Thừa Thiên Huế: “Lối thoát” nào cho khu chung cư Đống Đa?
Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 23:00, 22/02/2020
Tồn tại hơn 40 năm
Ngay giữa trung tâm TP. Huế, có lẽ người dân và du khách sẽ không ít lần đi ngang qua đường Đống Đa và nhìn thấy một góc khu chung cư từ bên ngoài với vẻ đẹp cổ kính, rêu phong và mang nhiều hoài niệm... Tuy nhiên, bên trong chung cư dường như che lấp điều đó khi “sự sống” của chung cư này không còn nhiều, hiểm nguy đang rình rập từng ngày...
Qua tìm hiểu của PV, khu chung cư Đống Đa bao gồm 5 dãy nhà (ký hiệu là nhà A, B, C, D, E); được đưa vào khai thác, sử dụng từ năm 1979 đến năm 1988 và tồn tại cho đến nay. Theo thiết kế thì tổng diện tích xây dựng là 3.307 m2, tổng diện tích sàn sử dụng là 7.971 m2. Hiện có hơn 200 căn hộ đang sinh sống và kinh doanh buôn bán. Qua thời gian, công trình đang dần xuống cấp, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống dân cư.
Một góc khu chung cư Đống Đa hiện tại |
Có mặt tại khu chung cư, PV nhận thấy mặt ngoài các dãy nhà bị rêu mốc, tường bị thấm nước, vật liệu bị nứt nhiều vị trí ở tường lan can, một số nơi bong tróc lớp vữa và lòi ra kết cấu xây dựng bên trong. Trần các hành lang chung các tầng xuất hiện nhiều vết nứt, bong tróc lộ cốt thép hoen gỉ. Hầu hết trần, tường khu vực vệ sinh và bếp bị thấm nước, bong tróc lớp vữa. Bước từng bước qua các cầu thang, PV cảm nhận được sự sợ hãi khi chung cư xuống cấp như vậy.
Cụ thể hơn, ở dãy nhà A, hệ thống ống thoát nước sinh hoạt do sử dụng trong thời gian dài, ít được bảo dưỡng, sửa chữa nên bị rò rỉ, gây thấm hại vào tường, trần nhà. Một số cột bị bong tróc, lộ cốt thép ra ngoài, xuất hiện các vết nứt. Ở dãy nhà B các cầu thang có hiện tượng rêu mốc, trơn trượt, tay vịn bị vỡ lộ cốt thép không an toàn; một số đường ống thoát nước đã hư hại, vỡ nhiều vị trí...
Ở dãy nhà C, nền tầng một khu vực sảnh cầu thang có nhiều vị trí sụt lún, mòn vẹt, bạt màu, nứt vỡ gạch lát một số vị trí. Các mái sảnh và ô văng bị thấm, bám rêu...Dãy nhà D và E cũng xuất hiện một số tình trạng như trên.
“Chung cư xuống cấp nặng thì ai ai cũng biết. Mỗi ngày trôi qua, tôi cứ thấp thỏm lo âu vì nhiều hạng mục hư hỏng, mùa mưa dột, mùa nắng thì hanh khô. Mong nhà nước quan tâm hơn nữa để cải tạo sớm hay giải tỏa trước khi gặp nguy hiểm bất ngờ...”, anh T. - một hộ dân sống tại chung cư chia sẻ.
Nhiều vết nứt nguy hiểm xuất hiện dọc các trần hành lang, tường bong tróc... |
Ngoài ra, việc cơi nới, lấn chiếm xây dựng thêm tiếp giáp với dãy nhà chung cư để tăng diện tích sử dụng đã và đang xảy ra, một số hộ ở phía đường Lê Hồng Phong mở cửa rộng ra để phục vụ kinh doanh. Một số hộ đã cải tạo, sửa chữa bên trong nhà, thay đổi công năng sử dụng, cải tạo lại căn hộ để kinh doanh...
Cải tạo chung cư
Thông tin đến Báo Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng Thừa Thiên Huế cho biết, hiện nay có 219 căn hộ đang sinh sống và kinh doanh buôn bán tại chung cư Đống Đa. Cụ thể, nhà A được đưa vào sử dụng năm 1979, xây 5 tầng, 80 căn hộ. Nhà B sử dụng năm 1980, xây 3 tầng, có 54 căn hộ. Nhà C được đưa vào sử dụng năm 1983, xây 3 tầng, có 27 căn hộ. Nhà D sử dụng năm 1985, xây 5 tầng, 34 căn hộ. Nhà E được đưa vào sử dụng năm 1988, xây 2 tầng với 24 căn hộ.
Sở Xây dựng cũng thừa nhận, khu chung cư Đống Đa đến nay đã xuống cấp nghiêm trọng; các khối nhà này đã ở vào thời điểm thuộc niên hạn sử dụng không an toàn, và gần đạt giá trị niên hạn sử dụng tối đa cho phép của công trình là 50 năm; cư dân đang sinh sống với tiện nghi ở thấp, không an toàn; kiến trúc công trình và việc tự phát cơi nới để tận dụng các khoảng không gian, đặc biệt là nhà A (một số hộ dân tháo dỡ tường tham gia chịu lực để kinh doanh, buôn bán) làm ảnh hưởng lớn đến kết cấu chịu lực của công trình và thẩm mỹ đô thị Huế...
Cầu thang nứt nẻ nặng, tay vịn không an toàn |
Ngày 10/10/2013, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế có công văn số 5309/UBND - XD gửi Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, thống nhất chủ trương thực hiện chỉnh trang, cải tạo khu chung cư Đống Đa theo hướng xây dựng mới các khối nhà ở chung cư kết hợp dịch vụ, trong đó có nhà ở chung cư bố trí tái định cư cho các hộ dân đang sinh sống tại khu vực này để góp phần chỉnh trang đô thị Huế, đảm bảo an toàn và ổn định cuộc sống cho các hộ gia đình, cá nhân liên quan. Về phương án cải tạo, trước mắt chỉ cải tạo, xây dựng lại các khối nhà A, B ,C thuộc trục đường Đống Đa, Lê Hồng Phong để phù hợp quy hoạch...
“Về phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, tạm cư, dự kiến nguyên tắc chung trong công tác bố trí tái định cư thì các hộ tầng 1 được xét bố trí tái định cư vào các căn hộ tại các tầng thấp nhất của khu chung cư mới, hạn chế tối đa sự thay đổi tầng của căn hộ chung cư cũ và mới. Các hộ không có nhu cầu tái định cư thì được chủ đầu tư bồi thường theo mức giá thoả thuận. Mức giá sẽ do đơn vị có chức năng, tổ chức làm nhiệm vụ giải phóng mặt bằng định giá. Khuyến khích các hộ tự di dời và tìm chỗ ở, trong trường hợp các hộ dân chưa có chỗ để di dời, chủ đầu tư sẽ xây dựng phương án di chuyển, bố trí tạm cư cho các hộ dân trình UBND tỉnh phê duyệt trước khi phá dỡ công trình. Trong thời gian này, các hộ dân sẽ được nhận hỗ trợ để đảm bảo cuộc sống”, Sở Xây dựng thông tin.
Báo cáo của UBND TP. Huế cho PV cũng cho biết, tại nhà A đang có 31 trường hợp lấn chiếm phần đất sử dụng chung xây dựng trái phép, vi phạm trật tự xây dựng; nhà B là 29 trường hợp; nhà C 25 trường hợp; nhà D 21 trường hợp; nhà E 16 trường hợp.
Nhiều hộ buôn bán, kinh doanh trái phép trong khu chung cư |
Hiện UBND TP. Huế đang vận động và thông báo đến bà con nhân dân tự giác chấp hành tháo dỡ các công trình xây dựng cơi nới, lấn chiếm tại khu chung cư Đống Đa. Nếu quá thời gian quy định mà các hộ gia đình không tự giác chấp hành tháo dỡ các công trình xây dựng cơi nới, UBND phường sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan củng cố hồ sơ, tham mưu ban hành quyết định cưỡng chế các trường hợp xây dựng lấn chiếm theo quy định...
Ông Nguyễn Đình Bách - Phó Chánh văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho hay, việc cải tạo chung cư Đống Đa đã trải qua một thời gian dài nhưng chưa có kết quả, các nhà đầu tư cũng xem xét rất nhiều lần. Tỉnh cũng đã thành lập riêng một ban chỉ đạo và có lẽ là lần đầu tiên xây dựng chung cư mà có ban chỉ đạo, bởi để đáp ứng nguyện vọng của người dân là điều không dễ dàng.
Được biết, dự kiến tháng 3/2020, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ tổ chức đối thoại với toàn thể cư dân khu chung cư Đống Đa để nắm bắt nguyện vọng của cư dân và vận động cư dân đồng ý chủ trương của tỉnh về việc cải tạo, xây dựng lại khu chung cư này.
Báo Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin.