Festival Huế 2020 sẽ mới như thế nào?

Văn hóa - Ngày đăng : 17:34, 07/02/2020

(TN&MT) - Năm nay, Festival Huế sẽ đánh dấu chặng đường 20 năm kể từ lần tổ chức đầu tiên. Kỳ lễ hội này hứa hẹn nhiều điều mới mẻ hơn và sẽ gắn với các hoạt động quảng bá tuyên truyền môi trường, tiếp tục trở thành “món ăn” tinh thần cho du khách khi đến với Cố đô.

Festival Huế năm nay sẽ có nhiều sự khác biệt

Nhiều điểm mới!

Những kỳ Festival Huế gần đây thường được tổ chức trong khoảng thời gian nghỉ lễ 30/4 và 1/5 hàng năm thì năm nay, Festival Huế lần thứ XI sẽ được tổ chức từ ngày 1 - 6/4/2020.

Theo Ban tổ chức, tổ chức Festival vào dịp 30/4 và 1/5 cũng có nhiều mặt lợi như nhiều tầng lớp được nghỉ lễ, thu hút được nhiều thành phần du khách tham gia. Tuy nhiên cũng hạn chế là làm cho du lịch Huế quá tải, các khách sạn “cháy phòng”, vào đúng thời điểm hai yếu tố thu hút khách (Festival Huế và dịp nghỉ lễ) vào cùng một thời điểm, khiến du lịch Huế không thể phục vụ nổi và quá tải. Do đó, năm nay Ban tổ chức quyết định dời thời gian để tăng hiệu quả trong tổ chức, kích cầu du lịch, tăng sự đóng góp doanh thu cho ngành du lịch, dịch vụ tốt hơn, dịp này cũng trùng với Giỗ tổ Hùng Vương.

Thời gian diễn ra Festival Huế 2020 từ 1 - 6/4

Bên cạnh chủ đề xuyên suốt “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển” của các kỳ Festival trước, tại Festival lần thứ XI, Ban tổ chức đưa ra thêm một sologan mới là “Huế luôn luôn mới”.

Nói về chủ đề mới này, ông Huỳnh Tiến Đạt - Giám đốc Trung tâm Festival Huế giải thích rằng, chủ đề được lấy ý tưởng từ lời kêu gọi cách đây gần 40 năm của ông Amadou Matar M’Bow  -  nguyên Tổng Giám đốc UNESCO khi ông cho rằng “Huế là một bài thơ về kiến trúc đô thị tuyệt tác, là thành phố của sự hài hòa trọn vẹn”. Slogan lúc bấy giờ đã trở thành một khẳng định giá trị của Huế và là tâm điểm thu hút sự ủng hộ Huế xây dựng và phát triển, phần nào khẳng định vùng đất của di sản, cổ kính nhưng không bao giờ cũ.

“Lựa chọn sologan này là một thách thức không nhỏ, bởi vì khi nói đến di sản, cố đô người ta nói đến những cái xưa cũ, buồn tẻ, nhưng đằng sau những sự trầm mặc của di tích, phong cảnh hữu tình của thiên nhiên, Huế còn lưu giữ trong mình những giá trị văn hóa mà chúng ta cần phải khai thác và Festival hướng đến là giới thiệu đến công chúng những nét mới trong những giá trị cũ, giá trị di sản. Chính vì lý do đó mà nội dung của Festival năm nay cố gắng khai thác tối đa những nội dung để làm bật lên giá trị di sản Huế”, ông Đạt cho hay.

Ông Đạt thông tin thêm, riêng với Lễ hội áo dài, sân khấu biểu diễn sẽ mang lại cảm hứng khác biệt, có sự kết hợp trên sông Hương, cầu Trường Tiền và tuyến phố đi bộ. Ngoài ra, du khách đến Huế trong thời gian diễn ra Festival chỉ cần mặc áo dài sẽ được tham quan miễn phí tất cả các điểm di tích, ưu tiên thưởng thức chương trình Âm nhạc Trịnh Công Sơn...

Hình ảnh tuyên truyền cho Festival lấy từ 4 linh vật

Khác với việc sử dụng một hình ảnh duy nhất trong công tác tuyên truyền, quảng bá của các kỳ Festival trước, Ban tổ chức Festival Huế 2020 quyết định lựa chọn 4 hình ảnh đồ họa được thiết kế cách điệu từ 4 linh vật trong mỹ thuật cung đình Huế là long, lân , quy, phụng để minh hoạ cho 4 cụm chủ đề: một Huế di sản (rồng), một Huế tâm linh (rùa), một Huế nên thơ và hiện đại (phượng) và một Festival Huế độc đáo (long mã). Những hình ảnh này nhằm chuyển tải đầy đủ những khía cạnh nổi bật trong văn hóa Huế, phục vụ quảng bá một cách sinh động, hiệu quả, phù hợp với phương pháp tiếp cận truyền thông đa chiều tại Festival.

Trong khi đó, chương trình nghệ thuật bế mạc sẽ khác với mọi năm khi không làm một chương trình riêng “đơn điệu” mà chọn “Văn hiến Kinh kỳ” hòa quyện cùng những tiết mục đặc sắc của các nghệ nhân, nghệ sĩ đến từ các quốc gia khác. Đặc biệt, tại Festival Huế lần này còn có “Đêm ASEAN” - một cuộc trình diễn văn hóa Đông Nam Á độc đáo qua những sắc màu trang phục dân tộc, thời trang và âm nhạc của các nước trong khối ASEAN.

Cơ hội quảng bá văn hóa, du lịch... Cố đô

Ông Nguyễn Dung - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Phó Trưởng ban Thường trực Ban tổ chức Festival Huế 2020 chia sẻ, Festival Huế lần này là cơ hội để quảng bá Huế - thành phố văn hóa, thành phố di sản, thành phố Festival, thành phố xanh, thành phố du lịch đặc trưng của Việt Nam; là dịp để giới thiệu với công chúng trong nước và bạn bè quốc tế về những tinh hoa văn hóa nghệ thuật truyền thống và cung đình Huế.

Theo ông Dung, Festival Huế 2020 sẽ được diễn ra sớm hơn gần 1 tháng so với các kỳ gần đây nên công tác chuẩn bị đang được gấp rút sau Tết. Các chương trình đã được lên “khung”; sân khấu, địa điểm tổ chức cũng được lựa chọn. Không gian Trung tâm Đại Nội là hạt nhân của các kỳ Festival Huế với hệ thống các sân khấu ngoài trời, quy tụ các chương trình nghệ thuật đặc sắc của những đoàn nghệ thuật trong nước và quốc tế, tạo không khí sôi động suốt thời gian diễn ra lễ hội.

Chương trình “Văn hiến kinh kỳ” sẽ là chủ đạo trong lễ bế mạc

Tính đến nay, Festival Huế lần thứ XI sẽ có sự góp mặt của hơn 20 đoàn nghệ thuật quốc tế đến từ các quốc gia: Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Philippines, Indonesia, Brunei, Campuchia, Lào, Malaysia, Myanmar, Thái Lan, Trung Quốc, Israel, Pháp, Nga, Bỉ, Đan Mạch, Áo, Hungary, Cộng hòa Séc, Mỹ, Mexico, Colombia, Cuba, Peru, Ecuador, Úc, Ai Cập..., cùng với đó là hàng nghìn nghệ sĩ, ca sĩ nổi tiếng trong nước.

Tại Festival, du khách cũng sẽ có cơ hội thưởng thức hàng trăm món ăn, thức uống, thuộc 3 dòng ẩm thực chính: dân gian, cung đình, chay và nhiều đặc sản ẩm thực nổi tiếng của Huế, các món ngon đã làm nên “văn hóa ẩm thực” cho mảnh đất Cố đô trong khuôn khổ Lễ hội “Huế - Kinh đô ẩm thực”.

Trong khuôn khổ Festival, lần đầu tiên có Đại hội Phượt quốc tế, được tổ chức như hình thức của “Cuộc đua kỳ thú”. Hàng chục vận động viên là người nổi tiếng tham gia để tìm hiểu, khám phá thiên nhiên ở Bạch Mã, Tam Giang, văn hóa, di sản và làng nghề Huế, như là hình thức để quảng bá và tôn vinh văn hóa truyền thống của Huế.

Các kỳ Festival trước đây và Festival năm nay luôn là cơ hội để Huế thúc đẩy và phát huy hơn nữa tiềm năng về du lịch của địa phương. Nhằm tăng cường sự đa dạng dịch vụ, sản phẩm, ngành du lịch Huế đã có kế hoạch xây dựng các tour, tuyến du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái khám phá vẻ đẹp độc đáo của vùng đất, từ Lăng Cô - Vịnh đẹp Thế giới, đến vùng cao A Lưới, Nam Đông và hệ thống đầm phá Tam Giang - Cầu Hai.

“Festival Huế chính là hoạt động kích cầu lớn nhất của Huế trong năm 2020. Nhu cầu của du khách đã có sự thay đổi, trước đây chỉ dừng lại ở mức tham quan, thưởng thức lễ hội, nay còn muốn hòa mình vào lễ hội, cùng trải nghiệm các hoạt động. Do đó, Festival Huế 2020 sẽ được tăng cường những chương trình lễ hội có tính tương tác cao. Nhờ vào Festival Huế mà hoạt động du lịch khởi sắc, khai thác có hiệu quả...”, ông Dung nói.

Có hơn 20 đoàn nghệ thuật quốc tế sẽ tham gia Festival Huế lần thứ XI

Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế cũng yêu cầu Festival Huế lần thứ XI cần phải chuyên nghiệp, giá trị nghệ thuật và cộng đồng, đặc biệt phải là một “Festival xanh, nói không với sản phẩm nhựa sử dụng một lần” như tinh thần bảo vệ môi trường mà Huế đang tích cực triển khai, mang lại hiệu quả, hiệu ứng cao với các phong trào “Ngày Chủ nhật xanh”, “Chống rác thải nhựa”... Vì thế kỳ Festival này, vấn đề quảng bá tuyên truyền môi trường được ưu tiên hàng đầu.

Ông Nguyễn Dung khẳng định, Bộ Chính trị vừa Ban hành Nghị quyết số 54-NQ/TW về xây dựng Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đến năm 2025 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa. Tương lai phát triển đang được đặt ra trước mắt và Festival Huế 2020 như là sự khởi động đầu tiên cho nhiệm vụ mới.

“Theo Nghị quyết, đến năm 2045, Huế phải trở thành đô thị, thành phố Festival của châu Á. Vì vậy, Festival Huế phải phát huy được thương hiệu, đảm bảo chất lượng, cái riêng để từng bước khẳng định được một lễ hội tầm cỡ châu Á trên bản đồ festival của thế giới. Mỗi kỳ Festival tổ chức là một điểm nhấn, một nguồn vốn được tích lũy để đạt mục tiêu đã được xác định”, ông Dung cho biết.

Văn Dinh