Xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long sẽ ở mức độ sâu hơn, gay gắt hơn

Tài nguyên nước - Ngày đăng : 18:11, 05/02/2020

(TN&MT) - Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, từ đầu tháng 2 đến nay, tại thượng nguồn sông Mê Công, mực nước trên dòng chính sông biến đổi chậm.

(Nguồn ảnh: Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia)

Hiện tại, mực nước tại các trạm thượng nguồn ở mức xấp xỉ và thấp hơn trung bình nhiều năm (TBNN) và cùng kỳ năm 2016 từ 0,1-0,7m.

Mực nước trên sông Sài Gòn dao động theo triều, mực nước cao nhất tuần tại trạm Nhà Bè 1,14m (ngày 02/02). Cụ thể: Mực nước trên sông Vàm Cỏ dao động theo triều, mực nước cao nhất tuần tại trạm Tân An 1,10m (ngày 01/02). Mực nước trên sông Tiền và sông Hậu đang xuống theo triều. Mực nước cao nhất tuần tại Tân Châu là 1,15m (ngày 02/02), tại Châu Đốc 1,27m (ngày 01/02) tương đương TBNN và cùng kỳ năm 2016.

Dự báo từ 6-10/2, tại thượng nguồn sông Mê Công, mực nước thượng lưu sông Mê Công biến đổi chậm và ở mức thấp hơn TBNN và cùng kỳ năm 2016 từ 0,2-0,7m.

Tại đầu nguồn sông Cửu Long, mực nước trên sông Sài Gòn dao động theo triều, mực nước cao nhất tại trạm Nhà Bè ở mức 1,35m.

Mực nước trên sông Vàm Cỏ dao động theo triều, mực nước cao nhất tuần tại trạm Tân An ở mức 1,2m. Mực nước trên sông Tiền và sông Hậu xuống theo triều. Mực nước cao nhất tuần tại Tân Châu là 1,35m; tại Châu Đốc 1,45m thấp hơn TBNN khoảng 0,15-0,25m.

Mực nước triều vùng cửa sông Nam Bộ Trong các ngày từ 06-10/02/2020, mực nước triều cao nhất tại trạm Sài Gòn, Định An, Vũng Tàu đều có xu hướng tăng nhẹ so với tuần trước. Ở trạm Sài Gòn mực nước triều ở mức 3,9m, ở Định An là 4,3m và Vũng Tàu ở mức 4,1m. Bảng 2: Bảng dự báo

Xu thế xâm nhập mặn trong tuần từ 11-15/02/2020: Do ảnh hưởng của kỳ triều cường cường, xu thế xâm nhập mặn tiếp tục tăng cao, chiều sâu ranh mặn 4g/l. Trên Sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây: Phạm vi xâm nhập mặn 90-95km, tương đương cùng kỳ năm 2016;

Sông Cửa Tiểu, Cửa Đại: Phạm vi xâm nhập mặn 50-53km, sâu hơn cùng kỳ năm 2016 khoảng 3-5km;

Sông Hàm Luông: Phạm vi xâm nhập mặn 71km, sâu hơn cùng kỳ năm 2016 khoảng 11km; Sông Cổ Chiên: Phạm vi xâm nhập mặn 65km, tương đương cùng kỳ năm 2016; Sông Hậu: Phạm vi xâm nhập mặn 61km, sâu hơn cùng kỳ năm 2016 khoảng 2km. Sông Cái Lớn: Phạm vi xâm nhập mặn 60km, sâu hơn cùng kỳ năm 2016 khoảng 2km.

Cấp độ rủi ro thiên tai do xâm nhập mặn: Mức độ rủi ro thiên tai do xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long ở mức cấp độ 2.

Các chuyên gia khí tượng thủy văn nhận định dòng chảy trên sông Mê Công về Đồng bằng sông Cửu Long Long trong tháng 02,3/2020 ở mức thiếu hụt so với TBNN và năm 2016 khoảng 5- 20%, mực nước tại Biển Hồ (Campuchia) ở mức thấp, khả năng bổ sung nước cho Đồng bằng sông Cửu Long không nhiều.

Từ khoảng giữa tháng 3/2020, lưu lượng dòng chảy về trạm Kratie (Campuchia) có xu thế gia tăng do các hồ xả nước theo quy luật nhiều năm gần đây. Tình trạng xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long ở mức độ sâu hơn, gay gắt hơn so với TBNN.

Trong một số thời điểm, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long có thể ở mức tương đương hoặc cao hơn cùng kỳ năm 2016. Thời gian xâm nhập mặn cao nhất trên sông Cửu Long tập trung trong tháng 02/2020; các sông Vàm Cỏ, sông Cái Lớn vào tháng 3/2020. Từ nửa cuối tháng 3-6/2020, xâm nhập mặn có xu thế giảm dần.

Trong trường hợp cực đoan, thời gian thiếu mưa kéo dài kết hợp với việc sử dụng và khai thác tài nguyên nước trong lưu vực (tăng sử dụng nước trên các dòng nhánh và trữ nước tại các đập Trung Quốc) sẽ làm cho tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trở nên trầm trọng hơn mùa khô năm 2015-2016.

Xuân Phương