Không thay đổi mục tiêu phát triển, Việt Nam sớm dự liệu giải pháp
Kinh tế - Ngày đăng : 19:01, 13/02/2020
Việt Nam cần hạn chế tối đa ảnh hưởng kép/cộng hưởng từ dịch do virus Corona và những khó khăn nội tại của nền kinh tế, tác động của thiên nhiên |
Ưu tiên phòng, chống, kiểm soát dịch
Sau gần 2 tháng phát hiện, dịch viêm phổi cấp do virus Corona gây ra (Covid-19) đã lan ra 26 quốc gia, vùng lãnh thổ. Riêng tại Việt Nam, dịch đã, đang và sẽ ảnh hưởng toàn diện đến tất cả các lĩnh vực kinh tế xã hội, tâm lý người dân, đặc biệt là lực lượng lao động, gây thiếu hụt lao động tức thời, gián đoạn chuỗi cung ứng và lưu chuyển thương mại, sản xuất kinh doanh bị đình trệ.
Trong tình hình đó, để đạt được mục tiêu mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đặt ra là không thay đổi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất phương châm thực hiện: “Không thay đổi mục tiêu, bình tĩnh, không chủ quan, chủ động sớm dự liệu giải pháp”.
Theo đó, giải pháp được tính đến đầu tiên là ưu tiên cao nhất cho ngăn chặn và dập dịch sớm nhất có thể. Các cấp, các ngành, các địa phương thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Ban Bí thư Trưng ương Đảng, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19.
Các bộ, ngành và địa phương triển khai đồng bộ nhóm giải pháp phòng, chống dịch, trong đó, tập trung tăng cường công tác kiểm dịch động thực vật, phòng chống H5N1, H5N6, cấm nhập khẩu động vật hoang dã vào Việt Nam. Tổ chức thực hiện tốt công tác khử trùng, khử khuẩn, bảo đảm an toàn, vệ sinh các không gian công cộng, nhất là tại các trường học, bệnh viện. Rà soát, đánh giá chính xác về nguồn dự phòng, năng lực sản xuất và nhu cầu sử dụng thực tế vật tư phục vụ phòng chống dịch, ổn định giá bán, phục vụ nhân dân…
Cùng với đó, Bộ cũng giao Ngân hàng Nhà nước phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu ngay một số gói chính sách tín dụng hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, nông dân chịu ảnh hưởng của dịch.
Bộ đề nghị giao Bộ Tài chính nghiên cứu các giải pháp, chính sách thuế hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; doanh nghiệp logistics, doanh nghiệp bán lẻ, doanh nghiệp sản xuất, chế biến hàng nông lâm thủy sản, dịch vụ, du lịch, như: gia hạn thời hạn nộp thuế thu nhập cá nhân, miễn tiền phạt chậm nộp thuế khi doanh nghiệp đã nộp đủ thuế, miễn, giảm thuế xuất nhập khẩu hàng hóa trực tiếp phục vụ công tác chống dịch, khấu trừ thuế…; miễn, giảm tiền thuê đất của nhà nước cho doanh nghiệp và người dân chịu ảnh hưởng của dịch trong thời gian diễn ra dịch, kéo dài thời gian, giãn tiến độ nộp tiền thuê đất sau khi dịch được kiểm soát…
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cập nhật các kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2020:
Trong trường hợp khống chế được dịch trong Quý I/2020, thì tăng trưởng GDP cả năm dự báo đạt 6,25% giảm 0,55 điểm phần trăm so với nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ. Trong đó, quý I tăng 4,52%; quý II tăng 6,08%; quý III tăng 6,92% và quý IV tăng 6,81%.
Trong trường hợp dịch được khống chế trong Quý II/2020, thì tăng trưởng GDP dự báo là 5,96% giảm 0,84 điểm phần trăm so với Nnghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ và giảm 0,29 điểm % so với kịch bản khống chế được dịch trong Quý I/2020. Trong đó, quý I tăng 4,52%; quý II tăng 5,1%; quý III tăng 6,70% và quý IV tăng 6,81%.
Hỗ trợ phục hồi sản xuất sau khi dập dịch thành công
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, qua đợt dịch Covid-19, nền kinh tế bộc lộ rõ hơn những điểm mạnh và điểm yếu, đặc biệt là về cơ cấu kinh tế và khả năng chống chịu trước tác động lớn từ bên ngoài. Do vậy, cần phải đẩy nhanh các giải pháp tái cơ cấu nền kinh tế cả trước mắt và lâu dài.
Các bộ, ngành, địa phương rà soát lại các thiệt hại về kinh tế - xã hội do dịch gây ra; đề xuất, kiến nghị các giải pháp hỗ trợ nhằm phục hồi sản xuất, kinh doanh, ổn định đời sống nhân dân, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Tiếp tục điều hành đồng bộ, linh hoạt các chính sách vĩ mô; điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phù hợp chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối. Triển khai nhanh, quyết liệt các giải pháp cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tập trung trước hết vào tạo điều kiện thuận lợi hơn, hỗ trợ và khuyến khích mạnh mẽ hơn đối với phát triển kinh tế tư nhân.
Các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương đánh giá việc thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế thời gian qua, từ đó đề ra giải pháp cụ thể, thiết thực để đẩy nahnh quá trình cơ cấu lại nền kinh tế và trong từng ngành, lĩnh vực theo hướng ít phụ thuộc hơn, tăng cường khả năng chống chọi và thích ứng với các biến động tốt hơn; khơi dậy nội lực trong nước, xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ, đủ sức chống chịu với các tác động bên ngoài…