Dự báo tình hình thiếu nước, khô hạn xảy ra tại nhiều nơi trong mùa khô năm 2020

Tài nguyên nước - Ngày đăng : 11:10, 07/02/2020

(TN&MT) - Sáng 7/2, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành chủ trì cuộc họp với các đơn vị trực thuộc Bộ trong lĩnh vực tài nguyên nước để nghe báo cáo về hiện trạng tài nguyên nước trên toàn quốc và dự báo trong thời gian 6 tháng tới.

Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp

Báo cáo nhận định diễn biến nguồn nước từ tháng 2-7/2020, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV Hoàng Đức Cường cho biết: Từ tháng 2-7/2020, khu vực Bắc Bộ tiếp tục thiếu hụt so với trung bình nhiều năm (TBNN), thiếu hụt nhiều vào các tháng 2-4/2020, đặc biệt trên lưu vực sông Đà (đến các hồ chứa Lai Châu, Sơn La và Hòa Bình) và trên lưu vực sông Thao, cụ thể như: Lưu vực sông Đà thiếu hụt từ 20-50%; Lưu vực sông Thao thiếu hụt từ 40-70%; Lưu vực sông Lô-Gâm-Chảy thiếu hụt từ 10-20%, riêng hạ lưu sông Lô thiếu hụt từ 60-90%; Hạ lưu vực sông Hồng thiếu hụt từ 20-30%. Mực nước thấp nhất tại trạm Hà Nội trên sông Hồng có khả năng ở mức 0,2-0,3m, xuất hiện vào cuối tháng 2 hoặc tháng 3/2020.

Tại khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên, lượng dòng chảy trên các sông ở Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên phổ biến ở mức thiếu hụt so với TBNN cùng kỳ từ 25-80%, một số sông thiếu hụt trên 90%. Từ tháng 3-5/2020, tình trạng khô hạn thiếu nước cục bộ ngoài vùng cấp nước của công trình thủy lợi khả năng xảy ra tại các tỉnh Thanh Hóa, Ninh Thuận, Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên. Từ tháng 6-8/2020, tình trạng khô hạn thiếu nước, xâm nhập mặn có khả năng lan rộng tại các tỉnh ven biển Trung Bộ tương đương mùa khô năm 2019 tại các tỉnh từ Quảng Trị đến Khánh Hòa.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV Hoàng Đức Cường báo cáo

Tại khu vực Nam Bộ, Tổng cục KTTV nhận định dòng chảy trên sông Mê Công về Đồng bằng sông Cửu Long trong tháng 2,3/2020 ở mức thiếu hụt so với TBNN và năm 2016 khoảng 5-20%, mực nước tại Biển Hồ (Campuchia) ở mức thấp, khả năng bổ sung nước cho ĐBSCL không nhiều. Từ khoảng giữa tháng 3/2020, lưu lượng dòng chảy về trạm Kratie (Campuchia) có xu thế gia tăng do các hồ xả nước theo quy định luật nhiều năm gần đây.

Theo ông Hoàng Đức Cường, tình trạng xâm nhập mặn ở ĐBSCL ở mức độ sâu hơn, gay gắt hơn so với TBNN. Trong một số thời điểm, xâm nhập mặn ở ĐBSCL có thể ở mức tương đương hoặc cao hơn cùng kỳ năm 2016 (trong thời kỳ triều cường kết hợp với gió chướng mạnh). Thời gian xâm nhập mặn cao nhất trên sông Cửu Long tập trung trong tháng 2/2020 (trong thời kỳ từ ngày 8-15/2 và 20-27/2); các sông Vàm Cỏ, sông Cái Lớn vào tháng 3 và 4/2020 (từ ngày 6-15/3), sau đó xâm nhập mặn có xu thế giảm dần.

Báo cáo tại cuộc họp, ông Châu Trần Vĩnh – Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước cho biết: Tính đến đầu tháng 2/2020, có 4/11 lưu vực về tổng thể còn thiếu nhiều nước gồm: Mã, Hương, Vu Gia – Thu Bồn và sông Ba. Tuy nhiên, do từ đầu mùa cạn đến nay, nhiều hồ chứa cũng đã hạn chế việc xả nước hoặc dừng phát điện để có thể tích thêm nước để nâng cao khả năng đủ nước để điều tiết cấp nước cho thời gian còn lại của mùa cạn (5-7 tháng). Vì vậy, mặc dù thiếu hụt nhưng về tổng thể chưa nghiêm trọng.

Ông Châu Trần Vĩnh – Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước báo cáo tại cuộc họp

Ông Châu Trần Vĩnh cho biết thêm: Vào đầu mùa cạn trên các lưu vực sông, rất nhiều hồ chứa không đạt mực nước tối thiểu vào đầu mùa cạn và nhiều hồ thiếu hụt dung tích khá lớn. Tuy nhiên trong khoảng từ đầu tháng 12 đến nay, Cục Quản lý tài nguyên nước cũng đã chủ động phối hợp với các địa phương, các chủ hồ để đôn đốc, bàn bạc phương án vận hành, có địa phương cũng đã chủ động đề xuất điều chỉnh giảm lưu lượng xả trong các tháng mùa cạn hoặc cắt giảm diện tích sản xuất nông nghiệp trong điều kiện thiếu hụt nguồn nước.

Vì vậy, mặc dù lưu lượng đến các hồ chứa là rất nhỏ, nhưng hiện nay, mực nước các hồ chứa vẫn duy trì được mực nước hoặc nâng dần mực nước tùy từng hồ để có thể có đủ nguồn nước cân đối cho mùa cạn.

Phó Viện trưởng Viện Khoa học KTTV&BĐKH - PGS. TS. Huỳnh Thị Lan Hương cho biết: Theo nhận định mùa, tổng lượng mưa mùa 2-4 năm 2020 có khả năng phổ biến từ thấp hơn đến xấp xỉ TBNN trên phần lớn diện tích cả nước. Trong đó, khả năng thiếu hụt mưa đáng kể nhất xảy ra ở Tây Nguyên và Nam Bộ.

Nếu lượng mưa thấp hơn TBNN, tổng lượng nước sẽ thiếu hụt. Cụ thể, ở miền Bắc, dự báo nguồn nước trong 6 tháng tới có khả năng thấp hơn TBNN từ 20-40% dẫn đến nguy cơ mùa khô năm 2020 tình hình thiếu nước, khô hạn có khả năng xảy ra tại nhiều nơi.

Tại miền Trung, lượng dòng trên các sông giảm dần và phổ biến ở mức thiếu hụt so với TBNN cùng kỳ từ 10-40%.

Tại miền Nam, từ tháng 2-3/2020, dự báo tổng lượng dòng chảy trên các trạm thượng nguồn sông Mê Công về khu vực ĐBSCL thiếu hụt so với TBNN. Viện Khoa học KTTV&BĐKH nhận định mùa khô 2020, khả năng xâm nhập mặn sẽ sâu hơn mùa khô năm 2018-2019 và TBNN với mùa khô năm 2015-2016.

PGS. TS. Huỳnh Thị Lan Hương kiến nghị: Cuối năm 2019 và đầu năm 2020, lượng mưa tại hầu hết các vùng đều thiếu hụt, khả năng xảy ra hạn diện rộng hoàn toàn có khả năng xảy ra, đặc biệt là các tỉnh miền Trung và vùng ĐBSCL. Vì vậy các tỉnh cần tiếp tục chủ động ứng phó với tình hình hạn hán và xâm nhập mặn diễn ra trong thời gian tới, cần có đánh giá chi tiết hiện trạng các nguồn nước của các tỉnh để đưa ra giải pháp phù hợp.

Ông Tống Ngọc Thanh – Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia phát biểu

Tại cuộc họp, ông Tống Ngọc Thanh – Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia cho biết: Tổng tài nguyên dự báo nước dưới đất của cả nước khoảng 91 tỷ m3/năm (250,7 triệu m3/ngày), trong đó nước nhạt khoảng 69 tỷ m3/năm (189,3 triệu m3/ngày). Trữ lượng nước nhạt đã được cấp phép khai thác là 3,6 tỷ m3/năm (9,9 triệu m3/ngày), còn có thể khai thác là 22,3 tỷ m3/năm (61,2 triệu m3/ngày). 

Tại khu vực khô hạn Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, tổng tài nguyên nước dưới đất dự báo hơn 38 triệu m3/ngày, trong đó trữ lượng còn có thể khai thác khoảng hơn 13 triệu m3/ngày. Trữ lượng nước dưới đất đang được cấp phép khai thác hơn 2 triệu m3/ngày, tương ứng gần 16% trữ lượng còn có thể khai thác.

Theo ông Tống Ngọc Thanh, trước những biến động về tài nguyên nước và các hệ lụy do khan hiếm, thiếu nước, suy thoái nguồn nước gây ra trong những năm gần đây, một số giải pháp cấp bách nhằm ứng phó với thực trạng trên đã được Chính phủ ban hành (Thông báo số 16/TB-VPCP ngày 14/01/2020 và Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 22/01/2020) và Bộ TN&MT triển khai thực hiện trên các mặt.

Cụ thể, đối với các vùng kinh tế trọng điểm, các khu vực đô thị lớn, tập trung dân cư đã tiến hành các nhiệm vụ điều tra, đánh giá hiện trạng tài nguyên nước, lập nhiệm vụ quy hoạch tài nguyên nước và bảo vệ các nguồn nước dưới đất.

Đối với các khu vực núi cao, khan hiếm, các khu vực xâm nhập mặn, khó khăn về nguồn nước ngọt đã được tiến hành rà soát, đánh giá mức độ, nhu cầu và khả năng tìm kiếm nguồn nước để đáp ứng.

Quang cảnh cuộc họp

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành đề nghị Cục Quản lý tài nguyên nước nắm thêm tình hình về nguồn nước của sông Mã và sớm báo cáo Thứ trưởng.

“Vùng nào có khả năng thiếu nước sinh hoạt, nếu chúng ta có thể nhận định trước 1-2 tháng thì phải cảnh báo sớm cho địa phương để họ có phương án ứng phó” – Thứ trưởng yêu cầu.

Theo Thứ trưởng Lê Công Thành, Cục Quản lý tài nguyên nước phải nắm tình hình hoạt động tại các nhà máy cấp nước sạch và triển khai nhanh chóng công việc này. Ngoài ra, sớm có văn bản gửi cho Ủy ban nhân dân tỉnh Đà Nẵng, khuyến cáo về công tác cấp nước sạch tại tỉnh này.

Thứ trưởng cũng đề nghị Văn phòng Thường trực Ủy ban sông Mê Công Việt Nam nghiên cứu tình hình sâu hơn tại sông Sê San - Sêrêpôk, về trung hạn nghiên cứu đề xuất phương án đàm phán với Campuchia.

Thứ trưởng yêu cầu Tổng cục KTTV tiếp tục phát hiện các vấn đề, thu thập thông tin để mang tính phục vụ sâu hơn, đảm bảo cả tính kỹ thuật và tính thực tiễn.

“Tổng cục KTTV với chức năng Văn phòng Thường trực của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và ứng phó sự cố, thông qua hệ thống của mình và các Sở nắm tình hình ảnh hưởng thiếu nước do xâm nhập mặn tại các địa phương ĐBSCL một cách chi tiết hơn” – Thứ trưởng Lê Công Thành chỉ đạo.

Thúy Hằng - Mai Đan