Dự án BCC đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực tại Quảng Trị

Môi trường - Ngày đăng : 10:02, 15/02/2020

(TN&MT) - Ngày 14/2, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị, ông Hà Sỹ Đồng chủ trì buổi làm việc với các ngành, địa phương liên quan về tình hình thực hiện dự án “Hành lang bảo tồn đa dạng sinh học tiểu vùng Mê Công mở rộng – giai đoạn 2” (dự án BCC) trên địa bàn tỉnh này.

Dự án “Hành lang bảo tồn đa dạng sinh học tiểu vùng Mê Công mở rộng - giai đoạn 2” (dự án BCC) tỉnh Quảng Trị có mục tiêu nhằm tăng cường năng lực cho các cấp tỉnh, huyện, thị xã vùng dự án trong việc quy hoạch hành lang đa dạng sinh học, xây dựng kế hoạch quản lý hành lang và thực hiện kế hoạch.

Phục hồi và trồng rừng nhằm khôi phục tính liên kết của các hành lang đa dạng sinh học và tăng diện tích rừng trung bình - giàu trong 12 xã đã được lựa chọn trong vùng hành lang đa dạng sinh học.

Cung cấp các giải pháp tạo sinh kế và các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ gắn với cơ sở hạ tầng quy mô nhỏ góp phần giảm nghèo và cải thiện đời sống cho các dân tộc ít người tại các huyện miền núi nghèo của vùng dự án.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị, ông Hà Sỹ Đồng phát biểu kết luận buổi làm việc

Dự án được thực hiện từ cuối 2011 - tháng 9/2020 trên địa bàn 12 xã thuộc 2 huyện miền núi Hướng Hóa, Đakrông với nguồn vốn ODA hơn 155 tỷ đồng.

Tính đến ngày 31/1/2020, dự án đã trực tiếp hỗ trợ kinh tế cho gần 2.000 hộ dân (phần lớn là hộ nghèo và gần 100% là đồng bào dân tộc thiểu số) thông qua hoạt động trồng rừng (nhân công, vật tư), cấp sổ đỏ, tuần tra bảo vệ rừng (thiết bị, nhân công), hỗ trợ sinh kế nông nghiệp cho hơn 300 hộ dân, hỗ trợ 23 công trình hạ tầng cho 12 xã dự án và quỹ tín dụng nhỏ (CDF). Chi phí trực tiếp ước tính khoảng gần 80% tổng chi phí của dự án. Tỷ lệ giải ngân vốn vay đạt 91%, vốn đối ứng 73%.

Bên cạnh việc hỗ trợ các hoạt động, dự án luôn tuân thủ chính sách an toàn của ADB và Chính phủ Việt Nam về môi trường, xã hội và giới tính. 100% công trình được sàng lọc, phân loại về môi trường, được xây dựng kế hoạch đảm bảo an toàn xã hội và phát triển dân tộc thiểu số (EMDF) và thẩm định chi tiết về tái định cư không tự nguyện (DDR). Đảm bảo tỷ lệ nữ giới tham gia các hoạt động của dự án từ 40% trở lên.

Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị, ông Hà Sỹ Đồng nhấn mạnh: Dự án được thực hiện tại 2 huyện Đakrông và Hướng Hóa trong thời gian qua đã mang lại lợi ích rõ rệt cho địa phương về các mặt kinh tế xã hội và môi trường.

Quá trình thực hiện dự án, cùng với việc củng cố, kiện toàn Ban chỉ đạo từ tỉnh đến cơ sở, Ban quản lý Dự án BCC đã triển khai nhiều hoạt động, thực hiện có kết quả nội dung các hợp phần. Việc đánh giá giữa kỳ dự án là cơ hội để rà soát kết quả đã đạt được, chưa đạt, nguyên nhân khách quan, chủ quan để có cơ sở khoa học và thực tiễn để điều chỉnh mục tiêu dự án, kế hoạch chi tiết về khối lượng và ngân sách dự án cho thời gian còn lại.

Từ nay cho đến khi kết thúc dự án, UBND tỉnh đề nghị Sở TN&MT Quảng Trị cùng với các huyện tiếp tục làm tốt việc quy hoạch hành lang đa dạng sinh học, tổ chức điều tra và lập hồ sơ, tiến hành giao rừng gắn với giao đất lâm nghiệp, xây dựng kế hoạch quản lý, bảo vệ rừng, trồng, khoanh nuôi rừng. Đồng thời triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng và tổ chức các hoạt động hỗ trợ sinh kế nông nghiệp, lâm nghiệp cũng như phát triển kinh doanh cho người dân. Mặt khác, chỉ đạo các địa phương hưởng lợi đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tích cực vận động sự tham gia của cộng đồng trong các hoạt động của dự án...

Tiến Nhất