Cải cách thủ tục hành chính đất đai hướng tới Chính phủ điện tử
Đất đai - Ngày đăng : 09:25, 18/02/2020
Theo đánh giá của Tổng cục Quản lý đất đai, việc thành lập Văn phòng Đăng ký đất đai giúp đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa ngành Quản lý đất đai, thực hiện cải cách hành chính một cách mạnh mẽ nhất trong lĩnh vực đất đai liên quan đến người dân, doanh nghiệp.
Trong đó, về thủ tục hành chính, đối với những địa phương đã thành lập Văn phòng một số thủ tục hành chính đã được lồng ghép hoặc liên thông nên chỉ còn 41 thủ tục trong khi những nơi chưa thành lập là 62 thủ tục. Thời gian thực hiện thủ tục đăng ký, cấp Giấy chứng nhận cơ bản được bảo đảm đúng quy định; thời gian thực hiện thủ tục đăng ký và cấp Giấy chứng nhận giảm từ 5 - 25 ngày so với trước đây. Thời gian giải quyết hồ sơ giao dịch về đất đai đảm bảo đạt 90 - 95% so với quy định, tình trạng tồn đọng hồ sơ quá hạn cơ bản chấm dứt.
Người dân đến giao dịch tại Văn phòng Đăng ký đất đai. Ảnh: Hoàng Minh |
Các Văn phòng đã có điều kiện hơn về lực lượng chuyên môn, chủ động hơn điều phối nguồn nhân lực trong toàn hệ thống, đã quan tâm nhiều hơn cho việc xây dựng, cập nhật, chỉnh lý hồ sơ địa chính của địa phương, nhất là việc xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính; đồng thời, tăng cường kiểm tra, chỉ đạo việc cập nhật, chỉnh lý hồ sơ địa chính ở các cấp huyện, xã để bảo đảm sự thống nhất của hồ sơ địa chính theo quy định.
Đặc biệt, kể từ khi Văn phòng Đăng ký đất đai được thành lập, nguồn thu từ đất (bao gồm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế sử dụng đất, phí, lệ phí do Văn phòng Đăng ký đất đai trực tiếp thu hoặc làm các thủ tục chuyển cơ quan Thuế, Kho bạc Nhà nước để thu) cho ngân sách Nhà nước liên tục tăng.
Bên cạnh đó, về cơ chế phối hợp trong liên thông với cơ quan thuế: Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 1/9/2015 về đẩy mạnh thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực TN&MT, Bộ Tài chính, Bộ TN&MT đã phối hợp với các địa phương triển khai thí điểm mô hình kết nối liên thông điện tử. Cơ chế phối hợp giữa Văn phòng Đăng ký đất đai, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai với cơ quan thuế được thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 88/2016/TTLT/BTC-BTNMT quy định về hồ sơ và trình tự, thủ tục tiếp nhận, luân chuyển hồ sơ xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai của người sử dụng đất.
Trong số 8 tỉnh, thành phố (Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Vĩnh Long, Bình Dương, TP. Hải Phòng, TP. Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Trà Vinh) thuộc diện triển khai thí điểm, một số tỉnh/thành phố đã hoàn thành việc triển khai trên toàn địa bàn với tỷ lệ hồ sơ đăng ký đất đai được tiếp nhận và giải quyết bằng phương thức trao đổi thông tin điện tử liên thông đạt cao.
Điển hình như tỉnh Bình Dương có 9/9 địa bàn cấp huyện với tỷ lệ hồ sơ trao đổi theo hình thức điện tử là 65,3%, trong đó, có 82,95% số hồ sơ được trả kết quả qua phương thức điện tử. Đà Nẵng có 7/8 địa bàn cấp huyện với tỷ lệ hồ sơ trao đổi theo hình thức điện tử là 85,61%, trong đó, có 98,40% số hồ sơ được trả kết quả qua phương thức điện tử. Trà Vinh có 9/9 địa bàn cấp huyện với tỷ lệ hồ sơ trao đổi theo hình thức điện tử là 74,43 %, trong đó, 99,95% số hồ sơ được trả kết quả điện tử; Vĩnh Long có 8/8 địa bàn cấp huyện với tỷ lệ hồ sơ trao đổi theo hình thức điện tử là 89,5%, trong đó, 99,7% số hồ sơ được trả kết quả theo phương thức điện tử.
Đến cuối năm 2019, sau gần 6 năm triển khai thực hiện quy định về việc thành lập Văn phòng Đăng ký đất đai đã có 57/63 tỉnh, thành phố đã thành lập Văn phòng; Văn phòng có gần 12,7 nghìn người (trung bình mỗi tỉnh có khoảng 200 người). Tổng nguồn thu của Văn phòng Đăng ký trong 3 năm (2015 - 2017) đạt 3.857,4 tỷ đồng.
Có thể nói, việc thành lập Văn phòng Đăng ký đất đai đã giúp đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa ngành Quản lý đất đai, thực hiện cải cách hành chính mạnh mẽ lĩnh vực đất đai liên quan đến người dân, doanh nghiệp như số lượng, thời gian thực hiện thủ tục hành chính giảm, các Văn phòng Đăng ký đã có điều kiện hơn về lực lượng chuyên môn, chủ động hơn trong việc điều phối nguồn nhân lực trong toàn hệ thống, người dân, doanh nghiệp và các tổ chức được tiếp cận với hệ thống tổ chức chuyên nghiệp, thuận lợi và linh hoạt khi có nhu cầu thực hiện các giao dịch về đất đai.