Thức tỉnh trong đại dịch

Môi trường - Ngày đăng : 11:03, 06/02/2020

(TN&MT) - Thực phẩm từ thú rừng cùng với sự xâm lấn của con người vào môi trường hoang dã đang đưa chúng ta tiếp xúc gần hơn với các loại virus trong động vật.

Và hôm nay, sự lây lan nhanh chóng của virus Corona khiến chúng ta nhớ đến đại dịch SARS 17 năm trước. Khi SARS bùng nổ, nó gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về việc tiêu thụ động vật hoang dã, giết thịt thú rừng.

Từ nhận thức lệch lạc…

Nếu xét trên phương diện thực phẩm sạch và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, liệu thịt động vật hoang dã từ rừng có thực sự ngon, bổ và tốt cho sức khỏe như nhiều người từng nghĩ?

Tiêu thụ trái phép động vật hoang dã đã trở thành một mối lo lớn của thế giới đối với bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững. Nhu cầu sử dụng động vật hoang dã làm thực phẩm, thuốc chữa bệnh, đồ trang sức, thời trang, mỹ nghệ, trưng bày, trang trí, quà biếu, tặng dường như không giảm mà có xu hướng gia tăng.

70% bệnh truyền nhiễm từ động vật lây sang con người hiện nay đều có nguồn gốc từ động vật hoang dã

Đáng ngại nhất là nhiều người có suy nghĩ lệch lạc, ăn thịt thú rừng hoặc sử dụng các sản phẩm từ thú rừng càng quý, độc và “dị” được coi là một sự sành điệu, là cách để chứng tỏ “đại gia” nhiều tiền. Những điều này minh chứng cho tình trạng giết hại và sử dụng sản phẩm từ động vật hoang dã đang diễn ra tràn lan, đồng thời, cũng cho thấy nhận thức của một bộ phận dân cư còn thờ ơ trước số phận của những loài động vật đang đứng trên bờ vực tuyệt chủng.

Theo Liên Hợp Quốc, hoạt động buôn bán các sản phẩm hoang giã là loại tội phạm sinh lời nhiều thứ tư trên thế giới, sau nạn buôn bán ma túy, người và vũ khí. Ước tính hàng năm, thế giới thất thoát 48 - 153 tỷ USD do nạn buôn bán các sản phẩm hoang dã, gần tương đương với mức viện trợ phát triển chính thức trên toàn cầu hàng năm (135 tỷ USD).

Ở nhiều nơi thuộc châu Phi, nhu cầu chính về động vật hoang dã bất hợp pháp xuất phát từ việc tiêu thụ thịt rừng. Động vật hoang dã được ưa thích như là một nguồn protein và những loài linh trưởng, nhất là khỉ được coi là một món ăn ngon. Người ta tin rằng, có tới 40.000 con khỉ bị giết và cuối cùng tiêu thụ mỗi năm ở châu Phi thông qua việc buôn lậu. Nhiều loài linh trưởng bị giết bởi những thợ săn rừng địa phương, những người cung cấp cho các thị trường chợ đen trên khắp châu Phi, châu Âu và Hoa Kỳ.

Hệ quả tất yếu là không chỉ hủy diệt quần thể loài động vật trong tự nhiên, phá hủy hệ sinh thái, làm tổn hại đến đa dạng sinh học, môi trường, mà còn làm thế giới mất đi một phần di sản văn hóa, các điểm du lịch sinh thái quan trọng và suy giảm các nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá kèm theo các hệ lụy về mặt xã hội như gia tăng các vi phạm pháp luật, ảnh hưởng tới tập quán tiêu dùng thực phẩm, môi trường sinh thái, tài nguyên sinh vật…

…đến những đại dịch chết người

Thực tế virus là một phần không thể thiếu của môi trường tự nhiên. Không phải tất cả chúng đều là thứ khủng khiếp, kinh dị. Nhưng dựa trên các hồ sơ theo dõi gần đây, các loại virus lây từ động vật sang người đều là những ca rất nghiêm trọng. Cụ thể như SARS, Ebola có nguồn gốc từ dơi. Trong khi HIV có nguồn gốc từ linh trưởng châu Phi.

Nhiều nghiên cứu trên thế giới đã cảnh báo, khoảng 70% bệnh truyền nhiễm từ động vật lây sang con người hiện nay đều có nguồn gốc từ động vật hoang dã, và điều này đã được thấy quá rõ ràng qua các đại dịch xảy ra khắp nơi như HIV, Ebola, and H5N1, SARS, virus đậu mùa, bệnh dại từ dơi xuất hiện ở vùng Amazon, Virus Marburg ở châu Âu.

Dịch SARS do một chủng virus Corona chưa từng phát hiện trước đó ở người gây ra. Năm 2003, các chuyên gia y tế trên toàn thế giới đã cùng hợp tác, ngăn chặn thành công dịch bệnh này. Trong 6 tháng hoành hành, dịch SARS làm 774 bệnh nhân thiệt mạng, gây thiệt hại khoảng 40 tỷ USD trên toàn thế giới.

Không phải 100% các loại thịt hoang dã được tiêu thụ đều nguy hiểm. Bởi hầu hết virus đều chết sau khi vật chủ bị giết. Nhưng mầm bệnh có thể nhảy sang người trong quá trình bắt, vận chuyển, giết mổ. Đặc biệt, mầm bệnh càng có khả năng lây lan nếu vệ sinh kém hoặc không sử dụng thiết bị bảo vệ.

Thế giới đã từng chứng kiến những đại dịch gây hoang mang như Cái Chết Đen - đã giết chết 1/3 dân số châu Âu trong thế kỷ 14 do vi khuẩn Yersinia pestis gây ra; đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918; Ebola và cúm gà…

Không giống như bệnh đậu mùa và bệnh bại liệt đã bị loại bỏ và gần như có thể phòng tránh, các bệnh từ động vật không thể bị xóa sổ hoàn toàn trừ khi chúng ta tiêu diệt được hết tất cả các loài là nguồn sản sinh ra các mầm bệnh này. Cụ thể, “Cái chết đen”, cúm Tây Ban Nha và HIV - ba đại dịch được cho là lớn nhất tính đến thời điểm hiện nay, đều là các bệnh xuất phát từ động vật.

Chưa dừng ở đó, vào năm 2015, Tổ chức Y tế Thế giới - WHO đã công bố một danh sách các bệnh mới có khả năng gây ra dịch bệnh nghiêm trọng trong tương lai gần. Cụ thể, tất cả các bệnh trong danh sách đều là bệnh truyền nhiễm có thể truyền từ động vật sang người do virus RNA gây ra. Điều này cho thấy động vật, mà chủ yếu là những loài hoang dã, chính là nơi mầm bệnh ẩn náu.

Tính đến 9h30 sáng 5/2 (theo giờ Việt Nam), có tổng cộng 24.536 ca nhiễm virus Corona trên thế giới, 492 trường hợp tử vong và 911 ca khỏi bệnh. Trong số 492 người tử vong, có 490 người ở Trung Quốc đại lục, 1 người ở Philippines và 1 người ở Hong Kong.

Có thể nói, trải qua hàng thiên niên kỷ gắn bó với các động vật hoang dã, cuối cùng chúng ta cũng bắt đầu hiểu được các kết nối vi sinh vật vô hình giữa con người và động vật. Chúng ta có thể không dự đoán được khi nào và đại dịch tiếp theo sẽ là gì, nhưng có một điều chúng ta biết rõ đó là mỗi người cần sẵn sàng dừng lại việc tiêu thụ thịt động vật hoang dã để tránh làm bùng nổ nguy cơ gây đại dịch trên toàn cầu.          

   Phương Anh