Cần xử lý khẩu trang y tế như chất thải lây nhiễm

Xã hội - Ngày đăng : 07:54, 14/02/2020

(TN&MT) - “Khẩu trang y tế phải được coi như chất thải lây nhiễm y tế và được xử lý theo đúng quy trình của ngành y tế, để hạn chế sự lây nhiễm ra cộng đồng”, đó là khuyến cáo của các chuyên gia y tế trong thời điểm cả nước ta đang dồn sức chống dịch Covid-19.

Tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm bệnh

Đeo khẩu trang y tế được khuyến cáo là một trong các biện pháp để phòng ngừa sự lây lan dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) gây ra. Bởi thế mà người người, nhà nhà đổ xô đi mua khẩu trang để đeo và dự trữ dùng dần.

Theo các chuyên gia y tế, việc sử dụng khẩu trang để phòng chống và ngăn ngừa dịch viêm phổi do nCoV là điều cần thiết, nhưng người dân cần có cách sử dụng hợp vệ sinh, sau khi sử dụng xong người dân nên có ý thức vứt vào thùng rác công cộng, hoặc gói gọn vào để trong túi về nhà vứt vào thùng rác nhà mình, không nên vứt khẩu trang sau khi sử dụng bừa bãi tại nơi làm việc, gia đình hay nơi công cộng.

PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế)

Khi tháo khẩu trang, người dân nên cuộn mặt ngoài của khẩu trang vào trong, cho vào túi nilon bọc kín lại để vào trong xe ô tô hoặc xe máy để đến cuối ngày đem giặt bằng xà phòng và phơi nắng thường xuyên. Đối với khẩu trang y tế dùng 1 lần nên cuộn lại, để vào một túi riêng và vứt cùng rác sinh hoạt.

Trao đổi với phóng viên Báo TN&MT, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, chính chiếc khẩu trang y tế cũng tiềm ẩn những nguy cơ lây nhiễm bệnh.

“Khi người bệnh đeo chiếc khẩu trang y tế thì vi rút, vi khuẩn từ người bệnh có thể ra mặt trong chiếc khẩu trang đó; còn ở mặt ngoài của chiếc khẩu trang, vi rút, vi khuẩn từ người bệnh khác cũng có thể bám vào”, PGS.TS Trần Đắc Phu lý giải.

Cẩn trọng thu gom, tránh lây nhiễm chéo

Trong những ngày cả nước đang dồn sức chống dịch Covid-19, vấn đề thu gom, xử lý khẩu trang y tế đã dùng như thế nào để an toàn, không lây truyền mầm bệnh và đảm bảo vệ sinh môi trường cũng là vẫn đề quan tâm của các cơ quan quản lý nhà nước cũng như cộng đồng.

Thực tế cho thấy, hiện nay vẫn còn tình trạng vứt, thải bỏ khẩu trang y tế bừa bãi, không đúng nơi quy định. Nhiều người lo ngại, quá trình thu gom khẩu trang dùng một lần có thể dẫn đến sự lây nhiễm chéo cho người thu gom rác, công nhân vệ sinh môi trường.

Về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, Nguyên Cục trưởng Cục y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho rằng, những người đi thu gom phải đeo khẩu trang y tế, dùng que, hay dụng cụ để gắp, hoặc đeo găng tay, cho vào túi kín đưa đi để xử lý an toàn. Đối với khẩu trang ở những khu vực có dịch, tốt nhất là cho vào lò đốt và thực hiện xử lý theo quy trình của ngành y tế.

Cần cẩn trọng khi thu gom khẩu trang y tế. Ảnh minh họa

Đặc biệt, tại các khu dân cư, nếu mà ở những vùng có dịch, khu dân cư có người mắc bệnh thì bắt buộc phải thực hiện thu gom và xử lý riêng khẩu trang y tế dùng một lần, không xử lý chung với các loại rác sinh hoạt. Còn đối với những khu vực chưa có dịch rất khó để thực hiện vì không đủ nguồn lực về nhân công, chi phí.

PGS.TS Nguyễn Huy Nga cũng khuyến cáo, trong những trường hợp khu vực có dịch, cần thông báo cho những người thu gom rác phải cẩn trọng khi thực hiện thu gom. Những khẩu trang dùng một lần cần phải thu gom vào một túi riêng để xử lý, phải được bọc kín vào không để lây lan ra xung quanh.

Coi khẩu trang y tế như “chất thải lây nhiễm”

Bên cạnh việc thu gom, vấn đề xử lý khẩu trang y tế đã sử dụng cũng là vấn đề cộng đồng quan tâm. Hiện nay, rác thải y tế trong bệnh viện chứa rất nhiều loại bệnh khác nhau nhưng lại tập trung được nên có cách xử lý riêng và đang thực hiện khá tốt. Tuy nhiên, với riêng khẩu trang y tế, sau khi dùng xong nếu có thể tập trung, thu gom lại để xử lý bằng cách đốt đi là rất tốt, triệt để hơn rất nhiều nhưng khó có thể làm được điều này.

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, hiện nay, chúng ta mới chỉ giải quyết được khẩu trang y tế ở bệnh viện, nơi điều trị bệnh nhân hay phòng thí nghiệm, các cơ sở làm về mầm bệnh. Còn các khẩu trang mà bệnh nhân đeo lại chưa xử lý được như chất thải lây nhiễm.

Do vậy, tốt nhất phải coi khẩu trang đã sử dụng như chất thải lây nhiễm. “Bộ Y tế đã có quy định cụ thể tại Thông tư liên tịch 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT ngày 31/12/2015 về quản lý chất thải y tế; trong đó quy định khẩu trang cũng là một loại chất thải y tế, phải được xử lý như chất thải lây nhiễm y tế”, ông Phu nhấn mạnh.

Về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Ngọc Thịnh - Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm (Đại học Bách khoa) khuyến cáo, trong trường hợp khẩu trang y tế bị nhiễm bệnh phải được xử lý theo đúng quy trình của ngành y tế, để hạn chế sự lây nhiễm ra cộng đồng.

Bên cạnh đó, việc người dân dùng xong có ý thức vứt vào thùng rác, vứt đúng nơi quy định để bảo vệ mình, mọi người và bảo vệ môi trường cũng là biện pháp cần thiết và hữu hiệu nhất vào thời điểm này.

“Nếu vứt bừa bãi hoặc bỏ khẩu trang y tế đã sử dụng không đúng nơi quy định sẽ bị xử phạt theo quy định. Tuy nhiên, trên thực tế việc xử phạt này vẫn chưa đi vào thực tế. Nguyên nhân xuất phát từ việc thực thi luật của cơ quan quản lý chưa nghiêm, ý thức chấp hành của người dân kém”, PGS, TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế)

Tuyết Chinh