Cảng cá Thọ Quang: Nơi người dân sống chung với rác thải
Môi trường - Ngày đăng : 09:02, 19/02/2020
Ô nhiễm từ đâu?
Đi từ xa, mùi tanh của hải sản và mùi hôi thối nồng nặc của rác đã khiến chúng tôi cảm thấy khó thở, gió lớn gây ảnh hưởng cho những hộ dân xung quanh khu vực này. Những con đường nhỏ ngập tràn nước và rác thải, đây là tình trạng diễn ra nhiều năm nay, gần đây đã được cải thiện hơn trước nhưng vẫn là nỗi ám ảnh, bức xúc của người dân.
Có mặt tại cảng cá, chúng tôi chứng kiến cảnh tượng vô cùng nhếch nhác ở đây. Dưới âu thuyền, một màu nước thải đen ngòm cùng với ngổn ngang các loại rác thải. Thậm chí, có những chiếc thuyền đánh cá của ngư dân đã mục nát vẫn nằm triền miên dưới lòng âu thuyền kèm theo mùi hôi tanh nồng nặc.
Quanh khu vực bờ được các ngư dân đậu tàu thuyền là cảnh đủ loại rác thải nổi lềnh bềnh |
Vậy, nguyên nhân từ đâu? Anh Phương (26 tuổi), một người dân làm đá lạnh tại cảng cho biết: “Về rác thải, chủ yếu là lượng rác từ các tàu cá neo đậu trong khu vực với các chất thải sinh hoạt, xác hải sản dư thừa và một phần khác do rác từ thượng nguồn trôi về và số ít là của các khu dân cư. Từ nhiều năm nay, âu thuyền chưa được nạo vét và việc xử lý rác thải bừa bãi chưa triệt để, cùng với việc kinh doanh chế biến hải sản đã tạo nên mùi hôi tanh, khó chịu gây bức xúc lớn cho những người dân ở đây”.
Rác thải nhựa, túi nilon ngập tràn tại các khu vực của cảng cá Thọ Quang |
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên & Môi trường TP. Đà Nẵng, Ban Quản lý Âu thuyền và cảng cá Thọ Quang, Phòng Cảnh sát môi trường - Công an thành phố, nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường ở khu vực này là do có nhiều nước thải từ 8 cửa xả xung quanh âu thuyền và từ các tàu cá xả vào âu thuyền. Cạnh đó, nhiều rác thải từ 22 cơ sở dịch vụ đóng sửa tàu thuyền, dịch vụ hậu cần nghề cá và trên các tàu cá vứt xuống âu thuyền.
Bao giờ cảng cá hết ô nhiễm?
Mới đây, Phó chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Đặng Việt Dũng đã có chuyến "thị sát" và đề nghị trong thời gian tới, cần tiếp tục triển khai các giải pháp xử lý ô nhiễm quyết liệt hơn nữa. Sở Xây dựng, Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải Đà Nẵng, Ban quản lý Các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên Đà Nẵng kiểm tra toàn bộ hệ thống cống, máy bơm, nước thải xung quanh khu vực để làm rõ mức độ quá tải cũng như mức độ đáp ứng của hệ thống.
Ô nhiễm môi trường nước ảnh hưởng lớn đến môi trường sống của thủy hải sản |
Cô Lê Thị Lệ (50 tuổi) – công nhân vệ sinh tại cảng cá trăn trở: “Ở đây, chỉ có gần chục cán bộ, nhân viên hàng ngày thực hiện nhiệm vụ dọn vệ sinh môi trường, thu gom rác thải thôi, rác ngày nào cũng nhiều và đa số làm không kịp. Công nhân phải làm 8 giờ/ngày, kể cả ngày lễ, tết, với các việc như: dội rửa, phun vi sinh khử mùi tại khu vực chợ, nhà chứa rác, cầu cảng. Ngày nào mà không dọn vệ sinh thì không thể chịu được vì nó hôi lắm”.
“Việc của tôi là dọn vệ sinh nhưng cũng mong các tàu cá có ý thức để giữ gìn môi trường, mỗi khi có cuộc họp là chúng tôi kiến nghị lên cấp trên để xử lý những người xả rác bừa bãi, nhưng do không bắt tại trận được nên chưa thể xử lý triệt để vấn đề này”.
Công nhân vệ sinh của Công ty Môi trường Đô thị Đà Nẵng vớt rác tại cảng cá Thọ Quang |
Ông Đặng Việt Dũng - Phó chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho biết: “Đề nghị Ban Quản lý Âu thuyền và cảng cá Thọ Quang cần quản lí chặt chẽ và có biện pháp xử lý dứt khoát với các đội tàu. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Quản lý Âu thuyền và cảng cá Thọ Quang cần quản lý chặt tàu cá hoạt động, neo đậu trong khu vực, buộc các chủ tàu phải thực hiện nghiêm các quy định, trong đó, không xả rác, nước thải bừa bãi xuống âu thuyền”.
Người dân nơi đây vẫn đang mong chờ một hành động quyết liệt hơn từ phía chính quyền và các ngành chức năng của TP Đà Nẵng để trả lại môi trường sống xanh, sạch, đẹp tại khu vực âu thuyền và cảng cá Thọ Quang.