Bộ TN&MT bàn giao cho tỉnh Cà Mau 6 cụm công trình giếng khoan khai thác nước dưới đất
Thời sự - Ngày đăng : 22:55, 24/02/2020
Ông Triệu Đức Huy – Phó Tổng Giám đốc Trung tâm QH&ĐTTNNQG (ngoài cùng bên phải) đang trao đổi với cán bộ Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Cà Mau về giếng khoan vừa được bàn giao. |
Tại buổi khảo sát thực tế, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã chuyển giao cho UBND tỉnh Cà Mau 6 cụm công trình giếng khoan khai thác nước dưới đất công suất từ 500-1000m3/ngđ mỗi trạm. Đây là kết quả của Dự án “Điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất tại các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước”.
Ông Triệu Đức Huy – Phó Tổng Giám đốc Trung tâm QH&ĐTTNNQG cho biết: Dự án “Điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất tại các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước” do Trung tâm QH&ĐTTNNQG triển khai thực hiện tại Cà Mau từ năm 2016. Cho đến thời điểm cuối năm 2019, Trung tâm đã thực hiện tìm kiếm nguồn nước dưới đất tại 6 vùng khan hiếm nước trên địa bàn tỉnh Cà Mau với 6 lỗ khoan có khả năng cấp 4.492m3 nước/ngày, phục vụ cho 44.920 người.
Cụm giếng khoan VCCM10 tại ấp 1, xã Trần Hợi huyện Trần Văn Thời công suất 700m3/ngđ |
Năm 2020, Trung tâm phối hợp với các Bộ, ngành và các cơ quan liên quan thực hiện xây dựng thí điểm mô hình hệ thống cấp nước tại vùng (5) Trần Hợi, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời (theo Quyết định số 1553/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và đề xuất lựa chọn vùng Trần Hợi của Sở TN&MT tỉnh Cà Mau).
|
Kênh cấp 2,3,4 hoàn toàn trơ đáy |
Vẫn theo ông Triệu Đức Huy, ngoài dự án trên Trung tâm hiện đang triển khai Dự án “Bảo vệ nước dưới đất tại các đô thị lớn” tại đô thị Cà Mau. Phạm vi thực hiện dự án gồm toàn bộ diện tích TP. Cà Mau và một phần các xã Tân Trung, Tạ An Khương của H. Đầm Dơi; các xã Lương Thế Trân, Thạnh Phú, Phú Hưng, Tân Hưng của H. Cái Nước và các xã Tân Lộc, Tân Lộc Đông của H. Thới Bình (407km2).
Kênh cấp 1 chỉ còn 0,5-0,8m |
Trong năm 2020, Trung tâm sẽ tiến hành khoan thăm dò nghiên cứu 4 cụm lỗ khoan với tổng số 12 lỗ khoan. Dự kiến, cuối năm 2020 sẽ hoàn thành và bàn giao cho địa phương bộ sản phẩm, cơ sở dữ liệu và các giải pháp khai thác sử dụng bền vững nguồn tài nguyên nước dưới đất cho tỉnh Cà Mau.
Việc Bộ TN&MT bàn giao các công trình giếng khoan cho tỉnh Cà Mau góp phần giải quyết nhu cầu về nguồn nước cho người dân địa phương, phục vụ cho sinh hoạt và phát triển kinh tế xã hội đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu, người dân đang phải đối mặt với nguy cơ xâm nhập mặn và hạn hán.
Tính đến hết năm 2019, Trung tâm đã thực hiện tìm kiếm nguồn nước dưới đất tại 44 vùng khan hiếm nước trên địa bàn 10 tỉnh gồm Cà Mau, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Long An, Bình Phước, Sóc Trăng, Trà Vinh, Tây Ninh, Đồng Tháp.
Số lỗ khoan đã thi công là 44 với tổng lưu lượng là 38.671 m3/ngày.
Số lượng lỗ khoan đã được bàn giao cho địa phương là 08 với tổng lưu lượng 10.687m3/ngày (các lỗ khoan tại tỉnh Bạc Liêu).
Trong năm 2020, dự kiến bàn giao 13 lỗ khoan đã thi công thuộc các tỉnh Bình Phước, Cà Mau và Kiên Giang. Tổng lưu lượng là 6.732 m3/ngày.
Trong năm 2020, dự án tiếp tục được thực hiện tại các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Long An. Hiện Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Nam đã gửi công văn xuống UBND các tỉnh để đề nghị hỗ trợ bàn giao vị trí các lỗ khoan.
+ Tỉnh An Giang: 4 lỗ khoan tại xã An Cư, huyện Tịnh Biên và xã Núi Tô, huyện Tri Tôn);
+ Tỉnh Bạc Liêu: 1 lỗ khoan tại xã Ninh Thạnh Lợi A, huyện Hồng Dân;
+ Tỉnh Long An: 1 lỗ khoan tại xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Hưng;
+ Tỉnh Kiên Giang: 1 lỗ khoan tại xã Bình An, huyện Kiên Lương.
Tổng số vùng khan hiếm nước còn lại chưa thực hiện của của dự án này là 12 vùng với tổng số 21 lỗ khoan.
(Nguồn: Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia)