Phát triển các thể chế hỗ trợ thúc đẩy thị trường đất nông nghiệp ở Việt Nam

Đất đai - Ngày đăng : 12:29, 25/02/2020

(TN&MT) - Nhằm cung cấp thông tin đầu vào hữu ích giúp Bộ NN&PTNT trong việc chỉnh sửa, hoàn thiện các văn bản, chính sách pháp luật hỗ trợ phát triển thị trường đất nông nghiệp ở Việt Nam, ngày 25/2/2020, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn đã tổ chức Hội thảo Phát triển các thể chế hỗ trợ thúc đẩy thị trường đất nông nghiệp ở Việt Nam. Hội thảo được sự hỗ trợ của Chương trình Ôxtrâylia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform).

Theo Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách để đẩy mạnh quá trình tích tụ, tập trung ruộng đất để sản xuất quy mô lớn. Song thực tế, quá trình này diễn ra còn chậm do các yếu tố như: về chính sách đất đai, chính sách hỗ trợ (vốn, thu hút đầu tư, trợ cấp) và hệ thống quản lý đất đai.

Quang cảnh Hội thảo

Ông Nguyễn Trung Kiên, Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT, cho rằng, còn nhiều vướng mắc ảnh hưởng thị trường đất nông nghiệp như: Hạn chế đối tượng: Chỉ được chuyển đổi, chuyển nhượng khi có GCN; Chỉ được chuyển đổi đất trong cùng một xã, phường, thị trấn; Đối tượng không trực tiếp sản xuất  nông nghiệp; doanh nghiệp có vốn đầu tư nuớc ngoài không đuợc thuê đất nông nghiệp trực tiếp với các hộ dân.

Bên cạnh đó, còn khó chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa sang đất sản xuất nông nghiệp khác. Về thủ tục còn khó khăn trong việc: Lấy xác nhận của hộ liền kề dù không tranh chấp; Xin ý kiến nhiều ban ngành cho dự án đầu tư mặc dù đã được phê duyệt trong vùng đầu tư; Thủ tục thẩm định dự án phức tạp…

Ngoài ra, thông tin về quy hoạch, quản lý và hiện trạng sử dụng đất chưa cập nhật, minh bạch; Hệ thống thông tin thị trường đất đai: định giá chưa sát giá thị trường; khó thu thập thông tin chính xác về giá, giao dịch; Tính bền vững của hệ thống thông tin đất đai còn hạn chế: Chi phí thu được không bù đắp được chi phí xây dựng và duy trì hệ thống. Tổ chức phát triển đất còn hạn chế về cơ cấu tổ chức, cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính để thực hiện chức năng cho thuê và tạo quỹ đất...

Để phát triển thị trường đất nông nghiệp, ông Nguyễn Trung Kiên cho rằng, trước hết cần hoàn thiện hệ thống đăng ký đất đai. Trong đó, sẽ hoàn thiện, cập nhật hệ thống đăng ký đất đai; Đẩy nhanh tiến độ xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia tích hợp, thống nhất trên cả nước; Xây dựng hệ thống thông tin thị trường đất nông nghiệp minh bạch, hiện đại hóa…

Bên cạnh đó, cần xây dựng khung pháp lý và hoàn thiện tổ chức bộ máy, cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính, đảm bảo để Tổ chức phát triển quỹ đất hỗ trợ giao dịch đất nông nghiệp; thực hiện các chức năng cung cấp thông tin, cân đối cung cầu, kích thích và hoàn thiện thị trường; Xây dựng cơ chế, tổ chức hỗ trợ xử lý tranh chấp giao dịch đất nông nghiệp, hợp đồng nông sản.

Bên cạnh đó, cần bỏ hạn mức nhận chuyển nhượng, bỏ thuế vượt hạn điền và thay bằng đánh thuế tài nguyên đối với đất nông nghiệp; Bỏ thời hạn giao đất cho hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, thay vào đó là giao đất sản xuất ổn định lâu dài cho người dân;

Ngoài ra, cần nâng thời hạn thuê đất công ích của xã từ 5 năm lên 20 năm để khuyến khích đầu tư sản xuất kinh doanh dài hạn; Xem xét giảm thuế, phí liên quan đến chuyển nhượng đất nông nghiệp; Đơn giản hóa thủ tục hành chính trong giao dịch đất nông nghiệp; Xây dựng cơ chế giám sát việc tính giá trị đất đai và phân chia lợi tức theo luật định của doanh nghiệp đối với các hộ nông dân góp quyền sử dụng đất vào doanh nghiệp.

Tại Hội thảo các đại biểu đã tập trung thảo luận về kinh nghiệm quốc tế về xây dựng các tổ chức, thể chế hỗ trợ phát triển thị trường đất nông nghiệp. Đồng thời, đề xuất khuyến nghị chính sách tập trung vào tăng cường vai trò cho các tổ chức, hệ thống hỗ trợ cho sự vận hành bền vững, hiệu quả của thị trường đất nông nghiệp như hệ thống quản lý đất đai và các công cụ hỗ trợ cân bằng cung cầu thị trường đất nông nghiệp như trung tâm phát triển quỹ đất.

Chương trình Aus4Reform do Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT) tài trợ sẽ hỗ trợ Chính phủ Việt Nam thực hiện các mục tiêu cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng nâng cao năng suất lao động, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế hướng tới phát triển nhanh, bền vững. Chương trình có trị giá 6,5 triệu đôla Australia hoạt động trong thời gian 4 năm, từ 2017 đến 2021.

 

Trường Giang