Yêu cầu BVMT của cơ sở xử lý chất thải thông thường

Tư vấn pháp luật - Ngày đăng : 15:58, 17/02/2020

(TN&MT) - Bạn đọc Đỗ Long (doduylongtn@gmail.com) hỏi: Tôi là nhân viên môi trường của 1 công ty nước sạch. Công ty tôi trong quá trình xử lý nước sạch có thải ra 1 lượng bùn thải thông thường. Hiện nay có 1 đơn vị muốn thu gom lại số bùn thải để về làm phân bón hữu cơ. Vậy bên công ty tôi phải làm những thủ tục gì? Và công ty kia cần đáp ứng những yêu cầu gì?

Trả lời

Câu hỏi của bạn, Báo Tài nguyên & Môi trường tư vấn như sau:

Căn cứ theo quy định tại Nghị định số 38/2015/NĐ – CP về quản lý chất thải và phế liệu, Công ty của bạn phải có trách nhiệm như sau: Thực hiện trách nhiệm phân định, phân loại, lưu giữ chất thải rắn công nghiệp thông thường theo quy định; Tự tái sử dụng, sơ chế, tái chế, xử lý, đồng xử lý, thu hồi năng lượng hoặc ký hợp đồng chuyển giao cho đơn vị có chức năng vận chuyển, xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường; Định kỳ báo cáo tình hình phát sinh, quản lý chất thải rắn công nghiệp thông thường trong báo cáo giám sát môi trường định kỳ.

Việc thu gom, vận chuyển, trung chuyển chất thải rắn công nghiệp thông thường phải bảo đảm không được làm rơi vãi, gây phát tán bụi, mùi hoặc nước rò rỉ và đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, quy trình quản lý theo quy định.

Ảnh minh họa

Tổ chức, cá nhân thu gom, vận chuyển chất thải rắn công nghiệp thông thường có trách nhiệm chuyển giao chất thải cho cơ sở xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường được phép hoạt động theo quy định của pháp luật…

Như vậy công ty của bạn hoàn toàn có thể ký kết hợp đồng chuyển giao số bùn thải phát sinh trong quá trình sản xuất cho 1 đơn vị khác có đầy đủ điều kiện thu gom, xử lý bùn thải thông thường theo quy định của pháp luật.

Trong đó, Nghị định số 40/2029/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật bảo vệ môi trường quy định về cơ sở có chức năng phù hợp để tái sử dụng, tái chế, đồng xử lý, thu hồi năng lượng và xử lý chất thải là cơ sở hoạt động phù hợp với chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, đăng ký kinh doanh hoặc chứng nhận đầu tư, văn bản đăng ký đầu tư và các giấy tờ khác tương đương; có nhà xưởng, dây chuyền công nghệ, trang thiết bị và các hạng mục công trình phụ trợ được sử dụng cho hoạt động tái sử dụng, tái chế, đồng xử lý, thu hồi năng lượng và xử lý chất thải (bao gồm các loại chất thải: sinh hoạt, công nghiệp thông thường, y tế thông thường) đã thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

Ngoài ra, Khoản 15 Điều 3 Nghị định số 40/2029/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật bảo vệ môi trường, yêu cầu bảo vệ môi trường đối với cơ sở xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường gồm:

- Có báo cáo đánh giá tác động môi trường được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đối với dự án đầu tư cơ sở xử lý chất thải.

- Các hệ thống, thiết bị xử lý (kể cả sơ chế, tái chế, đồng xử lý, thu hồi năng lượng), bao bì, thiết bị lưu chứa, khu vực lưu giữ tạm thời hoặc trạm trung chuyển, phương tiện vận chuyển (nếu có) phải đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và quy trình quản lý theo quy định.

- Có các công trình bảo vệ môi trường tại cơ sở xử lý chất thải đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và quy trình quản lý theo quy định.

- Có chương trình quản lý và giám sát môi trường.

- Cơ sở xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường phải được cơ quan có thẩm quyền xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường theo quy định.

- Địa điểm của cơ sở xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường phải phù hợp với quy hoạch bảo vệ môi trường, quy hoạch tỉnh.

Báo TN&MT