cho con cháu” do bà nội Nguyễn Thị Viết lập năm 1999 có hợp pháp hay không và liệu hành vi có dấu hiệu cố ý phá hoại tài sản của công dân có bị pháp luật xử lý? Chúng tôi đã đặt lịch làm việc với UBND Thị trấn Lim, UBND huyện Tiên Du về vụ việc trên, tuy nhiên hơn một tuần trôi qua, chúng tôi vẫn chưa nhận được thông tin gì.

Báo điện tử Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Doãn Xuân - Quán Dũng