Tổ quốc gọi chúng con lên đường

Xã hội - Ngày đăng : 09:53, 18/02/2020

(TN&MT) - Hàng vạn thanh niên lên đường tòng quân nhập ngũ, là ngần ấy cung bậc cảm xúc khác nhau. Người lên biên cương, người ra hải đảo. Giọt nước mắt chia xa người thân, cái ôm siết chặt mẹ già như chẳng muốn xa rời. Nhưng tất cả có một điểm chung là sẵn sàng cống hiến sức trẻ cho non sông, Tổ quốc

1. Ngày lên đường tòng quân nhập ngũ vào Quân chủng Hải quân, Nguyễn Nhật Anh tròn 18 tuổi. Anh lên đường vừa nối tiếp truyền thống gia đình, vừa cống hiến cho thỏa chí đời trai. Tạm biệt quê hương Châu Đức (Bà Rịa - Vũng Tàu), Nhật Anh chia tay mẹ cha trong niềm xúc động. Nhìn sâu vào mắt mẹ, Nhật Anh bảo: “Mẹ đừng lo lắng, con phải đi non sông đang gọi, Tổ quốc đang cần, đồng đội ngoài biển đảo đang chờ con, nhất định con sẽ hoàn thành nhiệm vụ”. Nắm chặt tay con, bà Nguyễn Hải Thu rơm rớm dặn dò: “Con đi nhớ giữ gì sức khoẻ. Cả nhà sẽ mừng lắm khi con trưởng thành. Trường Sa xa xôi, con rèn luyện và phấn đấu tốt nhé”. Phút chia xa giữa chàng trai trẻ và người mẹ già, khiến chúng tôi không kìm được xúc động.

Lính trẻ tạm biệt lên đường ra Trường Sa. Ảnh: Khắc Hiếu

Mùa tòng quân mùa Xuân Canh Tý 2020, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có hơn 1.400 thanh niên lên đường nhập ngũ, nhưng duy nhất chỉ có một nữ tân binh. Ngày chia tay gia đình lên đường, Trần Lê Hương Giang (ngụ 24/10/1 Trần Đồng, phường 3, TP. Vũng Tàu) tròn 26 tuổi. Giang “đầu quân” vào Trường Quân sự Quân khu 7. Trong niềm xúc động nối tiếp truyền thống gia đình, nữ tân binh cho hay, ông cố và ông ngoại từng tham gia kháng chiến. Vì vậy, Giang quyết định tiếp bước cha ông, đăng ký tham gia nghĩa vụ quân sự năm nay. “Trước ngày nhập ngũ, tôi cảm thấy nôn nao nhưng rất tự hào vì được tiếp nối truyền thống gia đình. Môi trường quân đội đòi hỏi kỷ luật cao, đàn ông phục vụ được thì phụ nữ cũng làm được”, Hương Giang bày tỏ.

Còn tân binh Lê Hoàng Hải Anh (SN 2000 ở khu phố 1, phường Phước Nguyên, TP. Bà Rịa) hào hứng chia sẻ: “Trúng tuyển nghĩa vụ quân sự được trở thành người chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam là một vinh dự lớn trong cuộc đời tôi. Vì vậy, tôi sẽ cố gắng khắc phục khó khăn, chấp hành nghiêm kỷ luật, học tập, rèn luyện, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, góp phần xây dựng lực lượng quân đội ngày càng vững mạnh để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, xứng đáng là người con của quê hương Bà Rịa anh hùng”.

Kiêu hãnh trở thành chiến sĩ. Ảnh: TTXVN

Mùa tòng quân năm nay, tỉnh Đồng Nai có 2.756 thanh niên lên đường nhập ngũ, trong đó, có những thanh niên người dân tộc thiểu số. Từ ấp Thanh Trung, xã Thanh Sơn huyện Tân Phú, hai anh em song sinh tình nguyện nhập ngũ là K Anh và K Khoa (dân tộc Châu Mạ). Trước khi “yêu màu áo lính”, cả hai anh em K Anh và K Khoa đã có “thâm niên” 3 năm trong học tập trường Cao đẳng Nghề số 8 (Bộ Quốc phòng).  K Anh nói: “Tác phong quân đội đã ngấm vào máu, thôi thúc tôi phải phấn đấu học tốt, đạt ước mơ trở thành người lính trong quân đội nhân dân Việt Nam”. Còn K Khoa thì muốn vào quân ngũ để trưởng thành hơn và mong muốn có cơ hội được phục vụ lâu dài trong quân ngũ. “Đây là môi trường tốt giúp thanh niên rèn luyện, trưởng thành, góp phần vào xây dựng quân đội, bảo vệ Tổ quốc” - K Khoa cho hay.

Trong niềm xúc động chia ray bà nội và cha mẹ lên đường ra Vùng 4 Hải quân, chàng trai 19 tuổi quê gốc thành phố Biên Hòa mắt đỏ hoe khi nắm chặt bàn tay nhăn nhúm của bà nội trước phút chia xa. Nguyễn Hải Nam nói: “Hai năm làm lính như “giấc ngủ trưa”. Là thanh niên, khi Tổ quốc gọi chúng con lên đường.”

Là người con Thủ đô ngàn năm văn hiến, chàng tân binh “măng đơ luyn” Nguyễn Huy Tùng (tổ 25, thị trấn Đông Anh, Đông Anh, Hà Nội) xúc động cảm nhận về nơi mà anh sẽ đến học tập, rèn luyện trong quãng đời quân ngũ và niềm tự hào được cống hiến sức trẻ của mình cho nước Việt thời bình. “Tôi may mắn được sinh ra, trưởng thành khi đất nước đã bình yên, được sống trong hòa bình. Vì vậy, tôi càng thấm thía giá trị, ý nghĩa của sự hy sinh dâng hiến mà bao thế hệ cha anh đã không tiếc máu xương giành được. Tôi sẽ tiếp tục phát huy truyền thống dân tộc, truyền thống quê hương, truyền thống quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng để nỗ lực học tập, rèn luyện nâng cao trình độ về mọi mặt, hoàn thành tốt nhiệm vụ, xứng đáng với lòng tin yêu của lãnh đạo địa phương và lời nhắn gửi của người thân”.

Tạm biệt mẹ con lên đường nhập ngũ. Ảnh: Lê Khanh

Nơi biên cương miền biên ải xa xôi cực Bắc của đất nước, 800 tân binh của tỉnh Hà Giang lên đường tòng quân nhập ngũ là ngần ấy cung bậc cảm xúc khác nhau, nhưng tất cả đều có chung một ý chí khát vọng là được rèn luyện trong môi trường quân đội. “Hình ảnh bộ đội đứng gác trên biên cương bình yên cho bản làng, đã thôi thúc trái tim tôi. Bản tôi ít người lắm, nếu được vào quân đội lâu dài, tôi sẽ học tập rèn luyên tốt để về giúp bản làng”- Vừ Á Chứ, chàng trai của huyện Mèo Vạc Hà Giang chia sẻ từ đáy lòng.

Ở tận cùng Tổ quốc Việt Nam, những chàng trai Đất Mũi Cà Mau lên đường trong niềm phấn khởi, hứa hẹn từ trái tim người lính trẻ. Sau lễ tiễn chân, các tân binh về các đơn vị Quân khu 9, Sư đoàn 330, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Cà Mau với quyết tâm cao hoàn thành nhiệm vụ.

2. Bộ đội Cụ Hồ - danh hiệu cao quý được nhân dân trao tặng cho cán bộ chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam. Trải qua 76 năm thành lập, chiến đấu, xây dựng và trưởng thành, Quân đội Nhân dân Việt Nam luôn đồng hành, lớn mạnh cùng dân tộc. Đã qua rồi thời “trận mạc binh đao”, nước Việt đã lặng im tiếng súng sau hơn hơn nửa thế kỷ trường kỳ kháng chiến, dân tộc Việt Nam đang sống trong hòa bình phồn vinh hạnh phúc, những người lính Cụ Hồ đã có những giây phút bình yên nhưng chưa bao giờ nghỉ ngơi tay súng.

Dặn dò. Ảnh: Lê Khanh

Bảo vệ Tổ quốc là nhiệm vụ của toàn dân tộc, nhưng Bộ đội Cụ Hồ là “đội quân chủ lực” cầm súng trên chiến trường đánh giặc ngoại bang ra khỏi bờ cõi. Dân tộc nào cũng thế, đất nước nào cũng vậy, để bảo vệ Tổ quốc yên bình, phải có một lực lượng nòng cốt bảo vệ, chiến đấu. Lực lượng bảo vệ ấy là hàng vạn nam thanh nữ tú trên mọi miền Tổ quốc khắp ba miền Bắc - Trung - Nam - những người con ưu tú lên tòng quân nhập ngũ nối tiếp truyền thống cha anh bảo vệ Tổ quốc thời bình.

  Hàng vạn thanh niên lên đường tòng quân nhập ngũ, khoác lên mình “áo tân binh” màu xanh của rừng, màu trắng của biển khơi, sẵn sàng đi bất cứ đâu, làm bất cứ việc gì khi Tổ quốc cần. Tất cả đều kiêu hãnh, tự hào vì đã trở thành người lính Bộ đội Cụ Hồ giữa thời bình lặng yên tiếng súng.

Lê Khanh