Khủng hoảng khí hậu khiến Australia thành nơi không an toàn để sinh sống
Thế giới - Ngày đăng : 13:59, 13/02/2020
Khủng hoảng khí hậu khiến Australia thành nơi không an toàn để sinh sống |
Trong nhiều tháng, thảm họa cháy rừng đã hoành hành khắp vùng Đông Nam Australia, khiến một phần đất nước nghẹt thở vì tình hình ô nhiễm không khí tồi tệ nhất trên thế giới.
Kể từ tháng 9/2019, hơn 18 triệu ha (tương đương 44 triệu mẫu Anh) diện tích gồm cây, đất và rừng đã bị đốt cháy. Cháy rừng đã làm ít nhất 28 người chết, phá hủy khoảng 3.000 ngôi nhà ảnh hưởng đến khoảng một tỷ động vật.
Mưa lớn xuống bờ biển phía Đông Australia trong tuần này đã tạm thời “xoa dịu” cuộc khủng hoảng, nhưng các nhà chức trách cảnh báo nguy cơ cháy rừng chưa kết thúc (mùa cháy rừng thường kết thúc vào tháng 3). Chỉ mới tuần trước, thành phố thủ đô Canberra của Australia đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp khi các vụ cháy rừng diễn ra nhanh chóng trong khu vực.
Trong hơn một thập kỷ qua, các nhà khoa học đã cảnh báo mùa cháy rừng cực độ đang đến và nguyên nhân được cho là do khủng hoảng khí hậu.
Trong bối cảnh tình hình thời tiết nóng và khô xảy ra trong năm nay, quy mô và cường độ của các vụ cháy rừng gần đây đã khiến một số chuyên gia khẳng định thế giới hiện đã đạt đến “bước ngoặt”.
"Tôi nghĩ rằng quy mô và cường độ của những đám cháy rừng này, cùng với hạn hán thực sự đã đẩy Australia vào một nơi dường như không còn để ở được nữa”, một nhà khoa học tại trường Đại học Melbourne (Australia), Linden Ashcroft cho biết.
Chỉ cần một tia lửa là bùng cháy
Australia đã nóng và khô hơn trong nhiều thập kỷ.
Kể từ năm 1910, đất nước này đã ấm lên hơn 1 độ C – tương đương với mức toàn cầu – khiến sóng nhiệt xảy ra thường xuyên hơn và dữ dội hơn. Theo Cục Khí tượng Australia, năm 2019 là năm nóng nhất và khô nhất từng được ghi nhận tại Australia.
Trong bối cảnh nhiệt độ cao đỉnh điểm, đã có sự sụt giảm dài hạn về lượng mưa ở miền Nam Australia, chủ yếu xuất hiện trong những tháng mùa đông. Chẳng hạn, các thị trấn bị hạn hán ở bang New South Wales đang phải chịu tình trạng thiếu nước trầm trọng vì bang này đã nhận được lượng mưa dưới 125 mm (5 inch) mỗi năm kể từ năm 2017. Điều này đã không bao giờ xảy ra trước đây.
Không có mưa, bụi cây khô héo trở thành tác nhân gây ra những đám cháy rừng năm nay. Tất cả chỉ cần một tia lửa là bùng cháy.
Vùng đất cực đoan
Australia được biết đến với những biến động cực đoan trong thời tiết. Vào mùa hè, không có gì lạ khi các thị trấn trong đất nước này trải qua nhiệt độ 40 độ C trong một ngày và mưa bão xảy ra tiếp theo.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, cuộc khủng hoảng khí hậu đang làm cho những biến động đó tồi tệ hơn.
Nerilie Abram, Giáo sư thuộc trường Đại học Quốc gia Australia cho biết: "Những gì chúng ta đang thấy hiện nay là sự biến đổi tự nhiên đang xảy ra trên đỉnh của biến đổi khí hậu do con người gây ra trong thời gian dài và chúng ta đang chứng kiến sự cực đoan xảy ra thường xuyên hơn”.
Tình hình thời tiết thất thường của Australia làm trầm trọng thêm khí hậu khô và nóng ở nước này.