Tam Đường – Lai Châu: Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tiêu chí môi trường

Môi trường - Ngày đăng : 10:12, 14/02/2020

(TN&MT) - Sau gần 10 năm xây dựng nông thôn mới, diện mạo nông thôn trên địa bàn huyện Tam Đường – tỉnh Lai Châu đã có nhiều chuyển biến tích cực. Trong đó, tiêu chí số 17 về môi trường được địa phương chú trọng đẩy mạnh thực hiện đã mang lại những kết quả đáng ghi nhận.

Huyện Tam Đường có dân số trên 5 vạn người, 12 dân tộc sinh sống với nhiều phong tục tập quán khác nhau, trình độ dân trí không đồng đều, tỷ lệ hộ nghèo đến hết năm 2018 là 28,19% nên còn khó khăn trong việc triển khai thực hiện các chỉ tiêu của tiêu chí môi trường. Những năm trước đây, việc nuôi, nhốt gia súc, gia cầm theo phong tục tập quán của địa phương (thả rông, nuôi, nhốt dưới gầm sàn, gần nhà...), chất thải trong chăn nuôi chưa được xử lý triệt để, xả trực tiếp ra môi trường gây ô nhiễm.

Các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn huyện Tam Đường đã thực hiện đúng cam kết bảo vệ môi trường.

Ông Cầm Đức Chiến, Trưởng phòng TN&MT huyện Tam Đường chia sẻ: Xác định nhiệm vụ công tác thông tin, tuyên truyền về thực hiện tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm là một trong những giải pháp quan trọng góp phần chỉ đạo thành công xây dựng NTM, UBND huyện Tam Đường đã chỉ đạo Phòng văn hóa thông tin, Đài Truyền thanh - Tuyền hình huyện, UBND các xã phối hợp với các tổ chức đoàn thể xã hội kết hợp lồng ghép tại các hội nghị tuyên truyền xây dựng NTM với nhiều hình thức tuyên truyền phong phú, phù hợp với điều kiện thực tế địa phương.

Sau gần 10 năm đẩy mạnh thực hiện tiêu chí số 17, đến nay, toàn huyện Tam Đường đã có 98,5% hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh; các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện đã thực hiện đối tượng đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường, đề án bảo vệ môi trường đơn giản theo quy định. Trên địa bàn huyện tiếp dục duy trì 42 mô hình bản xanh, sạch, đẹp kiểu mẫu và đăng ký triển khai mới 15 mô hình.

Tỷ lệ hộ có nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nước hợp vệ sinh và đảm bảo ba sạch đạt khoảng 60,4 %. Tỷ lệ hộ chăn nuôi có chuồng trại chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường đạt 62,5 % và 91,47 % cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tuân thủ các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm.

Ông Cầm Đức Chiến cho biết thêm: Kết quả quan trọng nhất sau gần 10 năm thực hiện tiêu chí môi trường là nhận thức của người dân đã có nhiều chuyển biến. Từ chỗ chưa hiểu về tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm trong xây dựng NTM, đến nay đa số người dân hiểu rằng thực hiện tiêu chí về môi trường và an toàn thực phẩm là nâng cao chất lượng đời sống, từ đó người dân trở thành chủ thể thực hiện tiêu chí và kêu gọi mọi tầng lớp nhân dân cùng tham gia thực hiện.

Sau 10 năm thực hiện xây dựng NTM, ý thức của người dân huyện Tam Đường trong thực hiện tiêu chí môi trường được nâng cao.

Bên cạnh những kết quả đạt được thì việc thực hiện tiêu chí môi trường vẫn còn đó những khó khăn, vướng mắc: Công tác tuyên truyền, vận động ở cơ sở còn chung chung chưa tập trung đúng mức nên vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM chưa được phát huy đầy đủ, các hoạt động hưởng ứng phong trào xây dựng NTM trong đó có việc thực hiện tiêu chí số 17 về môi trường và an toàn thực phẩm chưa đồng đều, chưa thường xuyên, liên tục.

Nhận thức của cộng đồng đã được nâng lên, tuy nhiên ý thức tự giác bảo vệ môi trường chưa trở thành thói quen, nếp sống thường xuyên của một số người dân. Một số địa phương và người dân còn tư tưởng trông chờ ỷ lại, coi đây là chương trình đầu tư của Nhà nước, chưa phát huy tốt các yếu tố nội lực ở địa phương. Việc xử lý rác thải sinh hoạt chỉ dừng lại ở việc chôn lấp và đốt bằng lò thủ công nên vẫn tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Tại các xã đều xây dựng quy hoạch nghĩa trang nông thôn, nhưng phần lớn các xã chưa bố trí được nguồn kinh phí để thực hiện giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ sở hạ tầng nên việc mai táng phần lớn theo phong tục, tập quán địa phương.

Cũng theo ông Cầm Đức Chiến, thời gian tới, huyện sẽ tập trung đầu tư nguồn vốn, huy động lồng ghép các chương trình dự án từ các tổ chức kinh tế và đóng góp của người dân trong xây dựng nông thôn mới, trong đó có việc thực hiện tiêu chí số 17 về bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm.

Cùng với đó, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân giữ gìn môi trường thông qua phong trào “Toàn dân bảo vệ môi trường”, phong trào “5 không - 3 sạch”; vận động nhân dân xây dựng đầy đủ 3 công trình nhà tắm, nhà vệ sinh, bể nước; các cơ sở chăn nuôi đảm bảo yêu cầu về vệ sinh. Cùng với đó, xây dựng các quy chế bảo vệ môi trường, nguồn nước; quy chế quản lý, thu gom rác thải. Vận động các hộ chăn nuôi xây dựng công trình Biogas để xử lý chất thải chăn nuôi.

Hà Thuận