Chuẩn bị Đối thoại chính sách Việt Nam – Nhật Bản lần thứ 6

Ngành TN&MT - Ngày đăng : 15:35, 13/02/2020

(TN&MT) - Đối thoại chính sách Việt Nam – Nhật Bản lần thứ 6 sẽ diễn ra vào ngày 27 – 28/02/2020, tại Nhật Bản. Sáng ngày 13/2, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân chủ trì cuộc họp với các đơn vị liên quan để chuẩn bị cho Đối thoại này.

Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân phát biểu chỉ đạo

Đối thoại chính sách Việt Nam – Nhật Bản là sự kiện thường niên được tổ chức trên cơ sở Thỏa thuận hợp tác đã ký giữa Bộ TN&MT Việt Nam và Bộ Môi trường Nhật Bản, nhằm đánh giá tình hình hợp tác trong lĩnh vực môi trường và biến đổi khí hậu trong năm vừa qua, đồng thời thảo luận và thống nhất định hướng hợp tác giữa hai Bộ trong năm tiếp theo.

Tham dự Đối thoại lần này, Đoàn công tác của Bộ TN&MT sẽ do Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân làm trưởng đoàn và đại diện các đơn vị: Vụ Hợp tác quốc tế, Tổng cục Môi trường, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Cục Biến đổi khí hậu. Cùng dự có đại diện một số địa phương và doanh nghiệp của Việt Nam muốn mở rộng hợp tác với Nhật Bản.

Theo trình bày của Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Phạm Phú Bình, Đối thoại chính sách Việt Nam – Nhật Bản lần thứ 6 là cơ hội để hai bên cùng chia sẻ về các vấn đề ứng phó, thích ứng với biến đổi khí hậu, quản lý nước thải, quản lý chất lượng khí thải, rác thải nhựa đại dương. Trong đối thoại chính sách, Nhật Bản sẽ chủ trì, trình bày báo cáo rà soát đánh giá hợp tác trong năm qua, sau đó, Việt Nam có phản hồi. Phía Việt Nam cũng có 3 báo cáo chuyên đề do 3 đơn vị chuyên môn của Bộ trình bày.

Ngoài ra, Đối thoại còn tạo kết nối giữa các địa phương và doanh nghiệp của hai nước Việt Nam – Nhật Bản, cùng chuyển giao công nghệ thông qua các dự án hợp tác thiết thực, từ đó, góp phần cải thiện môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Chia sẻ cụ thể về tình hình hợp tác với Nhật Bản, ông Phạm Văn Tấn – Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu cho biết, Việt Nam và Nhật Bản đã triển khai 14 dự án Cơ chế tín chỉ chung (JCM) và đem lại các kết quả thiết thực. Đến năm 2020, các dự án này kết thúc và chưa được gia hạn. Đơn vị chức năng của Việt Nam đang làm thủ tục xin phép Chính phủ để được ký mới trong giai đoạn tiếp theo, nhằm giúp Việt Nam vững vàng hơn trong năng lực thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) - trọng tâm của các hoạt động thực hiện Thỏa thuận Paris tại Việt Nam.

Năm qua, Việt Nam cũng đã đề xuất Nhật Bản hỗ trợ mô hình thích ứng đổi khí hậu cho Đà Nẵng, Huế, Hải Phòng. Sau khi kết thúc dự án, Việt Nam đề xuất mong muốn kết hợp chặt chẽ giữa cấp triển khai dự án với địa phương để có cơ sở nhân rộng ra các địa phương khác.

Trong lĩnh vực môi trường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Văn Thức cho biết, Việt Nam và Nhật Bản đã hợp tác chặt chẽ về quản lý chất thải rắn, với việc xúc tiến thành lập ủy ban quản lý hỗn hợp chất thải rắn theo mô hình kinh tế tuần hoàn. Nhật Bản cũng có định hướng về công nghệ đốt rác thu hồi năng lượng, hỗ trợ cho một số địa phương của Việt Nam.

Cùng với đó, năm 2019, tổ chức JICA của Nhật Bản cũng phối hợp với một số doanh nghiệp, lắp đặt công nghệ xử lý nước thải sinh hoạt phân tán tại nguồn tại Hưng Yên, điều tra hiện trạng tại các tỉnh miền Trung. Tổng cục Môi trường đề xuất, sẽ hình thành dự án để Nhật Bản chuyển giao và triển khai mô hình áp dụng công nghệ này tại Việt Nam.

Cùng với đó, Tổng cục cũng đề xuất lập dự án hỗ trợ tăng cường năng lực cho các cán bộ môi trường hoạt động cho lĩnh vực doanh nghiệp, để doanh nghiệp thực hiện tốt cơ chế phòng ngừa, kiểm soát môi trường.

Trong lĩnh vực biển – hải đảo, việc quản lý rác thải nhựa đại dương là vấn đề hợp tác mới giữa Việt Nam và Nhật Bản. Tổng cục đề nghị hai bên sẽ ký một Ý định thư về nội dung này.

Toàn cảnh cuộc họp

Phát biểu chỉ đạo, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân ghi nhận những kết quả hợp tác chặt chẽ giữa Bộ TN&MT Việt Nam và Bộ Môi trường Nhật Bản trong nhiều năm qua. Theo Thứ trưởng, mối quan hệ giữa Việt Nam – Nhật Bản thể hiện sự hợp tác quốc tế điển hình. Những kết quả cụ thể từ các hoạt động hợp tác lĩnh vực TN&MT trong thời gian qua đã tạo nền tảng bền vững để triển khai các hoạt động hợp tác sâu rộng hơn trong thời gian tới.

Để chuẩn bị cho Đối thoại chính sách Việt Nam – Nhật Bản lần thứ 6, Thứ trưởng yêu cầu, các đơn vị tổng hợp các chương trình hợp tác hai bên đã triển khai, đánh giá rõ kết quả, từ đó, đề xuất các định hướng hợp tác mới. Các đề xuất này phải có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với khuôn khổ hợp tác giữa hai bên.

Tống Minh