Thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tam Giang - Cầu Hai

Môi trường - Ngày đăng : 07:47, 24/02/2020

(TN&MT) - Tam Giang - Cầu Hai (tỉnh Thừa Thiên Huế) được xem là vùng đầm phá lớn nhất Đông Nam Á, nơi đây không chỉ có giá trị cao về tài nguyên, đa dạng sinh học, mà còn có chức năng vô cùng quan trọng về môi trường sinh thái, có vai trò to lớn về cân bằng tự nhiên ven bờ và phát triển kinh tế xã hội.

Vùng đất ngập nước hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai thuộc địa phận của 5 huyện, thị xã ven biển Thừa Thiên Huế là Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc và thị xã Hương Trà. Đây là vùng đất ngập nước tiêu biểu cho điều kiện nhiệt đới gió mùa, lớn nhất Đông Nam Á và thuộc cỡ lớn trên thế giới.

Hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai kéo dài 68 km dọc bờ biển Thừa Thiên Huế theo hướng Tây Bắc - Đông Nam và rộng 1- 10 km, tổng diện tích mặt nước 216 km2. Đây là hệ đầm phá gần kín với 2 cửa Thuận An và Tư Hiền ăn thông với biển phía ngoài, gồm 3 đầm - phá hợp thành: phá Tam Giang, đầm Thủy Tú (gồm 3 đầm Thanh Lam hay còn gọi là đầm Sam Chuồn, đầm An Truyền và đầm Thủy Tú) và đầm Cầu Hai.

Phá Tam Giang – Cầu Hai rộng lớn nhìn từ trên cao

Đầm phá có giá trị đa dạng sinh học rất cao. Các nghiên cứu gần đây đã thống kê được khu hệ thực vật gồm 221 loài thực vật phù du, 46 loài rong, 18 loài thực vật thủy sinh bậc cao gồm có 7 loài cỏ biển và 11 loài cỏ nước ngọt, 31 loài thực vật bậc cao trong đó 7 loài thực vật ngập mặn. Khu hệ động vật tại đây gồm 66 loài động vật phù du, 46 loài động vật đáy, 230 loài Cá và 73 loài Chim, trong đó có 34 loài di cư và 39 loài định cư…

Nơi đây không chỉ có giá trị cao về tài nguyên đặc biệt là đa dạng sinh học, mà còn có chức năng vô cùng quan trọng về môi trường sinh thái, có vai trò to lớn về cân bằng tự nhiên ven bờ và phát triển kinh tế - xã hội khu vực. Đầm phá Tam Giang - Cầu Hai là một trong những đại diện hiếm hoi của hệ sinh thái ven biển nhiệt đới với môi trường phức tạp và đa dạng: đồng bằng châu thổ, vùng nước nông mở, vùng nước với đệm cỏ, các cửa sông và những nhánh sông bao quanh bởi những đụn cát chắn. Đây từng là nơi tập trung chim nước di cư với số lượng trên 2 vạn cá thể vào mùa đông. Hệ sinh thái đầm phá cung cấp nguồn dinh dưỡng chính cho khoảng 500 ngàn người sống trong 44 xã thuộc 5 huyện, thị xã xung quanh đầm phá…

Chính ví những lẽ trên, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa ra quyết định thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tam Giang - Cầu Hai.

Theo đó, tổng diện tích Khu bảo tồn đất ngập nước Tam Giang - Cầu Hai là 2.071,5 ha, bao gồm phân vùng Ô Lâu (1.270,2 ha), phân vùng Cồn Tè - Rú Chá (187,1 ha) và 23 khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản (614,2 ha). Trong đó, phân khu bảo vệ nghiêm ngặt: 799,1 ha; phân khu phục hồi sinh thái: 1.242,9 ha; phân khu dịch vụ - hành chính: 29,5.

Hệ động thực vật đa dang tại đầm phá

Quyết định nêu rõ những hoạt động chung nhằm bảo vệ, phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên trong khu bảo tồn như: Thực hiện nghiêm cấm các hoạt động khai thác thủy sản trên mặt nước tại các phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, Thực hiện nghiêm cấm khai thác thủy sản bằng hình thức mang tính huỷ diệt (lưới mắt nhỏ, te điện hay giã cào và các hình thức tương tự khác) tại các phân khu phục hồi sinh thái, phân khu dịch vụ - hành chính và vùng đệm. Thực hiện tuyên truyền, phổ biến tới các cơ quan, người dân về các hoạt động nghiêm cấm không được thực hiện, hoạt động có điều kiện tại các phân vùng của khu bảo tồn; giám sát thực hiện. Thực hiện điều tra cơ bản và nghiên cứu khoa học hàng năm phân bố và xu thế biến động tài nguyên của khu vực đầm phá trong điều kiện biến đổi khí hậu. Lồng ghép quy hoạch khu bảo tồn đất ngập nước Tam Giang - Cầu Hai vào quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội đầm phá Tam Giang - Cầu Hai. Quan trắc, giám sát chất lượng môi trường và đa dạng sinh học định kỳ theo mùa và hàng năm.

Việc thành lập khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tam Giang - Cầu Hai, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ giảm thiểu các tác động làm suy giảm chất lượng môi trường sống, ảnh hưởng đến cấu trúc của hệ sinh thái, đa dạng sinh học và nguồn lợi thủy sản; tăng cường khả năng chống chịu của các hệ sinh thái trong khu bảo tồn, thích ứng với những biến động tự nhiên của đầm phá và biến đổi khí hậu. Đồng thời, bảo tồn, phục hồi được sinh cảnh, các hệ sinh thái đặc thù, quan trọng, đa dạng sinh học và nguồn lợi thủy sản của đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, phục hồi và phát triển quần thể của các loài chim hoang dã, quý hiếm và phát triển phân vùng Ô Lâu trở thành “sân chim” tiêu biểu của khu vực và toàn quốc.

Văn Dinh