“Tiếp lửa” cho nghệ thuật bài chòi lan tỏa
Văn hóa - Ngày đăng : 10:26, 17/02/2020
Cũng như các địa phương khác, người dân Hội An đã tiếp cận bài chòi từ rất lâu qua truyền miệng, qua sinh hoạt cộng đồng nghệ thuật bài chòi và trò chơi dân gian bài chòi, một loại trò chơi tao nhã vào mỗi dịp Tết đến, xuân về.
Khoảng nửa đầu thế kỷ XX trở về trước, tại TP Hội An, trò chơi bài chòi được các vị cao tuổi đứng ra dựng chòi và tổ chức cho người trong xóm, trong làng vui chơi; chỉ hát những câu ngắn gọn được lấy từ ca dao, tục ngữ và do các nghệ nhân sáng tác hoặc ứng tác. Tuy nhiên, từ giữa thập niên 1990 đến nay, nghệ thuật ca hát bài chòi là thế mạnh của phong trào văn nghệ, sinh hoạt văn hóa của Hội An được người dân yêu thích.
Hằng đêm tại Hội An, các nghệ sĩ hát bài chòi luôn mang đến cho người xem những tiết mục đặc sắc |
Hiện nay, bài chòi ở TP Hội An tồn tại chủ yếu dưới hình thức hát bài chòi dân gian ở các quận, huyện, nhất là dịp tết cổ truyền, lễ hội, trong các sinh hoạt văn hóa, văn nghệ của cộng đồng địa phương. Trên địa bàn thành phố hiện có 5 nghệ sĩ ưu tú, 10 nhóm/đội, câu lạc bộ (CLB) bài chòi với hơn 200 người tham gia; trong đó có 36 nghệ nhân làm ảnh Hiệu, 5 nghệ nhân độc diễn bài chòi dân gian, 13 nghệ nhân chơi nhạc cụ, 6 người biết đàn bài chòi, 49 người có khả năng truyền dạy.
Đây là loại hình nghệ thuật theo lối diễn xướng, vì vậy đòi hỏi người nghệ sĩ phải hoạt bát, phải biết diễn và xướng (hát). Ngoài niềm yêu thích, đam mê còn đòi hỏi người nghệ nhân phải có tài năng bẩm sinh để biết cách ứng biến trên không gian diễn. Cũng chính vì sự khéo léo, linh hoạt của các nghệ nhân mà hàng đêm ở Hội An trò chơi này được rất nhiều du khách tham gia.
Chị Minh Phương, một du khách cho biết: “Đây là lần đầu chị được trải nghiệm và biết đến bài chòi, quả thật nó rất thú vị. Chỉ 20 ngàn/thẻ bài, bạn vừa được chơi vừa được tặng những món quà ý nghĩa tự tay những người nghệ nhân ở đây làm ra”.
Với sự xuất hiện ngày càng nhiều loại hình mới thì bài chòi ở Hội An nói riêng và ở các tỉnh miền Trung nói chung đã ngày một bị mai một, hầu như nó chỉ được diễn vào các ngày lễ hội, ngày tết. Tuy nhiên sau khi được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể thì Bài Chòi dường như đã sống lại. Để giữ gìn và phát huy loại hình đặc sắc của dân tộc, chính quyền TP và các thế hệ nghệ nhân, nghệ sĩ, nhà nghiên cứu đã cùng nhau nỗ lực khắc phục khó khăn, mang lại sức sống, sức lan tỏa mới cho bài chòi.
Bài chòi không chỉ dành cho người lớn tuổi mà nó ngày càng được giới trẻ quan tâm |
Theo đuổi nghề từ năm 18 tuổi nghệ nhân Nguyễn Đáng (nghệ danh Lương Đáng, 60 tuổi, phường Thanh Hà – TP Hội An) cho biết: “Hiện nay Hội An đã kết hợp với chính quyền thành phố đưa loại hình này vào học đường để giảng dạy, trung bình mỗi năm có tới 100 tiết học. Qua những làn điệu, câu ca, các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước được lồng ghép phổ biến, dễ đi vào đời sống người dân. Ngoài ra các lớp dạy được mở hằng đêm nhằm truyền nghề cho các thế hệ trẻ, những người yêu thích và đam mê với loại hình này”.
Đặc biệt ông cũng bày tỏ mong muốn của mình tới những người trẻ nếu yêu thích bài chòi hãy cứ đam mê với nó, đừng ngần ngại cống hiến mà đưa ra những ý tưởng mới, để bài chòi ngày càng phát triển và được nhiều người biết đến hơn.
Nghệ thuật dân ca Bài Chòi ở Hội An vừa là di sản, là sản phẩm tinh thần của nhân dân vừa là một sản phẩm du lịch văn hóa. Do đó, nếu bài chòi tiếp tục bám rễ và sống bền bỉ trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân Hội An, thì từ đó bài chòi sẽ trở thành một trong các hoạt động kinh tế mũi nhọn của thành phố, thúc đẩy ngành du lịch phát triển và rộng mở hơn.