Thực hiện hiệu quả các mục tiêu của Tuyên bố ASEAN trong ngành tài nguyên và môi trường
Ngành TN&MT - Ngày đăng : 14:05, 18/02/2020
Đây là mục tiêu của Kế hoạch hành động thực hiện Đề án triển khai tuyên bố ASEAN về vai trò của nền công cụ làm chất xúc tác trong việc đạt được tầm nhìn cộng đồng ASEAN 2025 vừa được Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành.
Căn cứ Quyết định số 1439/QĐ-TTg ngày 29 tháng 10 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án triển khai Tuyên bố ASEAN về vai trò của nền công vụ làm chất xúc tác trong việc đạt được Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 (Đề án 1439), Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Đề án với những nội dung, mục tiêu, yêu cầu cụ thể.
Các đại biểu dự Hội nghị cấp bộ trưởng lần thứ 15 của ASEAN về môi trường (Ảnh minh họa) |
Theo Kế hoạch, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tập trung gắn liền việc thực hiện các mục tiêu ASEAN của Đề án 1439 với các nhiệm vụ của Bộ đến năm 2025; nghiên cứu, đề xuất và thực hiện có hiệu quả các giải pháp nhằm đạt được các mục tiêu chung và mục tiêu cụ thể đã đề ra đúng lộ trình, đảm bảo tiến độ và đạt hiệu quả. Đồng thời sẽ tích cực đôn đốc, kiểm tra, đánh giá và báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch hành động hàng năm và theo giai đoạn.
Để thực hiện Đề án 1439 có hiệu quả, Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai thực hiện có hiệu quả nhiều giải pháp cụ thể:
Về giải pháp về tuyên truyền, nâng cao nhận thức, Bộ sẽ tăng cường tổ chức các hội thảo, hội nghị, tập huấn, trang bị kiến thức về cộng đồng ASEAN cho cán bộ, công chức, viên chức Bộ Tài nguyên và Môi trường và ngành tài nguyên, môi trường. Tuyên truyền, bồi dưỡng nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức về vai trò của nền công vụ làm chất xúc tác trong việc đạt được Tuyên bố ASEAN.
Về giải pháp về cơ chế, chính sách, sẽ tập trung rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, đảm bảo việc sửa đổi, bổ sung, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật tiếp thu các nguyên tắc quản trị hiệu quả của ASEAN, trong đó lấy người dân làm mục tiêu, xây dựng tổ chức hành chính các cấp minh bạch, trách nhiệm, hiệu quả, có khả năng giải quyết các thách thức mới. Rà soát xây dựng hài hòa hệ thống chính sách, cơ chế cấp khu vực, có trách nhiệm trong hợp tác giải quyết các vấn đề chung trong lĩnh vực môi trường, biến đổi khí hậu trên phạm vi khu vực và toàn cầu. Cùng với đó là sẽ xây dựng, ban hành và áp dụng quy tắc ứng xử, đạo đức công vụ gắn với trách nhiệm của các bộ, công chức, viên chức. Thực hiện tham vấn, tham khảo kinh nghiệm các nước ASEAN; Thúc đẩy hợp tác, trao đổi và xây dựng cộng đồng chuyên gia trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện các chính sách thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Đối với giải pháp về đào tạo, bồi dưỡng, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ bổ sung các nội dung về đổi mới, sáng tạo của nền công vụ ASEAN vào chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức ngành tài nguyên và môi trường. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng hành chính, kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, trình độ ngoại ngữ cho cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng tiêu chuẩn chung của ASEAN.
Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện các giải pháp về công nghệ thông tin, hợp tác quốc tế. Trong đó, thực hiện việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc nâng cao chất lượng công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành các hoạt động của Bộ Tài nguyên và Môi trường; đẩy mạnh việc vận động nguồn lực từ các doanh nghiệp, các tổ chức trong nước và quốc tế, các Quỹ của ASEAN và các đối tác của ASEAN cho việc thực hiện các nhiệm vụ của Bộ. Gắn liền việc thực hiện các mục tiêu ASEAN của Đề án 1439 với các nhiệm vụ của Bộ Tài nguyên và Môi trường đến năm 2025. Nghiên cứu, đề xuất và thực hiện có hiệu quả các giải pháp nhằm đạt được các mục tiêu chung và mục tiêu cụ thể đã đề ra đúng lộ trình, đảm bảo tiến độ và đạt hiệu quả. Đôn đốc, kiểm tra, đánh giá và báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch hành động hàng năm và theo giai đoạn.