Tĩnh Gia (Thanh Hóa): Chính quyền “buông xuôi” trước Nhà máy chế biến gỗ trái phép?
Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 16:05, 24/02/2020
Trước đó, Báo Điện tử Tài nguyên và Môi trường có loạt bài phản ánh về việc khi chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), cũng như giấy phép xây dựng, Công ty Mai Anh 88 đã ngang nhiên xây dựng Nhà máy chế biến gỗ, gây ô nhiễm môi trường tại xã Trường Lâm, huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa).
Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Mai Anh 88 trong hoạt động đầu tư xây dựng tại xã Trường Lâm, huyện Tĩnh Gia |
Phát hiện sự việc, ngày 7/8/2018, UBND xã Trường Lâm tiến hành lập biên bản vi phạm trật tự xây dựng đối với Công ty Mai Anh 88, tại thời điểm kiểm tra cho thấy: Công ty xây dựng vi phạm trật tự xây dựng tại thôn Tân Lập, xã Trường Lâm. Hiện trạng công trình vi phạm là phá dỡ tường rào cũ, san lấp xây dựng tường rào mới, xây dựng trên diện tích đất ngoài cấp phép ở phía Tây khu Nhà máy là 2.397m², phía Bắc là 415m².
Ngày 26/10/2018, UBND xã Trường Lâm tiếp tục lập biên bản đối vi phạm của Công ty Mai Anh 88 với nội dung: Hiện trạng công trình vi phạm là xây dựng lò sấy gỗ chiều dài là 28m, rộng 7m, cao 4,3m mái bê tông cốt thép. Xây dựng nhà xưởng cột thép, mái tôn dài 21m, rộng 12m, cao 6m. Xây dựng trái phép nhà xưởng rộng 12m, dài 25m, cao 6m.
Mặc dù đã hết thời hạn tháo dỡ công trình vi phạm (đến ngày 8/01/2019) nhưng hệ thống nhà xưởng, trạm nghiền sàng “vẫn án binh bất động” |
Trước sai phạm trên, ngày 8/11/2018 UBND huyện Tĩnh Gia ban hành Quyết định số 7204/QĐ-XPVPHC xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hoạt động đầu tư xây dựng đối với Công ty Mai Anh 88 theo quy định tại Điểm c, khoản 5, Điều 15 Nghị định số 139/2017/NĐ-CP ngày 27/11/2017 của Chính phủ với số tiền xử phạt là 30 triệu đồng. Yêu cầu trong thời gian 60 ngày (đến ngày 8/01/2019). Nếu hết thời hạn trên, Công ty không xuất trình được giấy phép xây dựng thì áp dụng biện pháp buộc tháo dỡ công trình vi phạm.
Tưởng rằng, chừng ấy “sóng gió” sẽ đủ sức răn đe, đảm bảo tính thực thi của pháp luật về đất đai, xây dựng và đầu tư…song các hạng mục vi phạm vẫn “bình an vô sự”. Sáng ngày 18/02/2020, PV có mặt tại Nhà máy chế biến gỗ của Công ty Mai Anh 88, quan sát cho thấy: Tất các các hạng mục như hệ thống nhà xưởng, lò xấy gỗ, dây truyền nghiền sàng vẫn “án binh bất động”. Tại khu vực phía sau Nhà máy, hàng nghìn m² đất nông nghiệp đã được Công ty cho san lấp và quây hàng rào thép gai để làm bãi chứa nguyên liệu. Điều này, khiến dư luận đặt ra câu hỏi: Liệu Công ty Mai Anh 88 có đang “nhờn” luật hay chính quyền địa phương đang thiếu kiên quyết và “bất lực” trong việc xử lý triệt để sai phạm?.
Dư luận đang băn khoăn: Liệu Công ty Mai Anh 88 có đang “nhờn” luật hay chính quyền địa phương đang thiếu kiên quyết và “bất lực” trong việc xử lý triệt để sai phạm?. |
Trao đổi với PV Báo Tài nguyên và Môi trường, ông Đỗ Thế Thống, Chủ tịch UBND xã Trường Lâm cho biết: Đến nay, Nhà máy chế biến gỗ của Công ty Mai Anh 88 vẫn chưa có giấy phép xây dựng, chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Chúng tôi đã nhiều lần mời Công ty lên làm việc để yêu cầu tháo dỡ các công trình vi phạm, nhưng Công ty không phối hợp.
Khi được hỏi, ngoài việc “chây ì” tháo dỡ các công trình vi phạm, Công ty Mai Anh 88 đã san lấp hàng nghìn m² đất nông nghiệp ở phía sau Nhà máy để làm bãi chứa nguyên liệu, vậy UBND xã Trường Lâm có biết và kiểm tra hay không?.
Lúc này, ông Thống tỏ ra ngạc nhiên cho biết thêm “Thật ra từ Tết đến nay, xã cũng chưa kiểm tra lại hoạt động của Công ty, tôi sẽ cử cán bộ đi kiểm tra và sẽ thông tin sau”.
Ngoài việc “chây ì” tháo dỡ các công trình vi phạm, Công ty Mai Anh 88 còn tự ý san lấp hàng nghìn m² đất nông nghiệp để làm bãi chứa nguyên liệu |
Trao đổi qua điện thoại, ông Hoàng Bá Trung, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tĩnh Gia cho biết: Nếu Công ty Mai Anh 88 chưa tiến hành tháo dỡ công trình vi phạm tại xã Trường Lâm theo yêu cầu của UBND huyện Tĩnh Gia, chúng tôi sẽ có báo cáo lên các Sở ngành liên quan. Còn việc họ tự ý san lấp đất nông nghiệp phía sau nhà xưởng, huyện chưa nắm được vì UBND xã Trường Lâm chưa báo cáo lên.