Cuộc họp lần thứ nhất Ban chỉ đạo dự án “Hỗ trợ Việt Nam thực hiện thỏa thuận Paris”

Ngành TN&MT - Ngày đăng : 22:57, 24/02/2020

(TN&MT) - Chiều 24/2, Cuộc họp Ban chỉ đạo Dự án Hỗ trợ Việt Nam thực hiện thỏa thuận Paris (VN- SIPA) đã họp lần thứ nhất với sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành.

Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp

Dự án do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ: Giao thông vận tải, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình.

Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành cho biết, Bộ TN&MT và các Bộ liên quan đã phối hợp với GIZ đề xuất xây dựng dự án VN-SIPA tiếp cận nguồn Quỹ Sáng kiến Khí hậu toàn cầu của CHLB Đức (IKI). Ngày 3/4/2019, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương thực hiện dự án “Hỗ trợ Việt Nam thực hiện thỏa thuận Paris”

Mục tiêu tổng quát của dự án nhằm tăng cường khung pháp lý và năng lực quốc gia để hỗ trợ triển khai thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, trọng tâm là thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam.

“Các ý kiến của thành viên Ban chỉ đạo tại cuộc họp này là rất quan trọng, là định hướng cho các hoạt động trong suốt quá trình triển khai dự án trong thời gian tới”, Thứ trưởng Lê Công Thành nhấn mạnh.

Cục trưởng Cục BĐKH Tăng Thế Cường phát biểu tại cuộc họp

Ông Weert Boerner, Phó Đại sứ Cộng hòa liên bang Đức tại Việt Nam, Phó Trưởng ban chia sẻ: VN-SIPA là dự án hợp tác chung giữa Việt Nam và Đức để hỗ trợ Việt Nam trong việc thực hiện Thỏa thuận Paris. Đây là dự án vô cùng quan trọng. Nó giải quyết một trong những vấn đề khó khăn nhất, thách thức nhất hiện nay, đó chính là BĐKH. Chính vì những tác động đáng kể của BĐKH trên toàn thế giới và việc thực hiện Thỏa thuận Paris là cần thiết và cấp bách.

“Tôi vô cùng vui mừng khi thấy rằng dự án VN-SIPA của chúng ta đã đưa ra những hoạt động, chương trình liên quan đến BĐKH một cách tổng thể và đa ngành. Việt Nam đang phải giải quyết những tác động hiện tại của BĐKH, cũng như là những hệ quả trong tương lai. Điều quan trọng của Dự án là chúng ta thực hiện được hai khía cạnh giảm nhẹ và thích ứng với BĐKH”.

Bà Anna Schreyoegg, Cố vấn trưởng dự án VN-SIPA: Mỗi năm chúng tôi sẽ hợp tác, phối hợp với Bộ TN&MT để xây dựng các hoạt động này. Các hoạt động sẽ bao gồm các ưu tiên, trình tự hoạt động dự án trong 4 năm. Do đó, việc sắp xếp thực hiện các hoạt động, trình tự ra sao là điều chúng ta cần thảo luận.

Dự án gồm có 5 hợp phần. Trong đó, hợp phần 1 nhằm tăng cường năng lực xây dựng, rà soát, cập nhật và triển khai thực hiện NDC và Thỏa thuận Paris. Đối với hợp phần 2, tăng cường Khung pháp lý thực hiện Thỏa thuận Paris về BĐKH và lồng ghép NDC vào chiến lược ngành của các bộ. Hợp phần 3 là thực hiện thí điểm thích ứng dựa vào hệ sinh thái tại Hà Tĩnh và Quảng Bình.

Hợp phần 4 với mục tiêu chính là xây dựng một số hoạt động giảm nhẹ phát thải nhà kính phù hợp điều kiện quốc gia (NAMA). Hoạt động cuối cùng – hợp phần 5, tập trung điều phối, tăng cường hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu thuộc các dự án trong khuôn khổ Sáng kiến khí hậu toàn cầu (IKI) và của Việt Nam.

Quang cảnh cuộc họp

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Thứ trưởng Lê Công Thành nhấn mạnh: “Về kế hoạch dự án năm 2020 cơ bản chúng ta đều đồng thuận với kế hoạch đề ra. Trong quá trình triển khai, đề nghị nhóm thực hiện dự án cần hết sức lưu ý đến ý kiến ở 2 địa phương là Hà Tĩnh và Quảng Bình. Cần cung cấp các tài liệu hướng dẫn dự án và cố gắng có kế hoạch của năm sau sớm hơn. Bên cạnh đó, chúng ta cần thống nhất chế độ tham vấn, báo cáo để triển khai một cách thông suốt”.

Tại cuộc họp, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, ông Tăng Thế Cường cho hay, sau khi nghe các ý kiến của các bộ, ngành liên quan, Cục BĐKH sẽ trình ban hành quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo để làm cơ sở, tài liệu để triển khai hoạt động. 

Hoàng Ngân