Hải Dương: Có làm ngơ để bãi than hoạt động không phép,  gây ô nhiễm?

Tiếng dân - Ngày đăng : 16:43, 21/02/2020

(TN&MT) - Thị xã Kinh Môn là một trong số địa phương của tỉnh Hải Dương có nhiều bến bãi hoạt động. Tình trạng hoạt động bến bãi tại đây đang diễn ra phức tạp với nhiều loại hình khác nhau như bến bãi VLXD, sản xuất kinh doanh than, bến vận chuyển hàng hóa... đáng nói hầu hết số bến bãi hoạt động đều không có phép.

Theo thống kê của Phòng Kinh tế, thị xã Kinh Môn, hiện địa phương có tổng số 112 bến bãi đang hoạt động nhưng chỉ có 15 điểm hoạt động có phép còn lại 95 vị trí khác là bến bãi tự phát và không được cấp có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động.

Các xã, phường có số lượng bến bãi hoạt động nhiều nhất gồm: xã Minh Hòa (20 bến bãi), thị trấn Minh Tân (20 bến bãi), xã Phạm Mệnh (10 bến bãi), xã Duy Tân (10 bến bãi), xã Thái Thịnh (9 bến bãi), phường Hiệp Sơn (6 bến bãi)…

Điều đáng lưu ý là hầu hết các bến bãi này đều không có phép, tự phát nhưng đã hoạt động được nhiều năm nay. Qua công tác kiểm tra, cơ quan chức năng đã xử phạt số tiền gần 1,5 tỷ đồng nhưng các chủ bến bãi không phép vẫn ngang nhiên hoạt động. Trên địa bàn thị xã Kinh Môn hiện có 95 bến bãi hoạt động không phép.

Bãi than hoạt động không phép, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Ông Nguyễn Xuân Hạ, Trưởng phòng Kinh tế, thị xã Kinh Môn cho biết, UBND thị xã Kinh Môn nắm rất rõ về số lượng cũng như các hoạt động của bến bãi không phép trên địa bàn.

Năm 2019, lực lượng chức năng của tỉnh Hải Dương đã tiến hành nhiều đợt kiểm tra, phát hiện và xử lý 88 trường hợp vi phạm các quy định liên quan đến hoạt động bến bãi, hành lang an toàn đê điều, giao thông đường thủy và xử phạt tổng số tiền gần 1,5 tỷ đồng. Như Công ty TNHH MTV Tiến Hoàng ở thị trấn Minh Tân, Công ty CP thương mại và xuất nhập khẩu Phú Sơn ở phường Hiệp An, Công ty CP Bảo Long ở xã Long Xuyên, Công ty CP thương mại Vũ Anh ở xã Phạm Mệnh...

Ô nhiễm bụi than ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.

Số trường hợp bị phát hiện và xử phạt cao hơn nhiều so với những năm trước đó. Cơ quan chức năng đã yêu cầu chủ các bến bãi phải dừng hoạt động, nhanh chóng hoàn thiện các thủ tục pháp lý cần thiết theo quy định. Tuy nhiên, các chủ bến bãi vẫn phớt lờ ý kiến của đoàn kiểm tra. Họ sẵn sàng nộp tiền rồi vô tư hoạt động bất chấp sự bức xúc của người dân.

Đại diện Hạt Quản lý đê điều thị xã Kinh Môn khẳng định hoạt động tại các bến bãi ở thị xã Kinh Môn hầu hết đều chưa được cấp phép. Các cơ quan chức năng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, thành lập các đoàn liên ngành để kiểm tra, xử lý vi phạm cũng như đôn đốc, hướng dẫn tổ chức, cá nhân thực hiện các thủ tục hồ sơ trình xin cấp phép theo quy định. Tuy nhiên, các chủ dự án không nghiêm túc chấp hành.

Trước thực trạng trên, dư luận đặt ra câu hỏi, liệu chính quyền Hải Dương có “làm ngơ” để cho các bến bãi hoạt động không phép hay?. Việc hoạt động không phép đương nhiên sẽ không được đánh giá tác động môi trường, không có biện pháp xử lý thải, bụi.. gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Phạm Duy - Trần Tuấn