Lai Châu: Đẩy mạnh xử lý rác thải y tế nguy hại
Môi trường - Ngày đăng : 19:21, 12/02/2020
Cán bộ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu xử lý rác thải y tế nguy hại bằng công nghệ hấp ướt kết hợp với nghiền cắt. |
Những năm gần đây, hệ thống mạng lưới y tế của tỉnh Lai Châu ngày càng được củng cố và hoàn thiện, cơ bản đáp ứng được nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Hệ thống cơ sở y tế có phát sinh chất thải y tế trên địa bàn tỉnh Lai Châu có: 3 bệnh viện tuyến tỉnh; 3 trung tâm chuyên khoa tuyến tỉnh; 9 trung tâm y tế tuyến huyện, 4 đơn nguyên điều trị nội trú, 105 trạm y tế tuyến xã và 48 cơ sở hành nghề y tư nhân.
Khối lượng chất thải y tế nguy hại phát sinh tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Lai Châu ước tính khoảng 395 kg/ngày, tương đương 144,175 tấn/năm. Lượng chất thải y tế nguy hại phát sinh chủ yếu từ các cơ sở khám chữa bệnh. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh Lai Châu chưa có cơ sở xử lý chất thải nguy hại tập trung có Giấy phép hành nghề quản lý chất thải nguy hại, trong đó có chức năng xử lý chất thải y tế nguy hại do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép. Các cơ sở y tế phát sinh lượng chất thải ít không ký được hợp đồng với các đơn vị xử lý chất thải nguy hại tập trung tại các cơ sở y tế.
Khu vực chứa rác thải y tế nguy hại tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu. |
Trao đổi với chúng tôi, Thầy thuốc ưu tú Nguyễn Văn Đối - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Lai Châu cho biết: Khối lượng chất thải y tế nguy hại phát sinh trên địa bàn tỉnh có xu hướng ngày càng tăng do các đơn vị khám chữa bệnh không ngừng phát triển, mở rộng dịch vụ kỹ thuật cao, kỹ thuật mới và nhu cầu khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe của nhân dân ngày càng cao. Chất thải y tế nguy hại phát sinh nếu không được xử lý hoặc xử lý không đúng quy trình kỹ thuật sẽ là nguồn gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cán bộ y tế và cộng đồng dân cư và môi trường xung quanh.
Hầu hết các Trung tâm Y tế trên địa bàn tỉnh được trang bị lò đốt chất thải y tế. |
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Lai Châu có 15 cơ sở y tế được trang bị lò đốt chất thải y tế nguy hại trong đó: Trên địa bàn thành phố Lai Châu có Bệnh viện Đa khoa tỉnh được trang bị lò đốt với công suất thiết kế 50 - 70kg/h và đầu tư thêm hệ thống hấp ướt công suất thiết kế 50-75kg/h; Bệnh viện Lao và Bệnh phổi, Bệnh viện y học cổ truyền, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đều được trang bị lò đốt với công suất thiết kế từ 5 - 25kg/h. Các Bệnh viện - Trung tâm Y tế tuyến huyện được đầu tư lò đốt với công suất 25kg/h để xử lý chất thải y tế nguy hại phát sinh tại cơ sở. Trung tâm Y tế huyện Than Uyên được trang bị thêm hệ thống hấp ướt với công suất 35kg/h.
Tuy nhiên, một số lò đốt tại các cơ sở y tế, nhất là trung tâm y tế các huyện đã bị xuống cấp, hiệu quả thấp dẫn đến nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Còn lại các trạm y tế, các cơ sở y tế tư nhân chưa được trang bị lò đốt, phải xử lý bằng lò đốt thủ công hoặc chôn lấp không đạt tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật.
Thầy thuốc ưu tú Nguyễn Văn Đối - Giám đốc Sở Y Tế tỉnh Lai Châu cho biết thêm: Thực hiện Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT ngày 30/6/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về quản lý chất thải nguy hại; Thông tư số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT ngày 31/12/2015 của liên Bộ: Y tế, Tài nguyên và Môi trường quy định về quản lý chất thải y tế, UBND tỉnh Lai Châu ban hành Kế hoạch 2520/KH-UBND về thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế nguy hại để triển khai trên địa bàn tỉnh.
Rác thải y tế nguy hại được phân loại từ nguồn tại Trung tâm Y tế huyện Mường Tè. |
Theo đó, chất thải rắn y tế nguy hại phải phân loại riêng chất thải rắn y tế nguy hại và chất thải rắn y tế thông thường ngay tại nơi phát sinh và tại thời điểm phát sinh. Tần suất thu gom chất thải lây nhiễm từ nơi phát sinh về khu lưu giữ chất thải trong khuôn viên cơ sở y tế ít nhất là 1 lần/ngày. Riêng đối với các cơ sở y tế có lượng chất thải lây nhiễm phát sinh dưới 5 kg/ngày, tần suất thu gom chất thải lây nhiễm sắc nhọn từ nơi phát sinh về khu lưu giữ tạm thời hoặc đưa đi xử lý, tiêu hủy tối thiểu là 1 lần/tháng.
Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu, với hơn 500 giường bệnh và lượng bệnh nhân điều trị hàng ngày từ 500 đến 600 lượt người, khối lượng chất thải y tế nguy hại phát sinh khoảng 75 – 90kg/ngày, tương đương khoảng 30 tấn/năm.
Ông Đỗ Xuân Trung, Phó trưởng khoa kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu cho biết: Để việc xử lý chất thải y tế nguy hại được hiệu quả, rác thải rắn y tế của bệnh viện đã được phân loại từ nơi phát sinh, phân loại theo mã màu các túi, thùng theo quy định. Rác thải được thu gom vào 14 giờ hàng ngày theo quy định của bệnh viện, sau đó được vận chuyển đến khu vực xử lý. Hiện tại, đơn vị đang áp dụng công nghệ hấp ướt kết hợp với nghiền cắt. Quá trình xử lý tiệt trùng, xử lý triệt để vi khuẩn, không phát tán các chất truyền nhiễm ra môi trường. Đặc biệt, công nghệ này rất thân thiện với môi trường vì hiệu quả xử lý khử khuẩn của thiết bị đạt cấp độ vô trùng, gần như toàn bộ các vi sinh vật và nha bào vi khuẩn đều bị tiêu diệt.
Theo Kế hoạch của UBND tỉnh Lai Châu, các cơ sở y tế không có hệ thống, thiết bị xử lý chất thải y tế nguy hại theo quy định sẽ được áp dụng mô hình xử lý chất thải y tế nguy hại theo cụm cơ sở y tế. Theo đó, toàn tỉnh Lai Châu đã xây dựng 2 cụm thu gom, xử lý chất thải y tế nguy hại tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu và Trung tâm Y tế huyện Than Uyên.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu sẽ thực hiện xử lý chất thải y tế nguy hại phát sinh tại đơn vị và xử lý chất thải y tế nguy hại cho các Bệnh viện và trung tâm y tế chuyên khoa tuyến tỉnh trên địa bàn thành phố, 2 Trung tâm y tế đa chức năng của huyện Phong Thổ và huyện Tam Đường, các Trạm Y tế xã, phường và các cơ sở hành nghề y tư nhân trên địa bàn thành phố Lai Châu. Còn Trung tâm Y tế huyện Than Uyên sẽ thực hiện xử lý chất thải y tế nguy hại phát sinh tại 2 Trung tâm Y tế đa chức năng của huyện Than Uyên và huyện Tân Uyên, các trạm y tế xã, các cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn huyện Tân Uyên và huyện Than Uyên.
Đối với các cơ sở y tế không thuộc danh mục các cơ sở y tế xử lý theo mô hình cụm và đã được đầu tư công trình xử lý chất thải y tế nguy hại đảm bảo theo quy định thì tự xử lý chất thải y tế nguy hại phát sinh từ hoạt động của đơn vị: Trung tâm Y tế đa chức năng huyện Sìn Hồ, Mường Tè, Nậm Nhùn và Bệnh viện Đa khoa Sìn Hồ (cơ sở 2). Trường hợp chất thải y tế nguy hại phát sinh vượt quá khả năng xử lý của cơ sở thì phải ký hợp đồng với cơ sở xử lý chất thải nguy hại có Giấy phép hành nghề quản lý chất thải nguy hại (trong đó có chức năng xử lý chất thải y tế nguy hại) được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép để xử lý.