Điên Biên: Triển khai chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng năm 2020

Môi trường - Ngày đăng : 16:46, 17/02/2020

(TN&MT) - Thực hiện văn bản số 3753/UBND-KTN, ngày 18/12/2019 của UBND tỉnh Điện Biên về chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020, và nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ hướng dẫn, quản lý thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR), Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng, tỉnh Điện Biên triển khai kế hoạch chi trả DVMTR năm 2020.

Niềm vui của người dân tỉnh Điện Biên khi nhận tiền hỗ trợ từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng.

Người dân xã Sen Thượng, huyện Mường Nhé (Điện Biên) nhận tiền hỗ trợ từ chính sách chi trả DVMTR

Ông Lò Văn Tiến, Phó chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên cho biết: Từ khi chính sách chi trả DVMTR theo Nghị định 99/ND-CP của Chính phủ được triển khai, công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh Điện Biên có nhiều chuyển biến rõ nét, thông qua chính sách chi trả DVMTR đã góp phần quan trọng nâng cao đời sống cho đồng bào các dân tộc trong tỉnh, nâng cao hiệu quả công tác quản lý và bảo vệ rừng, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh.

Theo số liệu thống kê, tỉnh Điện Biên hiện đứng thứ ba toàn quốc về nguồn thu từ chi trả DVMTR, sau các tỉnh Lai Châu và Lâm Đồng, trong đó tỉnh có số lượng chủ rừng cung ứng dịch vụ môi trường rừng rất lớn. Năm 2019 có tổng số 2.551 chủ rừng phân bố trên địa bàn các huyện: Điện Biên, Điên Biên Đông, Tủa Chùa, Tuần Giáo, Mường Ảng, Nậm Pồ, Mường Nhé, Mường Chà và Mường Lay.

Ông Trần Xuân Tâm, Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng, tỉnh Điện Biên, cho biết: Hiện nay, tổng diện tích chi trả DVMTR của tỉnh Điện Biên là 267.429.796ha bao gồm lưu vực Sông Đà, lưu vực nội tỉnh và lưu vực Sông Mã. Tạm ứng năm 2019 lưu vực Sông Đà là 207.098.383ha, hiện lưu vực nội tỉnh và lưu vực Sông Mã do đơn giá chi trả thấp, không chi trả tạm ứng mà chỉ thực hiện thanh toán 01 lần/năm vào tháng 4, tháng 5 năm 2020.

Hiện nay, kết quả chi trả DVMTR cho các chủ rừng đạt 90%, song vẫn còn một số diện tích rừng chưa đủ điều kiện chi trả, thuộc Nhà máy thủy điện Nậm Núa, Trung Thu, Nậm Khẩu Hu, đang được rà soát và xác định diện tích rừng nằm trong lưu vực nội tỉnh sẽ thực hiện vào quý II năm 2020. Được biết, nhờ chính sách chi trả DVMTR nên diện tích rừng của tỉnh Điện Biên đã tăng thêm 23.822,5ha năm 2019 (từ 379.296,3ha lên 403.118,8ha) và tỷ lệ che phủ rừng tăng từ 39,75% lên 42,25% (tăng 2,5% so với năm 2018).

Tuy nhiên mức chi trả DVMTR giữa các lưu vực hiện còn chưa đồng đều, đặc biệt lưu vực Sông Mã, do hệ thống nhà máy thủy điện hoạt động chưa hiệu quả và mật độ rừng còn thấp, mức chi trả hiện tại sau khi điều chỉnh trung bình là 400.000đ/ha năm 2018. Hiện nay thu nhập bình quân của các chủ rừng là hộ gia đình hơn 3 triệu đồng/năm. Trong khi đó, Điện Biên có lưu vực Sông Đà nằm trên địa bàn huyện Mường Nhé, Nậm Pồ, Tuần Giáo, Mường Ảng, Thị xã Mường Lay mức chi trả tương đối lớn, trung bình từ 800 - 1.219.670đ/ha/năm.

Ông Trần Xuân Tâm, Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng, tỉnh Điện Biên cho biết: Năm 2020, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Điện Biên tiếp tục tăng cường công tác phối hợp tuyên truyền, phổ biến, tập huấn về chính sách chi trả DVMTR; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc quản lý bảo vệ rừng. Phối hợp với hạt kiểm lâm các huyện, thị xã, thành phố, nâng cao công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Theo kế hoạch thu, chi Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2020 là gần 242 tỷ đồng, bao gồm từ Điều phối Quỹ Việt Nam và thu nội tỉnh, trong đó chi trả tiền DVMTR cho các chủ rừng trên 206 tỷ đồng. Ông Tâm cho biết thêm: Từ năm 2017 đến nay, Quỹ luôn phối hợp chặt chẽ với các phòng ban chuyên môn của các huyện, và các xã trong việc thực hiện chi trả tiền DVMTR, để chính quyền nắm được những diện tích có rừng, số tiền được chi trả cho các chủ rừng và những khó khăn vướng mắc trong công tác chi trả trên địa bàn để có biện pháp kịp thời tháo gỡ, nhằm nâng cao hiệu quả công tác chi trả DVMTR.

Nhờ có chính sách chi trả DVMTR, người dân tích cực tham gia bảo vệ rừng cùng các lực lượng chức năng.

Có thể khẳng định, hiệu quả từ chính sách chi trả DVMTR theo Nghị định 99/NĐ-CP của Chính phủ triển khai thời gian qua trên địa bàn tỉnh Điện Biên, đã góp phần quan trọng nâng cao cuộc sống, xóa đói giảm nghèo bền vững cho người dân tham gia bảo vệ rừng, nhận thức cũng như trách nhiệm của các chủ rừng và người dân về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng không ngừng được nâng lên, màu xanh những cánh rừng đang từng ngày hồi sinh.

Hoàng Châu - Hải Yến