Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ: Học sinh nghỉ học nhưng vẫn đảm bảo chất lượng chương trình học

Thời sự - Ngày đăng : 20:18, 05/02/2020

(TN&MT) - Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Hữu Độ tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ vào ngày 5/2/2020.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng chủ trì buổi họp báo

Buổi họp báo diễn ra dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng. Dự họp báo có đại diện lãnh đạo các bộ, ngành liên quan cùng đông đảo phóng viên các cơ quan báo chí. 

Kỳ thi THPT quốc gia có thể diễn ra chậm hơn nhưng vẫn đảm bảo chất lượng

Phát biểu tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết: Mục tiêu xuyên suốt của Bộ GD&ĐT là sức khỏe của người học là trên hết. Trong trường hợp này, Bộ đã thực hiện triển khai đầy đủ chỉ đạo của Thủ tướng và các bộ, ngành trong công tác phòng chống dịch. Theo Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm việc cho học sinh nghỉ học hay đi học. Quan điểm của Bộ GD&ĐT là việc cho học sinh nghỉ học hay đi học của học sinh xuất phát từ tình hình dịch, đề xuất của sở giáo dục đào tạo và sở y tế và đề xuất của Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định cho nghỉ học để đảm bảo sức khỏe cho người học.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết thêm: Trong thời gian vừa qua, 63/63 tỉnh, thành phố cho học sinh nghỉ học 1 tuần. Quyết định này vừa giúp cách ly tạm thời vừa góp phần tác động đến nhận thức của giáo viên toàn bộ ngành giáo dục về dịch bệnh đúng đắn hơn, từ đó có dự phòng cũng như chuẩn bị cho công tác đối phó với dịch bệnh do virus corona gây ra.

Ngoài ra, việc các trường cho học sinh nghỉ học giúp các trường có điều kiện vệ sinh môi trường sạch sẽ, khử trùng toàn bộ trường lớp cũng như tăng cường các trang thiết bị cho trường học để sẵn sàng đón học sinh trở lại trường.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại họp báo

Bên cạnh đó, quyết định cho học sinh nghỉ học cũng giúp các trường học xây dựng kịch bản, các phương án phòng chống trực tiếp tại trường, chẳng hạn như nếu trong trường hợp có dịch thì yêu cầu rửa tay trước khi vào lớp, đeo khẩu trang trước khi đến trường.

Về kế hoạch nghỉ học, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết: Trong kế hoạch năm học Bộ GD&ĐT cũng đã dự kiến có 1 tuần lễ trong 1 học kỳ có thể cho học sinh nghỉ học trong trường hợp cần thiết. Học sinh có thể học bù vào buổi sáng nếu học sinh học buổi chiều, học bù vào buổi chiểu nếu học sinh học buổi sáng hoặc học vào thứ 7, chủ nhật.

Trong trường hợp phải nghỉ học kéo dài, Bộ có thể điều chỉnh khung thời gian năm học, cụ thể là thời gian quy định kết thúc năm học là 31/5 thì có thể kết thúc năm học muộn hơn và có thể điều chỉnh thời gian tổ chức thi THPT Quốc gia, thường là cuối tháng 6. Tinh thần học sinh nghỉ học nhưng vẫn đảm bảo chương trình giáo dục đào tạo, đảm bảo chất lượng và đặc biệt là đảm bảo an toàn sức khoẻ cho học sinh.

Chấp nhận thiệt thòi một phần lợi ích kinh tế để bảo vệ sức khỏe nhân dân

Tại họp báo, vấn đề được đại diện các bộ, ban, ngành cũng như phóng viên các cơ quan báo chí đặc biệt quan tâm là tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ đầu tiên trong năm 2020, Chính phủ dành nhiều thời gian thảo luận về phòng chống dịch nCoV; công tác triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội khác trong thời gian tới, kể cả đánh giá tác động của dịch nCoV gây ra đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam; công tác xây dựng thể chế…

Ông Mai Tiến Dũng cho biết: Về công tác phòng chống dịch nCoV, các thành viên Chính phủ đánh giá các bộ, ngành, địa phương trong thời gian ngắn đã chủ động, tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để ngăn chặn dịch nCoV. Đây là lần đầu tiên chưa có trong tiền lệ đối với việc công bố dịch ở Việt Nam. Nhiều biện pháp chúng ta đang áp dụng hiện nay mạnh hơn dịch SARS năm 2003, thậm chí cao hơn so với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến nghị. Tinh thần là chúng ta chấp nhận thiệt thòi một phần lợi ích kinh tế để bảo vệ sức khỏe, tính mạng và cuộc sống bình yên của nhân dân.

“Có thể nói, chúng ta đã thực hiện quyết liệt và tốt công tác phòng chống dịch bệnh, các giải pháp là chủ động, toàn diện, mạnh mẽ. Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ đã liên tiếp có các văn bản chỉ đạo việc phòng chống dịch. Các giải pháp của Việt Nam được WHO, UNICEF đánh giá cao, nhờ đó hạn chế tối đa việc lây lan dịch trong bối cảnh nước ta có đường biên giới dài, giao thương lớn với Trung Quốc. Có 10 trường hợp dương tính với nCoV tại nước ta và có 3 người được chữa khỏi trong đó có công dân Trung Quốc, chưa có người nào tử vong” - Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, về nhiệm vụ thời gian tới, Chính phủ xác định: Việc chống dịch nCoV là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu hiện nay nhưng chúng ta tuyệt đối không được lơ là việc thực hiện các nhiệm vụ đã đề ra; phải chủ động để giữ được nhịp độ phát triển. Đồng thời, sau khi kiểm soát, dập dịch thành công phải tập trung để khôi phục sản xuất, bảo đảm cung cầu, giá cả hàng hóa, đời sống nhân dân và thực hiện linh hoạt các chính sách, giải pháp để kích thích sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng.

Xử lý quyết liệt các đối tượng tung tin sai lệch về tình hình dịch bệnh do nCoV

Về việc xử phạt các trường hợp đăng tải thông tin sai lệch về dịch bệnh do nCoV, Cục trưởng Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT&TT) Nguyễn Thanh Lâm cho biết: Đến ngày hôm nay, Bộ TT&TT và các đơn vị được giao phối hợp với Bộ Công an để cùng phát hiện, có trách nhiệm xử lý hành chính. Thông tin chúng tôi nắm được từ các Sở TT&TT và Công an các tỉnh cho thấy, đến nay việc xử lý các đối tượng tung tin sai lệch là rất quyết liệt.

Cụ thể, tại TP. Hà Nội, Công an huyện Thạch Thất đã triệu tập một cá nhân để xử phạt. Tại TP.HCM, đang tiến hành xử lý 17 trường hợp tung tin sai sự thật về viêm đường hô hấp cấp. Theo thông tin chúng tôi nắm được, TP.HCM sẽ quyết tâm xử lý các trường hợp.

Cục trưởng Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT&TT) Nguyễn Thanh Lâm phát biểu

Thanh Hoá cũng xử lý 3 đối tượng, Đà Nẵng xử lý 2 đối tượng. Quảng Ninh xử lý một trường hợp với mức phạt 7,5 triệu đồng. Cần Thơ cũng xử lý một cá nhân. Thái Nguyên đang xử lý 2 đối tượng.

Những biện pháp của cơ quan chức năng không phải chỉ là tìm đối tượng tung thông tin giả xong xử lý, mà đối với các cá nhân tung thông tin giả ở nước ngoài và những trang tin tung thông tin giả phải gỡ những thông tin như vậy.

Quang cảnh buổi họp báo

Tuy nhiên, các mạng xã hội như Facebook hiện nay đã đăng tải những thông tin chính thống, như thông tin từ Bộ Y tế. Google cũng đã xác nhận sẽ đẩy những thông tin chính thống về dịch cúm tại Việt Nam. Facebook cũng đã hỗ trợ gỡ tất cả những thông tin giả mạo về dịch cúm.

“Qua đó, có thể thấy rằng, mạng xã hội cung cấp thông tin chính thống, như Chính phủ chúng ta đang làm qua Cổng TTĐT Chính phủ. Trong thời kỳ dịch bệnh này rất cần những thông tin chính thống, hạn chế tin giả bằng nhiều cách khác nhau” – ông Nguyễn Thanh Lâm nhấn mạnh.

Mai Đan