Thừa Thiên Huế: Trồng cây xanh đầu xuân Canh Tý
Môi trường - Ngày đăng : 07:57, 03/02/2020
Lễ phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” được tổ chức nhằm phát động phong trào trồng cây gây rừng, tăng cường quản lý bảo vệ rừng để gia tăng diện tích và cải thiện chất lượng rừng tự nhiên, đẩy mạnh trồng rừng kinh tế, mở rộng diện tích rừng ngập mặn, nhất là trồng rừng gỗ lớn để tăng giá trị kinh tế trên diện tích các tác đất lâm nghiệp. Đồng thời tăng cường trồng cây phân tán tại các khu công nghiệp, đường phố, trường học, trong vườn nhà nhằm thay đổi cảnh quan môi trường thiên nhiên của các địa phương trong tỉnh, xứng tầm của một địa phương có nhiều Di sản văn hóa của thế giới, một vùng đất có thiên nhiên đẹp, con người đẹp và thanh lịch, góp phần vào phong trào “Ngày Chủ nhật xanh” của tỉnh.
Lãnh đạo Thừa Thiên Huế phát động Tết trồng cây đầu xuân Canh Tý |
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế - Nguyễn Văn Phương nhấn mạnh, năm 2020 là năm bắt đầu thực hiện các nội dung của Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, xác định phát triển du lịch - dịch vụ là 1 trong bốn 4 chương trình trọng điểm, với mục tiêu đó, việc trồng cây xanh ở các điểm du lịch, khu di tích lịch sử còn có ý nghĩa đến việc tôn tạo môi trường Xanh - Sạch - Sáng để phát triển du lịch tại địa phương bên cạnh ý nghĩa phát động phong trào trồng cây gây rừng được tổ chức hàng năm.
Theo đó, gần 200 cây xanh đã được tỉnh Thừa Thiên Huế trồng tại khu vực di tích lịch sử Chín Hầm, phường An Tây, TP. Huế.
Nhiều địa phương, đơn vị ở Huế trồng cây xanh đầu năm |
Ngoài ra, nhiều đơn vị trong tỉnh cũng đã phát động trồng cây đầu xuân Canh Tý. Cụ thể, TP. Huế đã trồng trồng 26 cây nhạc ngựa đoạn phía trước Trường THCS Nguyễn Hoàng và Trường tiểu học số 2 Kim Long. Huyện Phong Điền trồng hơn 100 cây hoàng yến và xà cừ...
Được biết trong năm 2019, toàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã thực hiện trồng rừng trên 5.114ha và gần 0,6 triệu cây phân tán; đồng thời quản lý bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có, ổn định độ che phủ rừng ở mức 57,34%. Đặc biệt, đến nay đã thành lập 19 Hợp tác xã Lâm nghiệp bền vững và được xem là hướng đi đột phá nhằm định hướng cho các loại hình phát triển kinh tế lâm nghiệp khác trong quá trình sản xuất lâm nghiệp không chỉ quan tâm đến nâng cao giá trị gia tăng mà phải đảm bảo các yếu tố bền vững về môi trường, xã hội, từ đó đóng góp chung vào công cuộc tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh một cách bền vững.
Năm 2020, toàn tỉnh Thừa Thiên Huế phấn đấu trồng mới 5.950ha rừng, duy trì ổn định độ che phủ rừng của toàn tỉnh đạt 57,5%.