Quản lý chất thải nông thôn - tiếp cận từ cộng đồng cơ sở
Quản lý chất thải rắn - Ngày đăng : 22:17, 21/02/2020
Đó là bài học đúc rút từ giải pháp “Đồng bộ hóa quản lý kỹ thuật trong xử lý rác và nước thải sinh hoạt trong khu dân cư” do Văn phòng điều phối Nông thôn mới Hà Tĩnh phối hợp với Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ Hà Tĩnh nghiên cứu.
Ô nhiễm chất thải vẫn cấp thiết
Theo Văn phòng điều phối Nông thôn mới Hà Tĩnh, quá trình thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), nông thôn Hà Tĩnh đã có sự thay đổi lớn, đạt kết quả toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Đến nay, tất cả các xã đều nâng mức độ đạt chuẩn, không còn xã dưới 11 tiêu chí, toàn tỉnh đã có trên 158 xã đạt chuẩn NTM.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận thì ô nhiễm chất thải sinh hoạt tại khu vực nông thôn đang là vấn đề vô cùng cấp thiết đặt ra cho Hà Tĩnh. Với dân số sống ở nông thôn hơn 1 triệu người; ước tính, mỗi ngày lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn nông thôn Hà Tĩnh khoảng 700 tấn/ngày với tỷ lệ thu gom xử lý đạt 70%; lượng nước thải khoảng 83000m3/ngày đêm, nhưng phần lớn chưa được xử lý đúng quy định.
Cùng đó, hệ thống thoát nước thải của nhiều xã chưa được quan tâm đầu tư. Ý thức trách nhiệm của người dân trong việc thu gom, xử lý nước thải chưa cao, chưa có các quy chế, quy định về quản lý, thu gom, xử lý nước thải, rác thải sinh hoạt nông thôn; tình trạng xả thải bừa bãi làm ô nhiễm môi trường tại các xã vẫn còn phổ biến.
Nhiều xã nông thôn mới vẫn đối mặt với vấn đề rác thải. Ảnh minh họa |
Văn phòng điều phối NTM Hà Tĩnh cho biết thêm, tỉnh có 25 làng nghề nhưng môi trường đang ngày càng bị ô nhiễm do nhiều nguyên nhân. Trong đó, chủ yếu là do hệ thống hạ tầng xử lý chất thải chưa được đầu tư đúng quy định; việc ứng dụng khoa học - công nghệ còn hạn chế; nhận thức của người dân về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với vấn đề bảo vệ môi trường còn thấp; ý thức trách nhiệm trong sản xuất và sinh hoạt còn yếu; quản lý của nhà nước về bảo vệ môi trường ở các làng nghề chưa tốt.
Mặc dù đã được các cấp, các ngành quan tâm, đầu tư kinh phí xây dựng hệ thống xử lý chất thải, tỉnh Hà Tĩnh cũng đã tổ chức tham quan một số địa phương đầu tư kinh phí xây dựng hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt tập trung như Ninh Bình; Thái Nguyên. Mặc dù vậy, chi phí đầu tư cao và phải có kỹ thuật vận hành cũng như kinh phí duy trì hàng năm.
“Đặc biệt, công tác phân loại chất thải rắn tại nguồn mới chỉ dừng lại ở mô hình, việc tái chế, tái sử dụng chưa được chú trọng. Tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn ở khu vực nông thôn còn thấp dẫn đến lượng rác thải tập trung về các điểm tập kết và các điểm xử lý cao, gây quá tải cho các điểm tập kết, bãi rác, điểm xử lý rác; chi phí để vận chuyển và xử lý rác cao, gây gánh nặng cho ngân sách nhà nước và người dân”, Văn phòng điều phối NTM Hà Tĩnh nêu.
Quản lý và kỹ thuật “tiếp cận từ cộng đồng”
Trước thực trạng ô nhiễm chất thải cấp thiết ở nông thôn Hà Tĩnh, Văn phòng điều phối NTM tỉnh phối hợp với Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu đề tài “Đồng bộ hóa quản lý kỹ thuật trong xử lý rác và nước thải sinh hoạt trong khu dân cư”. Trong đó, chất thải sinh hoạt được thu gom, phân loại tại chỗ, nước thải sinh hoạt thí điểm thực hiện các hình thức theo phương án thu gom xử lý nhỏ lẻ tại chỗ với công nghệ đơn giản, dễ áp dụng, chi phí thấp và phù hợp với khu vực nông thôn.
Chất thải được phân loại thành rác tái chế, rác khó phân hủy và dễ phân hủy. Ảnh minh họa |
Theo định hướng trên, giải pháp quản lý tập trung vào tuyên truyền, giáo dục để hình thành ý thức về bảo vệ môi trường từ gia đình và cộng đồng; xây dựng quy chế quản lý và sự tham gia của các bên liên quan phù hợp với điều kiện thực tiễn nhằm huy động sự tham gia và đồng bộ hóa công tác quản lý và kỹ thuật trong quản lý phân loại xử lý nước thải và rác thải sinh hoạt.
Đồng thời, xây dựng bổ sung chỉ số cứng phân loại, xử lý nước thải, rác thải tại nguồn vào tiêu chí số 17 trong xây dựng nông thôn mới. Xây dựng quy chế cộng đồng thu gom, phân loại, xử lý nước thải, rác thải sinh hoạt. Xây dựng dự thảo về chế tài xử phạt hành vi vi phạm về xả thải chưa qua xử lý (thể hiện qua quy định BVMT địa phương/hương ước).
Điểm đáng chú ý trong giải pháp này là xây dựng chính sách hỗ trợ, khuyến khích người dân thực hiện thu gom, xử lý nước thải tại nguồn. Khen thưởng các mô hình điển hình, địa phương điển hình trong thực hiện và ban hành các chính sách đồng hành.
Về mặt kỹ thuật, giải pháp ứng dụng chế phẩm sinh học vào xử lý chất thải hữu cơ có trong chất thải và nước sinh hoạt với mục tiêu: hạn chế được lượng rác thải thu gom, xử lý tập trung, tái sử dụng chất thải làm phân bón; khắc phục hạn chế về chi phí cao cho thu gom, xử lý nước thải tập trung; đề xuất phương án thu gom, xử lý nhỏ lẻ tại chỗ với công nghệ đơn giản, dễ áp dụng, chí phí thấp và phù hợp với khu vực nông thôn mà vẫn đạt hiệu quả.
“Phân loại xử lý chất thải tại nguồn ở vùng nông thôn Hà Tĩnh có thể thực hiện theo 2 hình thức: phân loại và xử lý tại hộ gia đình hoặc theo hình thức tập trung ở các khu sản xuất nông nghiệp. Theo đó, chất thải được phân loại thành rác tái chế, rác khó phân hủy và dễ phân hủy.
Sau khi phân loại, hộ gia đình, hợp tác xã sản xuất sẽ tập trung rác hữu cơ tại các khu sản xuất nông nghiệp, kết hợp với chất thải chăn nuôi để ủ với chế phẩm sinh học làm phân bón hữu cơ vi sinh với khối lượng lớn, phục vụ lâu dài cho sản xuất nông nghiệp. Hiện các địa phương xây dựng nông thôn mới ở Hà Tĩnh đã và đang thực hiện trên diện rộng biện pháp thu gom xử lý chất thải tại nguồn đạt hiệu quả cao”, Văn phòng NTM Hà Tĩnh