Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên: Các phương án phòng chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do vi rút Corona (nCoV)

Xã hội - Ngày đăng : 05:28, 05/02/2020

(TN&MT) - Bệnh viêm đường hô hấp cấp do vi rút Corona (nCoV) ngày càng diễn biến hết sức phức tạp. Phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã phỏng vấn PGS. TS.Nguyễn Công Hoàng, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên về công tác chuẩn bị phòng chống dịch.

Phóng viên (PV):  Xin bác sỹ Nguyễn Công Hoàng cho biết khái quát về tình hình, diễn biến của bệnh viêm đường hô hấp cấp do vi rút Corona (nCoV) gây ra?

PGS. TS.Nguyễn Công Hoàng: Theo thông tin từ Hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm của Việt Nam, Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam (PHEOC Việt Nam), Cơ quan Đầu mối thực hiện Điều lệ Y tế quốc tế Việt Nam, đến ngày 25/01/2020, thế giới đã ghi nhận 1.300 trường hợp mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV, trong đó có 41 trường hợp tử vong (đều tại TP Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc). Số ca mắc tăng 454 trường hợp so với ngày 24/01/2020. Tại Trung Quốc đã ghi nhận 1.281 trường hợp tại 27 tỉnh/thành phố, 15 nhân viên y tế bị mắc bệnh. Trung Quốc đã phong tỏa 16 thành phố của tỉnh Hồ Bắc, dừng hoạt động các phương tiện giao thông ra, vào các thành phố. Ngoài ra, tất cả các sự kiện lớn mừng năm mới cũng dừng, không tổ chức.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ.Nguyễn Công Hoàng cho biết, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên đã chủ động các phương án phòng chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do vi rút Corona (nCoV).

Ngoài Trung Quốc, hiện tại đã ghi nhận 19 trường hợp trường hợp bệnh xâm nhập tại 06 quốc gia và 03 vùng lãnh thổ thuộc Trung Quốc (trong đó có 16 trường hợp từ Vũ Hán, Trung Quốc trở về) bao gồm: Thái Lan (04 trường hợp), Hàn Quốc (02), Việt Nam (02), Hoa Kỳ (02), Nhật Bản (01), Singapore (01), Pháp (01), Nepal (01), Đài Loan - Trung Quốc (01), Ma Cao - Trung Quốc (02), Hồng Kông - Trung Quốc (02). Các quốc gia, vùng lãnh thổ đã triển khai áp dụng các biện pháp sàng lọc hành khách nhập cảnh từ Trung Quốc tại các sân bay lớn.

WHO đã kết luận vẫn chưa đủ điều điều kiện công bố Sự kiện y tế công cộng gây quan ngại quốc tế (PHEIC) và dự kiến sẽ tổ chức họp trở lại để đánh giá tình hình dịch trong khoảng 10 ngày tới, đồng thời đã đưa ra các khuyến cáo cập nhật về vấn đề giao thông quốc tế liên quan đến tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV.

Tại Việt Nam, ngày 23/01/2020 đã ghi nhận 02 trường hợp bệnh xâm nhập là công dân Vũ Hán, Hồ Bắc, Trung Quốc và đang được điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy, nhưng đến nay 4/2, ghi nhận 10 trường hợp. Hiện tại, sức khỏe hai bệnh nhân ổn định và tiếp tục được theo dõi sát trong phòng cách ly.

Dự báo, căn cứ vào tình hình dịch tễ của bệnh, nguy cơ bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV hoàn toàn có nguy cơ lây lan rộng trong cộng đồng, có khả năng bùng phát thành dịch nếu không chủ động triển khai các biện pháp phòng chống tích cực.

PV: Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên xác định tầm quan trọng của công tác phòng chống dịch như thế nào?

PGS. TS.Nguyễn Công Hoàng: Việc thành lập Ban chỉ đạo, xây dựng kế hoạch phòng chống dịch nhằm phát hiện sớm trưởng hợp viêm đường hô hấp cấp do nCoV xử lý kịp thời không để dịch lây lan, hạn chế mức thấp nhất tỷ lệ mắc và tử vong. Hơn thế nữa, việc phát hiện sớm và chủ động điều trị có hiệu quả, cách ly tại chỗ bệnh nhân có biểu hiện nghi ngờ viêm đường hô hấp cấp do nCoV; Tăng cường các biện pháp dự phòng đặc hiệu và không đặc hiệu nhằm khống chế, quản lý ca bệnh nghi ngờ một cách chủ động và hiệu quả, phát hiện sớm và phối hợp xử lý kịp thời ổ dịch, giảm số mắc và tử vong theo quy định của Bộ Y tế.

Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên đã xây dựng kế hoạch phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp do nCoV .

 Công tác chuẩn bị chu đáo sẽ cung ứng đủ thuốc, hóa chất, sinh phẩm, trang thiết bị y tế, cơ sở vật chất cần thiết cho công tác phòng chống bệnh dịch. Sẵn sàng kế hoạch dự phòng khi có dịch bệnh lớn xảy ra trên địa bàn. Củng cố năng lực chuyên môn cho tất cả các đối tượng tham gia công tác phòng chống dịch từ cán bộ y tế, lái xe, nhân viên kiểm soát nhiễm khuẩn; Sẵn sàng phối hợp, hỗ trợ các cơ sở y tế trong khu vực khi có yêu cầu; Đảm bảo công tác thông tin báo cáo dịch chính xác, kịp thời và đúng chức năng, nhiệm vụ.

PV: Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên đặt ra các tình huống và giải pháp ứng phó với bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV như thế nào?

PGS. TS.Nguyễn Công Hoàng: Bệnh viện đã đề ra các tình huống cụ thể để phòng chống dịch bệnh.

Cụ thể, tình huống chưa ghi nhận trường hợp bệnh tại Thái Nguyên: Bệnh viện chủ động phát hiện sớm trường hợp bệnh nghi ngờ viêm đường hô hấp cấp do nCoV vào khám và điều trị tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên từ vùng có dịch. Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên đã thành lập Ban chỉ đạo phòng chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV; phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên, xây dựng kế hoạch ứng phó, các quy trình tiếp đón và sàng lọc bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV tại bệnh viện.

Về công tác chuyên môn, tổ chức tập huấn, đào tạo về bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV; cập nhật Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV; của Bộ Y tế, Đặc biệt với một số khoa quan trọng như: Khoa Cấp cứu, khoa Khám bệnh, khoa Khám bệnh theo yêu cầu, khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, khoa Nhi Tổng  hợp, Nhi Sơ sinh cấp cứu, khoa sản, khoa Bệnh nhiệt đới, khoa Vi sinh…

Bệnh viện thực hiện đúng quy trình sàng lọc, cách ly người bệnh đã xây dựng; Áp dụng nghiêm túc các biện pháp phòng ngừa chuẩn trong điều trị và chăm sóc người bệnh nghi ngờ.

Các khoa cận lâm sàng đảm bảo xét nghiệm kịp thời, bảo quản bệnh phẩm gửi chuyển mẫu để chấn đoán xác định đúng quy định phục vụ chẩn đoán sớm và chính xác.

Bệnh viện đảm bảo nghiêm túc công tác báo cáo dịch theo đúng Thông tư 54 của Bộ Y tế.

Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn chịu trách nhiệm toàn bộ về công tác khử khuẩn, tiệt khuẩn như: xe oto, cáng vận chuyển người bệnh,  buồng bệnh, toàn bộ khu vực có nguy cơ lây nhiễm, quần áo nhân viên y tế, quần áo và đồ dùng của người bệnh truyền nhiễm theo đúng quy định; chuẩn bị sẵn sàng khu vực cách ly theo quy định, các vật dụng thực hiện cách ly người bệnh nghi ngờ như căng dây, biển báo…

Khi tình huống xuất hiện trường hợp viêm đường hô hấp cấp do nCoV tại Thái Nguyên, Bệnh viên kích hoạt Ban chỉ đạo phòng chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV; nhằm xây dựng các giải pháp ứng phó, theo dõi sát diễn biến dịch bệnh hàng ngày tại Bệnh viện, đánh giá và có giải pháp kịp thời; Thực hiện nghiêm túc quy chế phát ngôn về bệnh dịch tại Bệnh viện, các thông tin về bệnh dịch được báo cáo trực tiếp Trưởng ban Phòng chống dịch bệnh của bệnh viện. Về công tác chuyên môn, triển khai phòng khám sàng lọc tại khoa Khám bệnh, tiếp đón tất cả bệnh nhân có biểu hiện sốt, ho, khó thở. CBYT chỉ dẫn trực tiếp, bệnh nhân và người nhà thực hiện theo chỉ dẫn của CBYT, tránh lây lan nguồn bệnh trong bệnh viện ( theo Quy trình sàng lọc bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV).

Triển khai thu dung, cách ly trường hợp bệnh nghi ngờ khi chưa có chẩn đoán xác định tại Khoa Bệnh nhiệt đới. Khoa Bệnh Nhiệt đới báo cáo Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Nguyên phối hợp lấy mẫu bệnh phẩm trong trưởng hợp nghi ngờ viêm đường hô hấp cấp do nCoV để chẩn đoán xác định.

Trường hợp người bệnh đã được chẩn đoán xác định, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên liên hệ với Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương để chuyển những trường hợp bệnh đầu tiên về tuyến cuối theo chỉ đạo của Bộ Y tế, nhằm hạn chế tỷ lệ tử vong và nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng.

Giám sát, theo dõi tình trạng sức khỏe những người có tiếp xúc gần với người bệnh trong vòng 14 ngày, kể từ khi tiếp xúc lần cuối với với người bệnh; Đảm bảo công tác chuyên môn, điều trị bệnh theo phác đồ của Bộ Y tế, các khoa Hồi sức tích cực, khoa Cấp cứu, khoa Nhi sơ sinh cấp cứu… hỗ trợ khoa Bệnh nhiệt đới trong trường hợp cần thiết.

Tổ chức thường trực cấp cứu, hỗ trợ nhân lực cho khoa khám bệnh, khoa cấp cứu, khoa Bệnh nhiệt đới khi cần thiết.

Các khoa cận lâm sàng đảm bảo xét nghiệm kịp thời, phối hơp bảo quản bệnh phẩm gửi chuyển mẫu để chấn đoán xác định đúng quy định, phục vụ chẩn đoán sớm và chính xác.

Thực hiện nghiêm ngặt việc kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng chống lây chéo tại bệnh viện theo quy định. Thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng hộ cho các cán bộ y tế trực tiếp tham gia khám, điều trị chăm sóc bệnh nhân, không để xảy ra hiện tượng lây nhiễm sang cán bộ y tế. Chuẩn bị các phương án mở rộng cơ sở điều trị, huy động nhân lực, bồ sung trang thiết bị y tế, thuốc, sinh phẩm để ứng phó khi dịch bệnh xảy ra trên diện rộng. Đảm bảo cung ứng đủ cơ số thuốc điều trị, dự phòng theo dự trù và sẵn sàng cung ứng thuốc trong trường hợp bệnh dịch đặc biệt xảy ra; bảo đảm đủ trang thiết bị y tế dành cho cấp cứu người bệnh; đảm bảo xe oto cứu thương chuyên dụng để di chuyển người bệnh từ khoa khám bệnh vào khoa Bệnh nhiệt đới. Khoa Bệnh nhiệt đới chuẩn bị sẵn sàng khu vực cách ly theo quy định, các vật dụng thực hiện cách ly người bệnh như căng dây, biển báo…

Bệnh viện coi trọng công tác thông tin tuyên truyền, tăng cường công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe, phổ biến kiến thức về tác hại cũng như các biện pháp phòng bệnh dịch cho người bệnh. Công tác truyền thông đảm bảo an toàn, hiệu quả, tránh gây tâm lý lo sợ, bất an cho CBYT và người dân trong khu vực.

PV: Cám ơn PGS.TS Nguyễn Công Hoàng!

 

Hoàng Long (thực hiện)