Bến Tre: Phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp thông minh thích ứng BĐKH 

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 10:34, 24/02/2020

(TN&MT) - Tiếp nối từ hiệu quả bước đầu của Dự án AMD mang lại, tỉnh Bến Tre tiếp tục đề xuất triển khai Dự án phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp thông minh thích ứng biến đổi khí hậu (BĐKH), nhằm góp phần hỗ trợ sinh kế và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. 

Các chuyên gia của Dự án AMD Bến Tre khảo sát xây dựng giao thông nông thôn

Giám đốc Dự án AMD Bến Tre Nguyễn Khắc Hân cho biết, qua 5 năm thực hiện, Dự án AMD Bến Tre đã và đang thực hiện đúng mục tiêu đề ra, tăng thu nhập cho nông dân, đặc biệt là đối với người nghèo, phụ nữ làm chủ hộ. Nhiều hoạt động ứng phó với BĐKH có kết quả tốt, hiệu quả khá cao, đem lại lợi ích cho cả động cồng ở địa phương và có triển vọng nhân rộng, góp phần tích cực vào chương trình giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Theo ông Nguyễn Khắc Hân, Dự án AMD giai đoạn 2014-2020 sắp kết thúc. Do vậy, tỉnh Bến Tre tiếp tục đề xuất triển khai “Dự án phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp thông minh thích ứng BĐKH”, gọi là Dự án giai đoạn 3. Thời gian thực hiện từ năm 2021-2025. Hiện, tỉnh đang trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và IFAD xem xét được xây dựng dựa trên kết quả Dự án phát triển kinh doanh với người nghèo nông thôn và Dự án AMD Bến Tre. 

Cả hai dự án đều có những tác động tích cực đến các nhóm đối tượng mục tiêu như phân cấp quản lý, đầu tư đến cấp xã, cải thiện sự tham gia của đối tượng hưởng lợi và tăng cường quyền sở hữu của chính quyền địa phương, tính chủ động của người dân trong công tác giảm nghèo.

Nhiều mô hình sinh kế thích ứng BĐKH, giúp người dân cải thiện cuộc sống

Ông Nguyễn Khắc Hân cho rằng, cộng đồng ở tỉnh Bến Tre đã và đang chịu tác động của hiện tượng nước biển dâng, xâm nhập mặn sâu kéo dài, lượng mưa thất thường và sự thay đổi dòng chảy gây sạt lở nghiêm trọng. Môi trường vùng cửa sông, ven biển bị ô nhiễm ngày càng nặng nề hơn, tác động tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp, thủy sản. Hệ thống kết cấu hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ, đúng mức nên chưa phát huy hiệu quả. Doanh nghiệp chưa đủ mạnh, chưa có doanh nghiệp đầu tàu làm hạt nhân, trung tâm chuỗi giá trị kích thích nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. 

Vì vậy, Dự án giai đoạn 3 tiếp tục tập trung vào xây dựng năng lực thích ứng cho các cộng đồng và các tổ chức tại Bến Tre để thích ứng tốt hơn với BĐKH. Cách tiếp cận bao gồm xây dựng nền tảng và tri thức để cải thiện việc lập kế hoạch có sự tham gia, xây dựng chính sách và tạo thuận lợi cho việc thích ứng thông qua gia tăng giá trị trong các chuỗi giá trị nông sản được xác định, phù hợp với người nghèo và phân bổ giá trị gia tăng công bằng hơn giữa các tác nhân trong chuỗi giá trị, lồng ghép tốt hơn các nguồn lực đầu tư sinh kế và hạ tầng xanh – thích ứng với BĐKH nhằm mục tiêu mở ra những cơ hội tạo sinh kế bền vững và giảm nghèo mới, nâng cao thu nhập, lợi nhuận của người nông dân, doanh nghiệp. 

Đề xuất Dự án giai đoạn 3 dự kiến được triển khai tại 40 xã, trong đó bao gồm một số xã của AMD giai đoạn 2014-2020 và một số xã mới theo tiêu chí nghèo, bị tác động nhiều bởi BĐKH. Tổng mức đầu tư dự án dự kiến khoảng 42,61 triệu USD, tương đương 980 tỷ đồng.

Dự án hỗ trợ cho người dân nghèo huyện Thạnh Phú nuôi cua biển

Cũng theo ông Nguyễn Khắc Hân, việc đẩy mạnh đầu tư và khuyến khích đầu tư vào kinh doanh nông nghiệp cùng với các hoạt động nâng cao năng lực về thị trường và nâng cấp, phát triển các chuỗi giá trị góp phần nâng cao năng suất lao động, chất lượng và giá cả của sản phẩm nông nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, tăng thu nhập và tạo cơ hội việc làm cho nông dân, đặc biệt là nông dân nghèo, thanh niên và phụ nữ trong vùng dự án.

Bên cạnh đó, các hoạt động phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp thích ứng với BĐKH sẽ giúp người dân, doanh nghiệp thực sự hiểu biết và chủ động trong quản lý tài nguyên thiên nhiên, góp phần làm giảm tác động tiêu cực của BĐKH và ô nhiễm môi trường. Việc áp dụng các quy trình nông nghiệp hữu cơ sẽ đảm bảo sản xuất ra thực phẩm sạch, đáp ứng yêu cầu an toàn thực phẩm từ sản xuất đến tiêu dùng.  

Đồng thời, các hoạt động của dự án sẽ góp phần vào chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình OCOP. Trong đó, cộng đồng được phân cấp và trao quyền xây dựng, thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch chuỗi; thanh niên có cơ hội làm việc tại nông thôn với thu nhập cao để giảm bớt tình trạng di cư ra thành thị; phụ nữ có vai trò tích cực hơn tại gia đình và cộng đồng; các tổ chức ở cơ sở vững mạnh hơn để quản lý có hiệu quả và bền vững các nguồn lực, góp phần phát triển kinh tế xã hội chung của tỉnh nhà.

Đến nay, Dự án AMD Bến Tre đã thực hiện được 51 mô hình thích ứng với BĐKH; thành lập mới 1.410 nhóm tín dụng tiết kiệm; có 641 tiểu dự án đã được tài trợ, giúp tạo việc làm và giảm nghèo với 4.710 người hưởng lợi. Có 24 dự án được IFAD phê duyệt theo hình thức hợp tác công tư (PPP) trong nhiều lĩnh vực; hoàn thành 55 công trình hạ tầng nông thôn thích ứng với BĐKH có tác động đến vùng sản xuất sinh hoạt của cộng đồng dân cư...

Bạch Thanh