Hải Phòng: Khoanh vùng bảo tồn di tích Bạch Đằng Giang
Văn hóa - Ngày đăng : 22:59, 22/02/2020
Tại cuộc họp thứ 12 (kỳ họp bất thường) HĐND TP Hải Phòng khóa XV, Sở Xây dựng Hải Phòng báo cáo và đề nghị Ban Thường vụ Thành ủy đồng ý chủ trương khoanh vùng bảo tồn, phát huy giá trị quần thể di tích gắn với chiến thắng Bạch Đằng tại huyện Thủy Nguyên, từ ngã 3 sông Đá Bạc và sông Giá đến Bến Rừng.
Trong phạm vi khoanh vùng bảo tồn, Sở Xây dựng Hải Phòng đề nghị hạn chế phát triển công nghiệp, phát triển đô thị có quy mô lớn; không cấp phép khai thác khoáng sản đối với các dự án mới, đồng thời rà soát thu hồi các dự án khai thác khoáng sản đã cấp phép; ưu tiên phát triển du lịch, nông nghiệp gắn với bảo tồn, tiếp tục thực hiện khảo cổ để xác định các di tích liên quan.
Sở cũng đề xuất Ban Thường vụ Thành ủy đồng ý chủ trương lập quy hoạch phân khu Khu vực bãi cọc Cao Quỳ với diện tích khoảng 150ha.
Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng thống nhất thông qua chủ trương khoanh vùng để bảo tồn bãi cọc, tránh bị xâm hại, giữ lại cảnh quan. Đồng thời, đề nghị UBND TP Hải Phòng triển khai tiếp các nội dung để trình HĐND thành phố ban hành Nghị quyết. Cùng với đó, các cơ quan chức năng sẽ đẩy mạnh công tác khảo sát để lập quy hoạch bảo tồn và xây dựng đường giao thông kết nối đến vị trí bãi cọc, phấn đấu khởi công xây dựng vào dịp 13/5/2020.
|
Trước đó, ngày 1/10/2019, trong quá trình đào đất trồng cau ở khu vực Mả Dài thuộc cánh đồng Cao Quỳ, anh Nguyễn Văn Triệu (nông dân xã Liên Khê) phát hiện hai cây gỗ dài hơn 3 m, đường kính hơn 30 cm. Sau đó, Viện Khảo cổ học phối hợp với Bảo tàng Hải Phòng khai quật 3 hố tại cánh đồng Cao Quỳ, phát hiện 27 chiếc cọc.
Kết quả khai quật và đánh giá của các nhà khoa học, nhà sử học cho thấy đây là di tích lịch sử quan trọng liên quan đến các trận chiến trên dòng sông Bạch Đằng. Phát hiện này làm thay đổi nhận thức về cuộc chiến chống quân xâm lược trên dòng sông Bạch Đằng lịch sử. Qua đó còn cho thấy khả năng khu vực dọc sông Bạch Đằng, trải dài từ ngã 3 sông Đá Bạc và sông Giá đến Phà Rừng ngày nay còn rất nhiều di tích, di chỉ chưa được phát hiện.
Bãi cọc mới phát hiện tại khu vực ao nuôi cá của gia đình ông Đến, xã Lại Xuân, Thủy Nguyên, Hải Phòng. |
Khu vực bãi cọc mới phát hiện tại xã Lại Xuân, Thủy Nguyên, Hải Phòng. |
Mới đây, trong quá trình tát ao thu hoạch cá, ông Đào Văn Đến (Thôn 1, xã Lại Xuân, Thủy Nguyên) đã phát hiện 13 cọc gỗ nghi liên quan đến trận đánh Bạch Đằng năm 1288.
Theo các nhà khảo cổ, nơi phát hiện bãi cọc là khu vực Đầm Thượng, vốn là cồn đất nằm chính giữa ngã ba sông Kinh Thầy, sông Đá Vách và sông Đá Bạc. Đây cũng là nơi giáp ranh địa giới hành chính của 3 tỉnh, thành: Hải Phòng, Quảng Ninh và Hải Dương. Ngày 12/2, Viện Khảo cổ học và UBND huyện Thủy Nguyên đã đến khảo sát và cho rằng các cọc gỗ mà ông Đến tìm thấy có giá trị trong việc nghiên cứu về chiến trận Bạch Đằng năm 1288. Hiện, bãi cọc này đang được tiến hành khai quật khảo cổ khẩn cấp.
Từ đó, chính quyền TP Hải Phòng nhận thấy việc tổ chức khoanh vùng, lập quy hoạch bảo tồn, phát huy giá trị quần thể di tích gắn với chiến thắng Bạch Đằng như trên là hết sức cần thiết.