Đà Nẵng: Xóa điểm đen ô nhiễm, hình thành vườn rau công nghệ cao

Môi trường - Ngày đăng : 08:30, 14/02/2020

(TN&MT) - Là một trong những người đầu tiên ở thành phố Đà Nẵng dám nghĩ và dám làm về mô hình biến bãi rác thành vườn rau sạch, anh Lê Thanh Bình mong muốn sẽ xoá sạch những “điểm đen” về môi trường trong thành phố.

Tâm huyết với môi trường

Đến thăm vườn rau sạch, công nghệ cao xanh mướt trải rộng gần 5000 m2 ở đường Trần Thánh Tông, phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng của anh Lê Thanh Bình không thể hình dung được nơi đây từng là bãi rác “khổng lồ”. Với mong muốn vừa phát triển kinh tế vừa xóa các “điểm đen” về ô nhiễm, mất mỹ quan đô thị, anh Bình đã lên UBND phường trình bày ý tưởng và xin thuê khu đất vốn là điểm tập kết rác gần chục năm qua để xây dựng vườn rau thủy canh và được chính quyền phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà) đồng ý ngay.  

Người dân đến tham quan và mua rau sạch tại vườn rau của anh Lê Thanh Bình

Anh Lê Thanh Bình đã bắt tay thực hiện mô hình của mình. Mất gần 1 tháng thuê người dọn dẹp cỏ rác, xà bần; đầu tư gần 2 tỷ đồng lắp đặt hệ thống nhà lưới, hệ thống ống nuôi cây, phun sương… vườn rau sạch của anh đã thành hình hài. Hiện tại, vườn rau thủy canh của Bình cung cấp ra thị trường nhiều loại rau sạch như: cải bó xôi, xà lách roman, xà lách muir, xà lách tím búp, xà lách tím matal, rau muống….

Trước vườn rau này, anh Bình đã triển khai vườn ươm trên đường Đinh Công Trứ ( phường Thọ Quang) với diện tích gần 600m² cũng từng là một “điểm đen” ô nhiễm môi trường. “Ở Đà Nẵng có nhiều quỹ đất chưa sử dụng trong nhiều năm, cỏ, rác, xà bần thi nhau đầy ứ gây mất mỹ quan đô thị. Mặc dù lúc đầu nhìn đống rác cũng ngán ngẩm nhưng làm một startup thì chúng tôi đã lường trước được những khó khăn khi bắt đầu.” – anh Bình chia sẻ.

Hiện trong vườn rau này, ngoài các loại rau thủy canh, anh Bình đang thử nghiệm trồng cả dâu tây Nhật và táo Pháp, tạo không gian cho các em học sinh trên địa bàn quận tham quan, dã ngoại; thực nghiệm các phương pháp trồng rau thủy canh.

Người dân vui mừng vì được tặng túi vải khi đi mua rau sạch

Tâm huyết với môi trường, anh Bình cũng đã bỏ khoản tiền không nhỏ để đầu tư túi ni lông phân hủy sinh học và túi vải tặng cho người mua rau với mong muốn thay đổi ý thức sử dụng túi ni lông, sản phẩm nhựa dùng một lần. Anh Bình cho biết, khách hàng khi đến mua rau và được tặng túi vải đều được nhân viên hướng dẫn, tuyên truyền cách sử dụng để bảo vệ môi trường.

Đi lên từ thất bại

Anh Bình cho biết, để có được những vườn rau thâm canh khoa học như hiện tại, anh phải trải qua gần 10 năm. Nếm trải đủ mọi thất bại trong cuộc sống, từ thiệt hại về tiền bạc đến sức khỏe lẫn ý chí. Nhưng vì niềm đam mê với mô hình rau sạch, anh đã cố gắng học hỏi, tìm tòi ở nhiều nơi trên thế giới để mang về áp dụng tại Việt Nam.

Tốt nghiệp kỹ sư xây dựng, nhưng Lê Thanh Bình lại đam mê trồng trọt, đặc biệt là trồng rau. Năm 2011, anh bắt đầu những công việc đầu tiên của mình về trồng rau. Anh Bình đã lặn lội qua vùng đất như Osaka (Nhật), Israel - những nơi phát triển về mô hình vườn rau thủy canh bậc nhất trên thế giới. Anh quyết định tìm hiểu về hạt giống, cách trồng và chăm sóc rau thủy canh.

Anh Bình chia sẻ, hiện vườn đang trồng thử nghiệm giống dâu tây Nhật Bản

Năm 2012 anh làm thử nghiệm rau thủy canh tại Quảng Ngãi nhưng không thành công như mong đợi bởi mô hình quá mới mẻ, đầu ra còn đang thăm dò. Thêm vào đó, chi phí lớn dẫn đến giá thành cây rau thủy canh cao hơn các loại rau trồng theo kiểu truyền thống nên không thể cạnh tranh.

Không nản lòng, anh Bình đi tìm miền đất mới, anh chọn Đà Nẵng làm nơi thử nghiệm tiếp theo. Theo anh Bình, có 3 lý do anh chọn Đà Nẵng. Đó là mức sống người dân cao, bữa ăn người Đà Nẵng không thể thiếu rau, nhất là các loại rau cao cấp. Khí hậu tại Đà Nẵng phù hợp cho các loại rau phát triển ổn định đặc biệt là khu vực Sơn Trà. Thêm vào đó, theo tìm hiểu của anh ở ngay giữa trung tâm thành phố có nhiều khu đất bỏ hoang do dự án chậm triển khai. Những khu đất này trở thành bãi tập kết rác, ô nhiễm, gây mất mỹ quan đô thị. Việc xin phép xây dựng những vườn rau thủy canh chắc sẽ được chính quyền địa phương tạo điều kiện tốt nhất.

Những ngày bắt đầu xuống giống, sản xuất rau thành phẩm anh lo đến mất ăn mất ngủ. Tuy nhiên, nhờ kinh nghiệm đúc kết qua những lần thất bại trước nên ngay lứa rau đầu tiên đã thành công. Ngày mở bán những cây rau đầu tiên tại nhà vườn đã thu hút hàng trăm người dân. Hàng trăm kg rau chỉ bán vèo trong 2 tiếng đồng hồ.

“Mấu chốt là ngay ban đầu phải làm sao để chứng minh rau sạch. Tất cả các sản phẩm của công ty đều có công ty đo lường chất lượng. Nguồn giống cũng được nhập từ Nhật, Israel. Mọi người đều biết, rau thủy canh không thể sử dụng hóa chất. Thứ hai, tôi sử dụng tỏi và ớt để phòng ngừa và diệt sâu bướm. Ngoài ra, chúng tôi cũng phối hợp với phường phun thuốc khử trùng xung quanh vườn rau để hạn chế sâu bệnh” – anh Bình chia sẻ.

Ít ai có thể hình dung vườn rau sạch từng là bãi rác "khổng lồ"

Mặc dù đã có những thành công bước đầu nhưng anh Bình vẫn đau đáu nỗi lo. Đó là sự ổn định của những lô đất mà anh đang xin thuê làm vườn rau. Bởi một khi đã bỏ tiền tỷ đầu tư mà các khu đất thì do các doanh nghiệp hay cá nhân nào đó làm chủ và họ có thể đòi lại bất cứ lúc nào thì không yên tâm. Vì vậy, anh mong muốn thành phố và quận có cơ chế, chính sách phù hợp để không chỉ anh mà nhiều người khác có ý định tận dụng những bãi rác để trồng rau sạch mạnh dạn bỏ vốn đầu tư. Từ đó, góp phần giải quyết những điểm đen về ô nhiễm, tạo ra sản phẩm rau sạch, bảo vệ sức khỏe cho người dân.

 

Lan Anh