Bến Tre: Đắp đập tạm, nạo vét kênh rạch tạo nguồn nước ngọt
Môi trường - Ngày đăng : 15:18, 14/02/2020
Nhiều diện tích đất nông nghiệp phải bỏ hoang vì hạn mặn |
Hiện nay, các kênh rạch nội đồng tại huyện Ba Tri (Bến Tre) đều bị mặn xâm nhập từ 1,8 - 3‰. Đặc biệt, hồ Kênh Lấp đang bị nhiễm mặn, độ mặn đo được là 1,5‰. Hồ Kênh Lấp là hồ chứa nước ngọt nhân tạo đầu tiên tại tỉnh Bến Tre, với sức chứa gần 1 triệu m3 nước, đủ sức phục vụ sinh hoạt cho khoảng 200.000 người dân tại 24 xã, thị trấn trên địa bàn và vùng lân cận.
Ông Dương Văn Chương - Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Tri cho biết, tình hình hạn mặn trên địa bàn huyện đang diễn ra phức tạp. Người dân đã có nhiều phương án chủ động ứng phó với hạn mặn so với các năm trước đây. Ngành chức năng và các địa phương trong huyện cũng đã kêu gọi người dân trữ nước mưa, nước ngọt để phục vụ sinh hoạt, chăn nuôi.
Tuy nhiên, ông Chương cũng cho rằng, nếu tình trạng hạn mặn năm nay kéo dài, lo lắng lượng nước dự trữ sẽ bị thiếu hụt. Do đó, huyện có phương án chuyển nước ngọt từ nơi khác về để cung cấp cho hộ dân khi tình hình hạn mặn diễn biến gay gắt.
Theo nhận định của ngành nông nghiệp tỉnh Bến Tre, diễn biến mặn xâm nhập năm nay là phức tạp, nặng nề hơn rất nhiều so với năm 2016. Qua khảo sát, hiện nay có khoảng 2.000 ha lúa ở hai huyện Giồng Trôm và Ba Tri đã xuống giống có nguy cơ mất trắng, và ước thiệt hại khoảng 20.000 ha cây ăn trái.
Hiện nay, người dân đã ý thức tốt việc theo dõi, cập nhật kịp thời các thông tin về hạn mặn; được trang bị kiến thức, kinh nghiệm về chăm sóc cây trồng mùa hạn mặn, có tâm thế chuẩn bị dự trữ nước ngọt để phục vụ sản xuất, sinh hoạt bằng nhiều mô hình khác nhau.
Ngoài ra, thông tin dự báo về độ mặn được các ngành chuyên môn truyền tải liên tục, thường xuyên với nhiều hình thức, phương tiện. Có nhiều hộ dân đã chủ động trang bị máy đo mặn tại nhà để kiểm tra độ mặn thường xuyên.
Hồ chứa nước ngọt Kênh Lấp cũng bị nhiễm mặn |
Theo Đài Khí tượng thủy văn Bến Tre, hiện nước mặn xâm nhập trên các sông chính đang rất nhanh và ở mức sâu hơn đợt hạn mặn lịch sử năm 2016. Dự báo, độ mặn 4‰ có khả năng xâm nhập cách các cửa sông khoảng 68-73km, độ mặn 1‰ hầu như đã bao trùm toàn tỉnh Bến Tre.
Để phòng chống hạn mặn, tỉnh Bến Tre đã và đang triển khai các công trình tạm để ngăn mặn, tăng cường tích trữ nguồn nước ngọt phục vụ nhu cầu sản xuất và đời sống dân sinh.
Cụ thể, Ban Quản lý các dự án đầu tư, xây dựng các công trình NN&PTNT Bến Tre đã bàn giao 21 cống ngăn mặn trên địa bàn các xã: Quới Sơn, Giao Hòa, An Khánh, Phú Túc, Phú Đức, Tiên Thủy, Tiên Long, An Hiệp, Thành Triệu (Châu Thành) cho Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bến Tre vận hành hạn chế nhiễm mặn.
Bên cạnh đó, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bến Tre đã đắp đập phía sau Trường Cao đẳng Bến Tre, đập Sông Mã (xã Sơn Đông, TP Bến Tre) và nạo vét kênh Sông Mã để hạn chế nước mặn vào sâu.
Đặc biệt, khẩn trương thi công công trình đập tạm ngăn mặn trên sông Ba Lai đoạn thuộc địa phận huyện Châu Thành. Hiện công trình này chuẩn bị hợp long, sắp đưa vào sử dụng. Đây được xem là một giải pháp tạo tuyến sông khép kín có lượng nước ngọt thường xuyên trên sông Ba Lai đoạn từ sông Giao Hòa đến xã An Khánh (huyện Châu Thành) với sức chứa khoảng 01 tỷ mét khối nước để phục vụ dân sinh.
Bến Tre tăng cường đắp đập tạm, nạo vét kênh rạch để tạo nguồn nước ngọt |
Mới đây, sau khi khảo thực tế công tác phòng, chống hạn mặn, đảm bảo nước ngọt sản xuất và sinh hoạt của người dân, doanh nghiệp, ông Cao Văn Trọng - Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre đã thống nhất giao cho Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bến Tre làm chủ đầu tư khẩn trương thực hiện nạo vét tuyến kênh “Thầy Năm Dộm”, thuộc huyện Châu Thành.
Việc nạo vét tuyến kênh này để nhằm đảm bảo nguồn nước ngọt từ sông Ba Lai về phục vụ sản xuất, sinh hoạt của người dân trong khu vực, cung cấp nước đạt chất lượng cho Nhà máy nước Sơn Đông xử lý cung cấp nước ngọt phục vụ sinh hoạt và sản xuất của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, khẩn trương thi công, tiến hành lắp đặt và mở cửa xả thoát nước khu vực nước ngọt tại “Kênh Xáng” để đảm bảo chất lượng nguồn nước; hoàn thiện thủ tục trình cấp thẩm quyền quyết định để sớm mua 2 thuyền bơm phục vụ tốt công tác phòng, chống hạn mặn.
Đồng thời, UBND TP Bến Tre làm chủ đầu tư thực hiện nạo vét tuyến rạch Chùa (đoạn từ Kênh Xáng đến cầu Chùa xã Sơn Đông và xã Bình Phú) nhằm đảm bảo tốt công tác tưới tiêu thoát nước.
Ngoài ra, UBND tỉnh Bến Tre cũng đã giao cho Công ty CP Cấp thoát nước Bến Tre chủ động phối hợp với các địa phương lắp đặt máy bơm tại đập tạm Kênh Xáng, bơm thoát nước trong đập tạm để tăng lượng nước ngọt từ An Hiệp về và giảm độ mặn trong hệ thống cấp nước hiện nay.