Thế giới cam kết ưu tiên hàng đầu cho nghiên cứu về COVID-19

Thế giới - Ngày đăng : 11:33, 13/02/2020

(TN&MT) - Tại Diễn đàn nghiên cứu và đổi mới toàn cầu vừa được tổ chức tại Geneva, Thụy Sĩ, các chuyên gia y tế và nhà tài trợ đều cam kết sẽ đặt các nghiên cứu về COVID-19 là vấn đề ưu tiên hàng đầu.

Ưu tiên hàng đầu cho nghiên cứu về COVID-19

Các chuyên gia y tế hàng đầu từ khắp nơi trên thế giới đã tham dự Diễn đàn nghiên cứu và đổi mới toàn cầu tại trụ sở của Tổ chức Y tế Thế giới tại Geneva, Thụy Sĩ để đánh giá mức độ hiểu biết hiện tại về bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (COVID-19) gây ra. Đồng thời, xác định các lỗ hổng và tăng cường hợp tác để đưa ra nghiên cứu ưu tiên cần thiết nhằm ngăn chặn dịch bệnh này và chuẩn bị cho bất kỳ sự bùng phát nào trong tương lai.

“Để khống chế dịch bệnh, chúng ta cần đoàn kết - chính trị, tài chính và khoa học. Chúng ta cần phải cùng nhau chiến đấu với một “kẻ thù chung không tôn trọng biên giới”, đảm bảo rằng chúng ta có đủ nguồn lực cần thiết để chấm dứt sự bùng phát này và áp dụng những tiến bộ khoa học tiên tiến nhất để tìm câu trả lời chung cho các vấn đề. Nghiên cứu là một phần không thể thiếu để đối phó với sự bùng phát của dịch bệnh”, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ông Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết.

“Tôi đánh giá cao phản ứng tích cực của cộng đồng nghiên cứu đã phối hợp tham gia với chúng tôi trong thời gian ngắn và đưa ra các kế hoạch cụ thể và cam kết cùng nhau nỗ lực” – người đứng đầu WHO nhấn mạnh.

Diễn đàn, được tổ chức dưới sự phối hợp của WHO và GloPID-R (Hợp tác nghiên cứu toàn cầu về phòng chống bệnh truyền nhiễm), đã quy tụ các nhà tài trợ nghiên cứu lớn và hơn 300 nhà khoa học và nhà nghiên cứu từ nhiều lĩnh vực khác nhau.

Họ đã thảo luận về tất cả các khía cạnh của dịch bệnh và các cách để kiểm soát nó bao gồm: lịch sử tự nhiên của virus, lây truyền và chẩn đoán; nghiên cứu động vật và môi trường về nguồn gốc của virus, trong đó có các biện pháp quản lý tiếp xúc giữa người và động vật; nghiên cứu dịch tễ học; đặc điểm lâm sàng và quản lý bệnh do virus gây ra.

Diễn đàn cũng xoay quanh các vấn đề về phòng ngừa và kiểm soát nhiễm trùng, bao gồm những biện pháp tốt nhất để bảo vệ nhân viên y tế; nghiên cứu và phát triển trị liệu và vắc-xin; cân nhắc đạo đức cho nghiên cứu; tích hợp khoa học xã hội để đối phó với sự bùng phát dịch bệnh.

“Diễn đàn cho phép chúng tôi xác định các ưu tiên cấp bách cho nghiên cứu. Với tư cách là một nhóm các nhà tài trợ, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với WHO huy động, điều phối và sắp xếp nguồn tài trợ của mình để hỗ trợ các nghiên cứu cần thiết nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng này và ngăn chặn sự bùng phát của dịch bệnh”, Giáo sư Yazdan Yazdanpanah, Chủ tịch GloPID-R cho biết.

“Tiếp cận công bằng, trong đó đảm bảo chúng ta chia sẻ dữ liệu và tiếp cận những người cần thiết nhất, đặc biệt là những người ở các nước thu nhập thấp và trung bình là nền tảng cho sự ưu tiên cấp bách” - Giáo sư Yazdan Yazdanpanah nhấn mạnh.

Trong cuộc họp, hơn 300 nhà khoa học và nhà nghiên cứu đã nhất trí về hàng loạt các ưu tiên nghiên cứu toàn cầu. Họ cũng phác thảo các cơ chế để tiếp tục tương tác và hợp tác khoa học ngoài diễn đàn dưới sự phối hợp và tạo điều kiện của WHO.

Họ đã làm việc với các nhà tài trợ nghiên cứu để xác định các nguồn lực cần thiết được huy động giúp nghiên cứu quan trọng có thể bắt đầu ngay lập tức.

Các cuộc thảo luận sẽ tạo cơ sở cho một lộ trình nghiên cứu và đổi mới tất cả các nghiên cứu cần thiết và điều này sẽ được các nhà khoa học và các nhà tài trợ sử dụng để đẩy nhanh tốc độ nghiên cứu.

Mai Đan