Đồng bằng sông Cửu Long ứng phó xâm nhập mặn

Tài nguyên nước - Ngày đăng : 13:55, 20/02/2020

(TN&MT) - Trước dự báo tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn mùa khô năm 2020 tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) sẽ khốc liệt, các địa phương trong vùng đã chủ động xây dựng kế hoạch, kịch bản, đồng thời, triển khai giải pháp cấp bách phòng, chống nhằm ổn định đời sống dân sinh.

Diễn biến phức tạp

Từ cuối năm 2019, Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ TN&MT) đã cảnh báo tình hình hạn, mặn năm 2020 trên lưu vực sông Mê Công diễn biến phức tạp và nguy cơ đe dọa nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống người dân. Theo đó, mùa khô năm nay, xuất hiện muộn so với trung bình nhiều năm (TBNN), tổng thời gian mưa ngắn.

Dòng chảy trên sông Mê Công về ĐBSCL trong tháng 1, tháng 2/2020 rất hạn chế, khả năng thiếu hụt từ 10 - 30% so với TBNN và năm 2016. Biển hồ - Campuchia ở mức thấp, bổ sung nước cho ĐBSCL không nhiều. Tình trạng xâm nhập mặn ở ĐBSCL ở mức độ sâu hơn, gay gắt hơn so với TBNN, trong một số thời điểm ranh mặn trên các sông có khả năng xâm nhập tương đương mùa khô năm 2016.

Bến Tre xây dựng nhiều cống đập và công trình tạm để ngăn mặn, trữ ngọt

Tổng cục Khí tượng thủy văn nhận định thời gian xâm nhập mặn cao nhất vào tháng 2; riêng các sông Vàm Cỏ, sông Cái Lớn vào tháng 3/2020. Từ nửa cuối tháng 3 - 6/2020 xâm nhập mặn có xu thế giảm dần. Vào tháng 2 và đến giữa tháng 3/2020, ranh mặn 4‰ sẽ xâm nhập sâu vào đất liền 55 - 110km, sâu hơn TBNN từ 25 - 35km.

Đặc biệt, trong trường hợp cực đoan, thời gian thiếu mưa kéo dài kết hợp với việc sử dụng và khai thác tài nguyên trong lưu vực (tăng sử dụng nước trên các dòng nhánh và trữ nước tại các đập Trung Quốc) sẽ làm cho tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trở nên trầm trọng hơn mùa khô năm 2016.

Thực tế qua quan trắc, hiện trên sông Tiền độ mặn 2,9‰ đã tiến sâu vào cù lao Ngũ Hiệp (Cai Lậy, Tiền Giang), cách bờ biển 81km. Trên sông Hàm Luông, độ mặn 3,1‰ cũng tiến sâu vào đến Chợ Lách (Bến Tre), cách cửa sông 75km. Riêng sông Vàm Cỏ, độ mặn 7,6‰ đã vào đến TP. Tân An (Long An), cách biển 75km.

Theo thống kê sơ bộ, vụ lúa Đông Xuân này trên địa bàn tỉnh Bến Tre hiện có gần 5.300 ha có nguy cơ bị mất trắng; tỉnh Trà Vinh thiệt hại khoảng 5.160 ha, trong đó, có trên 30% diện tích mất trắng hoàn toàn; tỉnh Long An ước tính có trên 15.000 ha lúa và trên 11.000 ha rau màu, cây ăn trái có khả năng bị ảnh hưởng do hạn hán và xâm nhập mặn...

Quyết liệt ứng phó

Tại ĐBSCL, nhờ thông tin xâm nhập mặn được cảnh báo sớm, nhiều diện tích lúa đã được dịch chuyển thời vụ phù hợp nên tránh được hạn mặn; ngoài ra, các công trình thủy lợi mới được đầu tư, kịp đưa vào sử dụng đã giúp các địa phương trong vùng phòng chống hạn hán và xâm nhập mặn hiệu quả.

Nhiều ruộng đồng bị bỏ hoang, nứt nẻ tại Bến Tre do hạn, mặn

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Hữu Lập cho hay, trước dự báo hạn mặn mùa khô năm 2019 - 2020 diễn biến phức tạp, nên từ giữa năm 2019, tỉnh đã triển khai các giải pháp ứng phó. Qua đó, Bến Tre đã bố trí 46 điểm đo mặn nhằm tăng cường đo kiểm tra trên các sông, kênh rạch, các công trình đầu mối, các nhà máy nước để vận hành công trình lấy, trữ nước hợp lý.

Theo ông Nguyễn Hữu Lập, ngay trong Tết Nguyên đán 2020, tỉnh Bến Tre đã khẩn trương xây dựng công trình đập tạm ngăn mặn trên sông Ba Lai, đoạn thuộc địa phận huyện Châu Thành (Bến Tre), để tạo hồ chứa khoảng 1 tỷ m3 nước ngọt. Cùng với đó, tỉnh triển khai xây dựng hàng chục cống đập, công trình tạm và nạo nét các kênh mương để ngăn mặn, tăng cường tích trữ nguồn nước ngọt.

Đồng thời, tổ chức vận hành hồ chứa Kênh Lấp, huyện Ba Tri với khoảng 1 triệu m3 nước để phục vụ cho nhà máy nước sinh hoạt nông thôn và trong khu vực. Triển khai thi công xây dựng các dự án hệ thống thủy lợi Nam Bến Tre và Bắc Bến Tre, dự kiến hoàn thành 2 dự án này trong năm 2020, dần dần phát huy hiệu quả ngăn mặn, trữ ngọt cho vùng dự án.

Ngoài ra, thực hiện Nghị quyết 120 của Chính phủ, ngành nông nghiệp tỉnh Bến Tre đang tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm thích ứng biến đổi khí hậu. Trong đó, điều chỉnh quy hoạch cấp nước, quy hoạch nuôi trồng thủy sản, quy hoạch sử dụng đất trong tích hợp cùng quy hoạch của tỉnh; đồng thời, sắp xếp, triển khai quy hoạch ở ba vùng sinh thái gồm: mặn, lợ, ngọt.

Ông Lê Văn Hưởng - Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho biết, trước diễn biến hạn, mặn phức tạp, tỉnh đã xây dựng kịch bản ứng phó cho từng khu vực, từng vùng dự án cụ thể trên địa bàn tỉnh. Trong đó, vùng dự án ngọt hóa Gò Công đã vận hành các trạm bơm và tổ chức bơm chuyền trữ nước trên các kênh nội đồng và vận động nhân dân tích cực bơm trữ tối đa trên ruộng, ao.

Vùng dự án Bảo Định, tỉnh đã kiểm tra, xử lý kịp thời các công trình ngăn mặn, đắp các đập, các cống; đồng thời, đắp đập thép ngăn mặn tại đầu kênh Nguyễn Tấn Thành; phối hợp với tỉnh Long An đắp 6 đập và các cống trên quốc lộ 62 để bảo vệ sản xuất giữa hai tỉnh Tiền Giang và Long An.

Hiện tại, hạn hán, xâm nhập mặn đang diễn ra gay gắt khiến một diện tích lớn vùng lúa, rau màu, thủy sản của các tỉnh ven biển ĐBSCL và các địa phương lân cận bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Dự báo của ngành nông nghiệp cho thấy, mùa khô năm nay, toàn vùng ĐBSCL có khoảng 136.000ha diện tích cây ăn quả bị ảnh hưởng của hạn, mặn, đồng thời, có hơn 158.000 hộ thiếu nước sinh hoạt.

Đối với vùng kiểm soát lũ, ngành chuyên môn kiểm tra chặt chẽ diễn biến chất lượng nguồn nước, mực nước, mặn trên sông Tiền, sông Năm Thôn và phối hợp chặt chẽ với các địa phương giáp ranh để kịp thời cảnh báo cho người dân trong công tác phòng, chống.

Riêng tại tỉnh Long An, UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo các Sở, ngành và địa phương liên quan tổ chức kiểm tra, rà soát, khoanh vùng các khu vực thường xuyên xảy ra khô hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn để nạo vét, lắp đặt các trạm bơm dã chiến và đắp đập tạm để trữ nước ngọt, ngăn mặn nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống dân sinh.

Bạch Thanh