Chủ động ứng phó thiếu hụt nguồn nước

Tài nguyên nước - Ngày đăng : 09:45, 20/02/2020

(TN&MT) - Theo dự báo của Tổng cục Khí tượng Thủy văn, từ tháng 2 đến tháng 7/2020, khu vực Bắc Bộ, Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ tiếp tục thiếu hụt nguồn nước so với trung bình nhiều năm. Vì vậy, vấn đề đặt ra hiện nay cần phải có giải pháp quản lý, bảo vệ nguồn nước mặt để chủ động ứng phó với hạn hán và đảm bảo nguồn nước trong tương lai.

Phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã phỏng vấn ông Châu Trần Vĩnh (ảnh) - Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ TN&MT) xung quanh vấn đề này.

PV: Ông có thể cho biết một số địa phương đang đối mặt với những đe dọa về thiếu hụt nguồn nước?

Ông Châu Trần Vĩnh:

Hiện tại, ENSO đang ở trạng thái trung tính với chuẩn sai nhiệt độ mặt nước biển khu vực NINO 3.4 ở mức +0,3oC trong tháng 12, giảm 0,4oC so với tháng 11/2019. Dự báo trong những tháng nửa đầu năm 2020, ENSO ở trạng thái trung tính nhưng nghiêng về pha nóng và vẫn có khả năng duy trì trạng thái này trong những tháng tiếp theo của nửa cuối năm 2020. Trước tình trạng nắng nóng kéo dài, xâm nhập mặn đang xảy ra, dự báo mùa khô năm 2019 - 2020 tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn có khả năng xảy ra nghiêm trọng, đặc biệt là tại các địa phương ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và khu vực Trung Bộ.

Ông Châu Trần Vĩnh  - Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ TN&MT)

Về số lượng nước trong các hồ chứa, thời điểm đầu năm 2020, có 11/11 lưu vực sông đang ở đầu thời kỳ đầu mùa cạn: nếu chỉ tính các hồ chứa thuộc 11 quy trình vận hành liên hồ chứa, có 34/133 hồ chứa có yêu cầu mực nước tối thiểu, 10/34 hồ có mực nước thấp hơn nhiều yêu cầu tối thiểu (trong đó, có 6/10 hồ do EVN quản lý, vận hành). Về tổng thể, có 4/11 lưu vực còn thiếu nước nếu tính theo dung tích các hồ chứa thuộc quy trình vận hành liên hồ, cụ thể là sông Mã (Thanh Hóa), Vu Gia - Thu Bồn (Quảng Nam, Đà Nẵng) và sông Ba (Gia Lai, Phú Yên). Trước tình trạng diễn biến dòng chảy đến các hồ chứa, tình hình mưa lũ trên các lưu vực sông miền Trung và Tây Nguyên, chúng tôi nhận thấy, khả năng xảy ra nguy cơ thiếu nước cấp cho hạ du các hồ chứa lớn, quan trọng là rất cao.

Ngoài ra, đối với các hồ chứa thủy lợi vừa và nhỏ khác, với mục tiêu chủ yếu là cấp nước cho nông nghiệp và việc xả nước chủ yếu dựa vào lịch thời vụ. Nếu sử dụng và điều tiết nguồn nước các hồ chứa này hợp lý, tiết kiệm cộng với việc không xảy ra nắng nóng kéo dài trong vụ Hè Thu năm 2020, không xảy ra xâm nhập mặn gay gắt và bố trí diện tích tưới hợp lý, có thể đủ nước cấp cho hoạt động sản xuất nông nghiệp vụ Đông Xuân và tránh được thiệt hại do thiếu nước của vụ Hè Thu.

Tại vùng ĐBSCL, trong mùa lũ năm 2019, lưu lượng dòng chảy vùng thượng nguồn sông Mê Công (phần lưu vực thuộc Trung Quốc) về hạ lưu luôn ở mức thấp hơn TBNN. Trên cơ cơ sở đó, mùa khô năm 2019 - 2020 có khả năng đến sớm và mức độ hạn hán, thiếu nước ở ĐBSCL có khả năng nghiêm trọng.

PV: Vậy, Bộ TN&MT đã có những giải pháp như thế nào để chủ động ứng phó với tình trạng này, thưa ông?

Ông Châu Trần Vĩnh:

Ngay từ những tháng cuối năm 2019, trước dự báo về diễn biến khí tượng thủy văn tài nguyên nước trên phạm vi cả nước cho thấy nguy cơ thiếu nước đến 6/2020 rất cao, Bộ TN&MT đã chỉ đạo Tổng cục Khí tượng thủy văn theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết và cung cấp kịp thời các bản tin dự báo cho các địa phương, các Bộ ngành, các chủ hồ chứa có liên quan. Đồng thời, chỉ đạo Cục Quản lý tài nguyên nước theo dõi giám sát chặt chẽ việc vận hành hồ.

Từ đầu tháng 12/2019 đến nay, Cục đã chủ động phối hợp với các địa phương, các chủ hồ để đôn đốc, bàn bạc phương án vận hành. Có địa phương đã chủ động đề xuất điều chỉnh giảm lưu lượng xả trong các tháng mùa cạn hoặc cắt giảm diện tích sản xuất nông nghiệp trong điều kiện thiếu hụt nguồn nước. Vì vậy, mặc dù, lưu lượng đến các hồ chứa là rất nhỏ, nhưng hiện nay, các hồ chứa vẫn duy trì được mực nước tối thiểu hoặc nâng dần lên để có thể đủ nguồn nước cân đối cho mùa cạn.

Tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn có khả năng xảy ra nghiêm trọng

Đối với các hồ chứa đang có thiếu hụt nguồn nước như: hồ Cửa Đạt (sông Mã), Bình Điền (sông Hương), A Vương (Vu Gia - Thu Bồn), Ka Nak (Ba), Sê San 4 (Sê San), Đại Ninh (Đồng Nai), Cục đã trình lãnh đạo Bộ có văn bản phối hợp, chỉ đạo điều hành các hồ chứa. Các hồ chứa này do vẫn thiếu hụt nên phương án điều chỉnh giảm lưu lượng xả xuống hạ du cho phù hợp để bảo đảm đủ nước cấp cho từ 5 - 7 tháng còn lại của mùa cạn.

PV: Theo ông, cần có những giải pháp gì để quản lý và bảo vệ nguồn nước mặt đảm bảo đủ nước phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất?

Ông Châu Trần Vĩnh:

Theo tôi trong thời gian tới, để quản lý và bảo vệ nguồn nước mặt, đặc biệt là để đảm bảo an ninh nguồn nước và phát triển bền vững, cần tập trung vào các giải pháp như: Xây dựng và phê duyệt quy hoạch tài nguyên nước quốc gia, quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông Hồng, Cửu Long và các lưu vực sông lớn; đẩy mạnh hợp tác song phương với các quốc gia xuyên biên giới, đồng thời, giám sát chặt chẽ nguồn nước các sông xuyên biên giới; đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản tài nguyên nước.

Tiếp theo, tăng cường giám sát, chỉ đạo việc vận hành các hồ chứa lớn quan trọng tuân thủ nghiêm ngặt quy trình vận hành liên hồ chứa trên 11 lưu vực sông quan trọng đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành; thành lập và đưa vào hoạt động các Ủy ban Lưu vực sông để thực hiện có hiệu quả cơ chế điều phối, giám sát hoạt động khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước.

Cùng với đó, tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật, biện pháp sử dụng nước tiết kiệm hiệu quả đến tất cả các cấp, các ngành, các tổ chức cá nhân và cộng đồng dân cư; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra; tăng cường giám sát việc khai thác sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn nước thông qua hình thức giám sát tự động, trực tuyến.

Đồng thời, đổi mới cơ chế, nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng Quốc gia về tài nguyên nước; tăng cường năng lực, bao gồm cả tổ chức, bộ máy, cơ sở vật chất, công cụ kỹ thuật, thông tin cho các cơ quan quản lý chuyên ngành về tài nguyên nước từ Trung ương đến các cấp ở địa phương

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Thúy Hằng (thực hiện)