Tăng nặng hình phạt đối với hành vi sản xuất, kinh doanh than trái phép
Khoáng sản - Ngày đăng : 11:57, 04/02/2020
Khó phát hiện, xử lý
Tại Cẩm Phả - “thủ phủ” sản xuất than của tỉnh Quảng Ninh, cũng là nơi xảy ra nhiều hoạt động khai thác than trái phép, các đối tượng thường lợi dụng vào đêm tối, thời tiết thay đổi để mở các đường mòn vận chuyển than, qua mặt lực lượng bảo vệ và chính quyền địa phương.
Đại tá Phạm Quý Tuệ, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Khe Sim – Tổng Công ty Đông Bắc, cho biết: “Địa bàn sản xuất kinh doanh than của công ty trên diện tích 567ha, tiếp giáp với 8 phường, xã của thành phố Cẩm Phả. Do đó, rất khó để quản lý tài nguyên than. Trước đây, nạn “than thổ phỉ” hoành hành công khai, Công ty đã phải ký 10 quy chế phối hợp với các cơ quan và phường của TP Cẩm Phả. Đồng thời thành lập đội bảo vệ 38 người, tập trung tuần tra, kiểm soát, báo cáo thường xuyên nếu có sự việc vi phạm xảy ra theo ngày. Hàng tháng, lực lượng phối hợp tuần tra và hàng quý sẽ tuần tra toàn diện để giải quyết tận gốc các vấn đề phát sinh”.
Tại mỏ than Nông Sơn (Quảng Nam), nạn khai thác than trái phép đã tồn tại ở đây từ rất lâu và không ít người có thâm niên trong nghề từ vài chục năm trở lên. Những người hành nghề “than thổ phỉ” đa phần là người dân địa phương hoặc cư trú ở khu vực lân cận. Khoảng thời gian từ 24 giờ đến 4 giờ sáng mỗi ngày, họ bắt đầu làm công việc đào bới, nhặt nhạnh, thậm chí là lấy trộm than vừa được khai thác rồi vận chuyển về nhà cất giấu, đợi khi thuận tiện thì bán cho đầu nậu.
Nạn khai thác "than thổ phỉ" vẫn diễn ra và tiềm ẩn nguy cơ tái diễn |
Được biết, giá thu mua đầu vào của mỗi tấn "than thổ phỉ" dao động từ 800.000 đồng đối với than cám và 1,2 đến 1,5 triệu đồng đối với than cục và giá bán ra từ 1,8 đến 3 triệu đồng/ tấn. Theo lời người dân tại nơi đây, việc thu mua, chế biến than thổ phỉ diễn ra nhiều năm qua nhưng chưa bị các cơ quan chức năng phát hiện, xử lý. Một cán bộ có chức năng tại mỏ than Nông Sơn, cho biết, do địa hình đồi núi, khu vực mỏ quá rộng, lực lượng bảo vệ có hạn nên không thể quản lý hết. Hơn nữa, những đối tượng trộm than đa phần là người dân địa phương nên rất khó phát hiện.
Có biện pháp kịp thời
Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh than, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi khai thác, vận chuyển, kinh doanh than trái phép; xử lý nghiêm theo quy định đối với các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức có hành vi tiếp tay, bao che cho hoạt động sản xuất, kinh doanh than trái phép.
Đặc biệt, Chỉ thị nêu rõ cần xử lý nghiêm hành vi buôn lậu than và yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo lực lượng Công an phối hợp chặt chẽ với Quản lý thị trường, Cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng... tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn và xử lý nghiêm minh theo quy định đối với các hành vi buôn lậu và gian lận thương mại trong hoạt động kinh doanh than trên đất liền và các vùng nước thủy nội địa.
Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và cơ quan liên quan tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định của pháp luật về hình sự đối với các hành vi sản xuất, kinh doanh khoáng sản trái phép theo hướng tăng nặng hình phạt đối với các hành vi sản xuất, kinh doanh than trái phép.
Thủ tướng Chính phủ chỉ thị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khẩn trương ban hành quy định về việc sắp xếp các vị trí bến cảng, kho bãi kinh doanh than trên địa bàn quản lý theo thẩm quyền. Tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các dự án phát triển kinh tế - xã hội của địa phương ở khu vực có khoáng sản than để ngăn chặn và phòng ngừa việc lợi dụng để khai thác, chế biến, tiêu thụ than trái phép; bảo đảm phát triển hài hòa giữa địa phương và ngành than. Hạn chế tối đa việc cấp phép các dự án phát triển kinh tế - xã hội chồng lấn với diện tích khoáng sàng trong Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát, đổi mới, cải cách thủ tục hành chính trong việc thẩm định, cấp phép hoạt động khoáng sản để đẩy nhanh tiến độ cấp phép cho các đề án thăm dò, dự án đầu tư mỏ than bảo đảm tiến độ theo Quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Khẩn trương xây dựng, ban hành theo thẩm quyền văn bản hướng dẫn công tác quản lý, sử dụng đất đai trong khai thác khoáng sản, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác theo quy định. Khẩn trương hoàn thành việc khoanh định và công bố khu vực khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ đối với than theo quy định. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về khoáng sản than và bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất, kinh doanh than.