Đảm bảo hành lang pháp lý đấu giá quyền khai thác khoáng sản

Khoáng sản - Ngày đăng : 16:37, 25/02/2020

(TN&MT) - Ngày 25/2, Tại cuộc họp báo cáo kế hoạch triển khai xây dựng Nghị định thay thế Nghị định 22/2012/NĐ-CP quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên nhấn mạnh, Nghị định thay thế phải đảm bảo hành lang pháp lý đấu giá quyền khai thác khoáng sản.

Theo Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, sau 7 năm triển khai Nghị định 22/2012/NĐ-CP, đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các địa phương đã phê duyệt kế hoạch đấu giá với 582 khu vực khoáng sản, trong đó đã đấu giá thành công 304 khu vực (gồm 13 loại khoáng sản), đạt 52,23% kế hoạch. Các địa phương đã cấp phép khai thác khoáng sản 152 mỏ, đạt 50% kế hoạch.

Ngày càng nâng cao hiệu quả của công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản

Nghị định 22/2012/NĐ-CP được ban hành trên cơ sở Nghị định số 17/2010/NĐ-CP của Chính phủ về bán đấu giá tài sản và đã hết hiệu lực, được thay thế bằng Luật Đấu giá tài sản năm 2016, có hiệu lực từ ngày 1/7/2017. Mặt khác, một số quy định về trình tự thủ tục đấu giá tại Nghị định 22/2012/NĐ-CP không còn phù hợp, cụ thể như: Các quy định về tiền đặt trước; đối tượng tham gia đấu giá; bán hồ sơ mời tham gia đấu giá; thành lập Hội đồng đấu giá quyền khai thác khoáng sản; công khai danh sách tổ chức, cá nhân được tham gia phiên đấu giá…

Do đó, việc xây dựng Dự thảo Nghị định phải bảo đảm các nguyên tắc như: Nội dung không trái với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Luật Khoáng sản, Luật Đấu giá tài sản và Luật Ngân sách Nhà nước, tránh chồng chéo, trùng lặp, mâu thuẫn với quy định của các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành liên quan thuộc hệ thống pháp luật Việt Nam; xây dựng Nghị định theo hướng áp dụng đối với 2 đối tượng: đấu giá quyền khai thác khoáng sản tại khu vực chưa cấp phép hoạt động khoáng sản và khu vực đã cấp phép khai thác khoáng sản cho tổ chức, cá nhân…

Ông Phan Quang, Vụ Pháp chế (Bộ TN&MT) cho biết, Nghị định 22/2012/NĐ-CP còn nhiều điều chưa phù hợp, quy định chưa rõ, do đó Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 22/2012/NĐ-CP cần xem xét kỹ về tổ chức điều kiện đấu giá; tổ chức tham gia đấu giá và những vấn đề khác trong quy định Luật Đấu giá tài sản về khoáng sản.

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên nhận định: Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 22/2012/NĐ-CP xây dựng phải đáp ứng được những mục tiêu như: phù hợp với quy định Luật Đấu giá tài sản số 01/2016/QH14 ngày 17/11/2016; đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá, người trúng đấu giá và các tổ chức cá nhân liên quan. Đồng thời, đảm bảo tạo hành lang pháp lý nhằm nâng cao hiệu quả của công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản; hiệu quả quản lý Nhà nước trong hoạt động khoáng sản.

Thứ trưởng cũng đặc biệt lưu ý Tổng cục cần rà soát, nghiên cứu lại kinh nghiệm quản lý thực tế để hoàn thiện Nghị định 22/2012/NĐ-CP nhằm đảm bảo tính hợp lý thống nhất giữa các điều, khoản của Dự thảo Nghị định, tính thống nhất của hệ thống pháp luật và tính khả thi trong thực hiện. Đồng thời, phải phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính để lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp; hoàn thiện khung Nghị định để sớm họp Ban soạn thảo trong khoảng cuối tháng 3/2020 và trình Chính phủ vào tháng 10/2020.

Phạm Thu Hà