Vĩnh Phúc “dồn sức” chống dịch corona (COVID-19)

Trong nước - Ngày đăng : 09:45, 13/02/2020

(TN&MT) - Tập trung chống dịch COVID-19, Vĩnh Phúc thành lập bệnh viện dã chiến quy mô 300 giường, trưng dụng Trường Quân sự tỉnh làm khu giám sát tập trung các đối tượng tiếp xúc gần với người bệnh với sức chứa 500 người; thành lập tổ công tác cắm chốt tại “tâm dịch” Bình Xuyên; khẩn cấp cách ly “rốn dịch” Sơn Lôi...

Dồn dập chỉ đạo chống dịch

Chiều tối 12/2, tại huyện Bình Xuyên, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh Vĩnh Phúc đã họp với lãnh đạo huyện này và công bố về việc triển khai khẩn cấp nhiệm vụ phòng chống dịch Covid-19, trong đó có giải pháp cách ly xã Sơn Lôi.

Ngay sau khi kết thúc kỳ họp bất thường của HĐND tỉnh Vĩnh Phúc, Huyện ủy, UBND huyện Bình Xuyên (nơi có xã Sơn Lôi, là “rốn” dịch của Vĩnh Phúc) đã tổ chức hội nghị công bố nghị quyết của HĐND tỉnh, quyết định của UBND tỉnh về việc triển khai khẩn cấp các nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (tên mới là Covid-19), trong đó có biện pháp cách ly xã Sơn Lôi.

Kỳ họp bất thường của HĐND tỉnh Vĩnh Phúc diễn ra chiều 12/2. Ảnh: Báo Vĩnh Phúc

Tại hội nghị này, bà Hoàng Thị Thúy Lan, Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh sẽ hạn chế các hoạt động tập trung đông người; kiểm soát chặt chẽ việc đi lại của người dân tại địa phương có dịch bằng các chốt kiểm soát, nhằm hạn chế sự lây lan.

Tại xã Sơn Lôi, sẽ thành lập 8 chốt kiểm soát, đồng thời, phun khử trùng, tiêu độc, huy động tối đa các lực lượng, nhất là lực lượng y tế, để kiểm soát tình hình sức khỏe của người dân. Động thái này nhằm khoanh vùng, cách ly hoàn toàn việc di chuyển của người dân trong vùng xảy ra dịch bệnh.

Cũng tại cuộc họp bất thường của Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đã thông qua nghị quyết về hỗ trợ người bị cách ly và người trực chốt phục vụ phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus Corona.

Nhận định tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona diễn ra hết sức phức tạp, cần phải cách ly bắt buộc các đối tượng trong vùng có dịch; việc hỗ trợ tiền ăn cho các đối tượng bị cách ly và hỗ trợ cho người tham gia trực chốt phục vụ phòng chống dịch bệnh là cần thiết.

Tuy nhiên, hiện chưa có mức hỗ trợ cụ thể từ ngân sách nhà nước cho các đối tượng này. Vì thế, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết kể trên.

Tại kỳ họp, các đại biểu đã thảo luận, biểu quyết thông qua Nghị quyết, trong đó quy định mức hỗ trợ cụ thể: người có hộ khẩu thường trú và tạm trú trên địa bàn tỉnh thuộc đối tượng phải cách ly tập trung hoặc cách ly, điều trị tại các cơ sở y tế được hỗ trợ tiền ăn 60.000 đồng/người/ngày; người cách ly tại cộng đồng theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ được hỗ trợ 40.000 đồng/người/ngày.

Trước đó, sáng 12/2, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã cho ý kiến về một số nội dung khẩn cấp phòng, chống Covid - 19. Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan đã chỉ đạo gành Y tế có trách nhiệm cung cấp vật tư, trang thiết bị y tế kịp thời cho người dân trong vùng dịch.

Đồng thời, đồng ý chủ trương để một số doanh nghiệp, các nhà tài trợ may khẩu trang vải phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn. Đồng ý chủ trương mua thêm các trang thiết bị y tế cần thiết để nâng cao hiệu quả, năng lực phòng chống Covid – 19 trên địa bàn tỉnh.

Tiếp tục cho học sinh các cấp trong toàn tỉnh nghỉ học tuần thứ 3 liên tiếp, từ ngày 17 đến hết ngày 22/2/2020. Huy động tối đa nhân lực, vật lực và các phương tiện, vật tư y tế tại các bệnh viện, trung tâm y tế trên địa bàn vào công tác phòng, chống, dập Covid – 19.

Lập 8 chốt kiểm soát ở tâm dịch Bình Xuyên

Giao sở Y tế kịp thời kiểm tra sức khỏe và cấp giấy chứng nhận an toàn sức khỏe cho các cá nhân đã hết thời hạn cách ly mà có kết quả âm tính với Covid – 19. Giao Ban cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện nghiêm túc, sát sao các nội dung yêu cầu phục vụ công tác phòng chống Covid – 19.

Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các đoàn thể cần sớm có chủ trương, biện pháp phối hợp với UBND huyện Bình Xuyên tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trên địa bàn về nguy cơ lây lan, phương pháp phòng dịch và tác hại của Covid – 19.

Giao Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy sớm tổ chức họp báo để thông tin rộng rãi về công tác phòng, chống dịch của tỉnh, qua đó nêu cao tinh thần hết mình vì cả nước, hết mình vì sức khỏe và tính mạng nhân dân của Vĩnh Phúc đến các địa phương trong toàn quốc.

Mỗi người dân đều thành “chuyên gia” về dịch

Gần đây, Bộ Y tế xác nhận thêm trường hợp bé gái 3 tháng tuổi lây virus corona từ bà ngoại ở Vĩnh Phúc. Trạm chốt chặn các ngõ ra khu vực xã có người nhiễm virus corona, kiểm tra thân nhiệt, băng-rôn chống dịch giăng khắp lối. Bà con cửa đóng then cài, ở “rốn dịch" thôn Ái Văn, xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc vắng lặng hơn bao giờ hết.

Mỗi người dân đều học cách phòng tránh cho bản thân, tự trang bị khẩu trang, khăn trùm đầu bịt kín; rải vôi bột là cách mà dân làng tự bảo vệ gia đình trước dịch bệnh bùng phát.

Không những vậy, người dân chủ động phun thuốc khử trùng, mỗi người đều “nằm lòng” về cách thức phòng tránh trước dịch bệnh lây lan.

Trong đó, họ vệ sinh cá nhân hằng ngày để phòng chống dịch, nói chuyện cách xa nhau 1-2m, luôn đeo khẩu trang, rửa tay sạch sẽ. Cửa đóng chặt, hạn chế tiếp xúc với người ngoài, già trẻ lớn bé trong làng đều bịt kín khẩu trang, ngồi trong nhà cũng bịt khẩu trang.

Trước đó, báo cáo tình hình triển khai công tác phòng chống dịch của UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, do tình hình dịch bệnh trên địa bàn diễn biến phức tạp, tỉnh đang tập trung đẩy mạnh các hoạt động phòng chống theo phương châm không chủ quan, không bị động, không hoang mang. Đồng thời tiến hành thành lập bệnh viện dã chiến quy mô 300 giường; trưng dụng Trường Quân sự tỉnh làm khu giám sát tập trung các đối tượng tiếp xúc gần với người bệnh với sức chứa 500 người;… Tỉnh cũng yêu cầu tuyệt đối nghiêm cấm các hành vi phân biệt đối xử, kỳ thị  đối với người nước ngoài, người bị nhiễm bệnh, người thuộc đối tượng cách ly tại cơ sở y tế và cộng đồng;…

Bên cạnh đó, tỉnh cũng chỉ đạo thực hiện nghiêm các biện pháp cách ly y tế, sàng lọc, điều trị; tập huấn chuyên môn; kiểm soát chặt các khu vực có dịch, cử lực lượng canh gác, hạn chế đi lại của người dân, phương tiện giao thông,…; yêu cầu các cán bộ, công chức các cấp, các ngành nâng cao ý thức, tinh thần, thái độ, trách nhiệm trong công tác phòng chống dịch bệnh; xử lý nghiêm các trường hợp né tránh, thiếu tinh thần trách nhiệm hoặc cố tình vi phạm các quy định.

Tuyết Chinh - Khải Minh