Cầu an cửa Phật nét đẹp tâm linh đầu xuân mới
Văn hóa - Ngày đăng : 20:07, 09/02/2020
Chung một tấm lòng, triệu người như một
Sáng 8-2 (tức Rằm tháng giêng 15-1 Canh Tý), hàng ngàn người dân sinh sống ở thành phố Vũng Tàu đến các chùa đứng chân trên địa bàn để cầu an, viễn cảnh. Điều đáng mừng là đến chùa Xuân Canh Tý năm nay, phật tử không chỉ cụ già, phụ nữ mà cả nam thanh nữ tú, công nhân, viên chức. Ngoài người dân sinh sống ở thành phố biển dầu, còn có nhiều người đến từ TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai cũng về các ngôi chùa ở Bãi Trước, Bãi Sau Vũng Tàu để viễn cảnh, cầu an.
Bà con bá tánh đến chùa Giác Hạnh Tự cầu an sáng rằm tháng giêng xuân Canh Tý |
Sau tết nguyên đán bận rộn, ăn uống đề huề, nay bà con mới có dịp tĩnh tâm ngồi trước thiền môn. Dưới chân Đức Phật để giãi bày tấm lòng, ngẫm nghĩ nhìn lại một năm làm ăn vất vả, cầu an phước cho một năm mới mọi điều tốt lành. Và đây cũng là dịp để những người tha hương cầu thực đến ăn mày cửa phật. Những kẻ làm điều xấu, điều chưa tốt đến sám hối tội lỗi của mình để “cải tà qui chính”.
Nam thanh Đức Anh, cầu an tại chùa Quan âm Phật Đài |
Chùa Giác Hạnh Tự phường 12 TP Vũng Tàu mở cửa từ 5 giờ sáng. Sau tiếng chuông ngân nga báo hiệu một ngày mới bắt đầu phía hửng Đông, hàng trăm người dân, phật tử đến lễ chùa.
Có mặt từ chùa từ sớm, chị Nguyễn Thị Cầm ở 1484 phường 12 đường 30/4 chia sẻ: “Mẹ con tôi năm nào cũng đến chùa cầu an với tất cả cái tâm cái đức của phật tử. Ở đây tôi đã tìm thấy sự thanh thản trong tâm hồn, gạt bỏ bao chuyện ưu phiền trong cuộc sống qua một năm mưu sinh bận rộn. Mỗi lần cầu an là mỗi lần trút bỏ những vướng mắc bon chen đời thường để lòng mình thân thiện hơn, nhân hậu hơn, sống có ích hơn”, chị Cầm nói.
Thành kính an tịnh dưới chân đức Phật tổ ở chùa Hộ Pháp |
Thật sự xúc động khi nhìn thấy cụ Trần Văn Thất ở khu phố Phước An phường 12, tóc bạc phơ tay chống gậy trúc, được cháu nội dẫn cụ đến chùa. Cụ nói trong niềm xúc động: “Tui già rồi đi lễ chùa là đem lại cho mình nguồn vui. Cả gia đình tui từ con, cháu, dâu, rể năm nào cũng đến chùa như một nhu cầu tự nhiên. Lễ cầu an là một nét đẹp văn hoá truyền thống của người Việt, nó không chỉ có tính hướng thiện nhắc nhở mọi người lòng khoẻ, gia đình hoà thuận ấm êm, làm ăn xuôi chèo mát mái, trời đất mưa thuận gió hoà, tình người đoàn kết an bình, tiến bộ, tuyệt nhiên không có sự mê tín”…
Cầu xin mưa thuận gió hòa |
Cũng trong thời gian này, các chùa ở Bãi Trước, Bãi Sau, Bãi Dâu của "thành phố biển dầu" có hàng ngàn người đến viễn cảnh, cầu an. Chàng trai Đức Anh quê gốc Hải Dương vào Vũng Tàu lập nghiệp mưu sinh phân trần: “Năm nào em cũng đến chùa để an tịnh tinh thần. Muốn làm được việc gì tốt, trước hết tâm phải an. Dưới đức Phật, bao buồn phiền được hóa giải, gạt bỏ cho yên lòng”- Đức Anh nói. Và anh không quên chọn cho mình tấm thẻ cầu may. Dẫu tấm thẻ ấy chỉ mang tính ước lệ, tâm linh, song nó là điểm tự hướng thiện cho anh bước vào công việc kinh doanh săp tới, cầu cho thông hanh buôn bán thuận hòa.
Nhiều nam thanh nữ tú vãn cảnh chùa Thích Ca phật đài |
Đến từ TP Hồ Chí Minh, chị Nguyễn Hoài Thu Lan dắt hai con nhỏ đi lễ Chùa Hộ Pháp. Thắp nén hương trầm thơm nhẹ, chị Lan cúi đầu trước đức Phật từ bi. Chị không chỉ cầu chúc cho gia đình, bản thân sức khỏe, thuận hòa; mà còn cầu cho Quốc thái dân an. “Dân tộc yên bình, nhân dân với yên tâm mưu sinh, lao động, làm việc. Viếng chùa ngày rằm tháng Giêng, không chỉ nét đẹp văn hóa; mà còn là nét đẹp tâm linh, hướng thiện, nguyện cầu cho đất nước phồn vinh, dân tộc hòa bình, an dân quốc nước”- chị Lan, nói
Tấm lòng nhà Phật
Một trong những ngôi chùa uy tín và luôn “giang rộng cửa từ bi” đón phật tử thập phương đến thăm, viếng là Chùa Giác Hạnh Tự ở phường 12 Tp Vũng Tàu.
Một góc chùa Hộ pháp |
95 tuổi đời, 88 năm theo Đức Phật, thầy Giác Hạnh (Pháp danh Thượng tọa Thích Thiện Thọ) vẫn còn minh mẫn. Thầy bảo, ngày rằm tháng giêng là ngày hội của nhà chùa nên mở cửa sớm để bà con bá tánh đến viếng chùa, thắp hương lễ Phật. “Trách nhiệm của nhà chùa là nâng đỡ tinh thần, răn điều ác, dạy điều lành, an tịnh chúng sanh làm điều lành, tâm thiện hướng thiện; tuyệt nhiên không có mê tín dị đoan hoặc làm trái với luân thường đạo lý nhà Phật. Bất kể già hay trẻ, gái hay trai, kẻ lầm đường lạc lối đến người tri thức, nhân nghĩa, đã bước vào cửa Phật đều phải lấy thiện tâm làm cốt trọng. Không phải mâm cao cỗ đầy dâng lên để đức Phật chứng giám; mà lễ chùa bằng cái tâm, cái đức của con người. Đó là cốt yếu nhất của văn hóa lễ chùa”- Thầy Giác, nói
Xuân Canh Tý, Thượng tọa Thích Thiện Thọ tròn tuổi 95, nhưng còn rất minh mẫn. Mắt cụ tinh tường, đọc chữ nho, chữ việt không cần đeo kính. Thầy về trụ trì chùa Giác Hạnh Tự sau ngày giải phóng 30- 4- 1975, và đã 88 năm ăn chay niệm Phật. Với tấm lòng cứu độ chúng sinh, mỗi lần cầu an, cụ dường như khoẻ ra và minh mẫn hơn. “Nhà chùa luôn rộng cửa đón các phật tử, dang rộng vòng tay cứu vớt những cuộc đời lầm lỡ. Khuyên dậy chúng sinh làm việc thiện điều hay lẽ phải, trừ gian, bỏ ác, sống vui. Người trẻ kính trên, người già nhường dưới để cái đức, cái hậu cho thế hệ con cháu mai sau. Đó là cái nhân, cái quả, là tấm lòng nhà phật”. Thầy Thọ, nói.
Ngày thường, bà con đến chùa xem việc cất nhà, động thổ, cưới xin, khai trương hay nhờ việc ma, chay, hiếu, hỉ. Họ đến không phải để “xem bói” duy tâm, mà để được nhà chùa răn dậy, nâng đỡ khuyến khích tinh thần, chỉ đường đi hướng thiện cuộc đời.
Dưới chân đức Phật từ bi |
Đại đức Thích Thiện Giác- người kế tục trụ trì chùa cho biết : “Phật tử đến nhà chùa thường là khúc mắc chuyện gia đình bất hoà, làm ăn không thành, nhân duyên trắc trở… Do vậy trách nhiệm của nhà chùa là giảng giải để tâm hồn họ bình an hướng thiện, tránh làm điều ác, điều xấu. Đó là gieo “nhân” để đời sau gặt “quả”. Để khuyên dạy con người hướng thiện, trước hết nhà phật phải có tấm lòng từ bi vô độ tâm lương. Răn dậy nâng đỡ tinh thần một kẻ ác hoàn lương là cứu được một chúng sinh hoà nhập với cuộc sống cộng đồng. Giúp được người nghèo khó là tấm lòng từ bi hỉ xả. Đó là cốt cách, là luân thường đạo lý của nhà phật”.
Hơn 15 năm trụ trì Chùa Hộ Pháp, Đại đức Thích Thanh Nhã luôn tâm niệm một điều rằng, cứu hộ chúng sanh, tạo cho người dân niềm vui là bổn phận của nhà chùa. Những người đến chùa nhiều trình độ, hoàn cảnh khác nhau, trách nhiệm của nhà chùa là coi họ như người bạn đồng hành trong cuộc mưu sinh, giúp họ gỡ rối chuyện tâm linh, chuyện bất hòa. Khuyên dạy kẻ lầm đường quay đầu hướng thiện, người vị kỷ mở rộng từ bi, người tham lam nén lòng từ thiện. “Tất cả công việc của nhà chùa đều mang tính nhân văn, vì chuyện mưu sinh và đức độ; vì niềm an hòa của bà con bá tánh”, Thầy Nhã chia sẻ.
Ngày rằm tháng giêng Xuân Canh Tý, hàng vạn người đến chùa vãng cảnh thắp hương cầu khấn, là ngần ấy cung bậc cảm xúc, tâm trạng khác nhau. Song tất cả đều có một điểm chung là cầu an cho gia đình, cầu lộc cho bản thân, cầu quốc thái dân an cho dân tộc Việt.
Như bao người Việt khác lễ chùa đầu Xuân Canh Tý, quì dưới chân Đức Phật, lòng tôi chùng xuống, thánh thiện. Mọi cái ác, điều xấu biến tan. Tất cả chỉ còn lại sự kính cẩn, hướng thiện, thân ái, chính nghiã trong lòng. Đầu Xuân đi lễ cầu an đã trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt Nam trên mọi miền Tổ quốc.