Mô hình bảo vệ môi trường tại Điện Biên
Môi trường - Ngày đăng : 11:48, 11/02/2020
Trước thực trạng ô nhiễm môi trường từ chất thải rắn, chất thải sinh hoạt, chất thải từ các làng nghề chưa qua xử lý vẫn còn tồn tại, bên cạnh các giải pháp xử lý môi trường các cấp, các ngành và chính quyền địa phương cần nhân rộng những mô hình bảo vệ môi trường.
Đoàn viên thanh niên tỉnh Điện Biên khơi thông cống rãnh, vệ sinh môi trường tại vùng nông thôn |
Ở các vùng nông thôn không phải nơi nào việc thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt cũng được thực hiện tốt, vì ý thức của người dân chưa cao, vẫn còn tình trạng người dân vứt rác bừa bãi, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.
Là một xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2017, xã Thanh Xương, huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên) đã và đang thực hiện tốt mô hình bảo vệ môi trường tại địa phương. Hiện nay, xã Thanh Xương gồm có 22 thôn, bản. Ông Ngô Minh Cương Chủ tịch UBND xã Thanh Xương, cho biết: Trước đây việc thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt còn chưa được thực hiện tốt, vẫn còn tình trạng người dân vứt rác bừa bãi gây ô nhiễm môi trường. Trong những năm gần đây, nhờ công tác tuyên truyền vận động, thường xuyên kiểm tra, giao cho các tổ chức đoàn thanh niên, hội phụ nữ cùng xuống cơ sở thu gom rác theo các chương trình hành động. Đặc biệt là công tác bảo vệ môi trường của tổ tự quản vệ sinh môi trường thôn bản. Nên ý thức của người dân ngày càng được nâng lên, đường làng ngõ xóm sạch đẹp
Đoạn đường khu dân cư C9, xã Thanh Xương, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên rất sạch sẽ nhờ công tác giữ vệ sinh môi trường tại thôn bản. |
Từ năm 2016 đến nay, việc thu gom và vận chuyển rác thải đến địa điểm tập trung có đội tự quản vệ sinh môi trường, tại mỗi thôn, bản do trưởng ban công tác mặt trận các thôn bản làm tổ trưởng, mỗi tổ từ 5-7 người, thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở những hộ dân chưa đổ rác đúng nơi quy định. Hiện tại, xã Thanh Xương có 11 điểm thu gom rác tập trung tại những điểm thu gom rác thuận tiện như đội 4a, 4b, đội c17, đội c9… Từ đó, thuận tiện cho công nhân môi trường vận chuyển rác đến điểm xử lý rác Nhà máy xử lý rác Púng Min (huyện Điện Biên).
Ông Cương cho biết thêm: Người dân trong xã Thanh Xương chủ yếu là sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi, nên công tác bảo vệ môi trường là rất cần thiết, hiện nay tình trạng chăn thả rông gia xúc, gia cầm còn ít, các hộ đều xây chuồng trại chăn nuôi xa nơi ở, không nuôi nhốt trâu bò dưới gầm sàn và chất thải trong chăn nuôi được tận dụng để làm phân hữu cơ, người dân tại các thôn đã có ý thức phân rác tại nguồn bằng cách chôn lấp và đem đến các điểm thu gom.
Mô hình bảo vệ môi trường tại địa phương có ý nghĩa rất thiết thực, nhất là đối với địa bàn nông thôn góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân trong công tác bảo vệ môi trường, giữ đường làng ngõ xóm luôn sạch sẽ và thông thoáng. Chính vì vậy mà tiêu chí số 17 trong xây dựng NTM ở xã Thanh Xương hoàn thành cùng với tiêu chí khác, trong bộ tiêu chí xây dựng NTM do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề ra, là một trong những yếu tố quan trọng để nâng cao đời sống của người dân vùng cao Điện Biên.