“Giải cứu” tư duy
Xã hội - Ngày đăng : 09:46, 20/02/2020
Đại dịch COVID-19 đang hoành hành khiến nhiều mặt hàng nông sản của nước ta ùn ứ phải kêu gọi “giải cứu" một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc tổ chức lại sản xuất và phân phối, mở rộng thị trường.
Không chỉ riêng năm nay nền nông nghiệp gặp khó khăn vì đại dịch, điệp khúc "giải cứu" nông sản đã kéo dài hàng thập kỷ qua với nhiều mặt hàng, từ thanh long, cà phê, hoa, cá tra, thịt lợn... mỗi khi được mùa.
Với người nông dân, khi vụ mùa bội thu lẽ ra phải là niềm vui lớn. Thế nhưng thay vì hân hoan, họ phải ngậm đắng, nuốt cay vì sản phẩm làm ra không tiêu thụ được. Chưa kể, họ có nguy cơ trở thành “ăn mày” chính trên mảnh ruộng của mình!
Điểm bán dưa hấu ủng hộ miền Trung. Ảnh: Hoàng Minh |
Không thể phủ nhận lòng tốt “bầu ơi thương lấy bí cùng” của cộng đồng người Việt Nam. Cứ mỗi lần nông sản rớt giá, cả nước lại kêu gọi chung tay “giải cứu”, giúp nông dân vượt qua cơn bĩ cực. Thế nhưng, về lâu dài không thể như thế mãi với một đất nước có trên 70% dân số ở nông thôn - nông nghiệp là thế mạnh xuất khẩu của nền kinh tế nhưng luôn trong tình trạng phập phù, vài ba bữa lại hô nhau “giải cứu” nông sản. Phát triển kinh tế nông nghiệp mà cả đời cứ như “đánh bạc”, may nhờ rủi chịu là điều vô cùng bất ổn.
Cần thẳng thắn nhìn nhận tình trạng "giải cứu" nông sản những năm qua có trách nhiệm của chính người nông dân. Với thói quen sản xuất nhỏ lẻ, chậm ứng dụng khoa học - kỹ thuật, ít quan tâm đến thông tin thị trường nên nhiều người sản xuất theo cách "cầu may". Con gì, cây gì được giá - ồ ạt nuôi, trồng; mất giá một năm - ồ ạt phá, bỏ.
Cái khó, bó cái khôn. Nhiều người chậm đổi mới tư duy, nên xem nhẹ các quy hoạch vùng nguyên liệu, các quy trình kỹ thuật trong sản xuất dẫn đến sản xuất tràn lan làm ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường và giảm chất lượng sản phẩm không thể xuất khẩu sang các thị trường “khó tính”.
Câu chuyện chiếc "thẻ vàng" thời gian qua là một bài học lớn về sản xuất manh mún, tự phát khiến doanh nghiệp thủy sản nói riêng có thể mất đi cơ hội xuất khẩu vào thị trường EU cũng như bị "siết" tại các thị trường khác. Nếu không tuân thủ nghiêm ngặt “luật chơi”, có thể chúng ta sẽ phải nhận “thẻ đỏ” là lời cảnh báo nghiêm khắc cho các sản phẩm nông nghiệp nói chung.
Giải cứu chỉ là giải pháp tình thế tạm thời, về lâu dài, chúng ta phải tính lại, phải giải quyết tận gốc vấn đề mới bền vững. Trong bối cảnh hôm nay, sản xuất kinh tế luôn cần phải được đặt trong một thế cân bằng thường thấy với môi trường và xã hội.
Và thực tế, nếu luôn tính toán đến điều đó một cách đầy đủ, nghiêm túc, có lẽ chúng ta sẽ không ồ ạt phá bỏ hết những đồi thông đẹp đẽ để biến thành những “cánh đồng trắng” với bạt ngàn nhà lưới, nhà kính ở một số địa phương. Chúng ta cũng không ồ ạt đẩy mạnh ba vụ lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long để giá lúa thấp, luôn bấp bênh và nông dân dường như nghèo hơn. Và chúng ta sẽ suy nghĩ lại đến thứ hạng xuất khẩu của cà phê, hồ tiêu nếu thấy những hậu quả nặng nề về sinh thái đe dọa khu vực Tây Nguyên.
Có lẽ hơn cả, từ khóa mà chúng ta cần thúc đẩy phải là “nông nghiệp bền vững”. Bền vững đến từ sự hài hòa! Sự hài hòa đến từ việc bỏ tư duy chạy theo một cực kinh tế. Từ bỏ tư duy coi phát triển là một “cuộc đua” để đuổi theo những lợi ích ngắn hạn.
Nông nghiệp phải bứt phá đi lên cũng là trăn trở của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành, các cấp chính quyền. Nhưng mở lối ra thế nào, tháo gỡ những vướng mắc ra sao, lại không hề đơn giản?! Đã có không ít chính sách cho tam nông, xem ra vẫn chưa đủ để “nâng bước” sản xuất nông nghiệp. Bao nhiêu giải pháp vẫn chưa gỡ được đầu ra cho nông sản thoát khỏi tâm thế loay hoay, “may nhờ, rủi chịu”!
Cho dù mọi quy kết đều đúng, mọi nguyên nhân chỉ ra đều hợp lý, mọi giải pháp đều có vẻ khoa học, duy chỉ có khoảng lặng mang tên “trách nhiệm” mãi chưa thấy ai lên tiếng?!