Thủ tướng: Đưa Vĩnh Phúc thành tỉnh giàu có, phồn vinh như lời dặn của Bác Hồ

Thời sự - Ngày đăng : 13:04, 01/02/2020

(Chinhphu.vn)-Thủ tướng bày tỏ tin tưởng với bề dày lịch sử vẻ vang 90 năm của Đảng Cộng sản Việt Nam và truyền thống 70 năm xây dựng, phát triển của quê hương sẽ là nguồn sức mạnh, động lực tinh thần to lớn để Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc chung sức thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đưa Vĩnh Phúc trở thành một trong những tỉnh giàu có, phồn vinh nhất miền Bắc như lời dặn của Bác Hồ khi Người về thăm tỉnh năm 1963.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu dự buổi lễ. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh điều này tại lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2020), 70 năm Ngày thành lập tỉnh Vĩnh Phúc (12/2/1950-12/2/2020) và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất do tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức sáng 1/2.

Tới dự lễ kỷ niệm có: Nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng: Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai; Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và lãnh đạo các bộ, ban, ngành.

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng cho rằng với truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời hàng nghìn năm, Vĩnh Phúc, vùng đất địa linh nhân kiệt là nơi lưu giữ nhiều dấu tích minh chứng về sự có mặt của người Việt cổ ngay từ buổi bình minh của lịch sử. Tên gọi “Vĩnh Phúc” có nghĩa là “những điều tốt lành, là hạnh phúc vĩnh cửu”.

Trải qua nhiều lần chia tách, sáp nhập, thay đổi về địa giới hành chính, tên gọi Vĩnh Phúc luôn giữ một vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, chính trị, quân sự trong quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc ta.

Nhìn lại lịch sử nước ta, dù ở thời kỳ nào Vĩnh Phúc đều có những đóng góp to lớn, làm rạng danh trang sử hào hùng của dân tộc, tiêu biểu nhất là cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng vào mùa Xuân năm Canh Tý (năm 40  sau Công nguyên), mở đầu cho các cuộc đấu tranh giành lại độc lập, tự chủ của dân tộc ta.

Trong những năm tháng kháng chiến trường kỳ gian khổ chống thực dân Pháp xâm lược, ngày 12/2/1950 trên cơ sở hợp nhất hai tỉnh Vĩnh Yên và Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc được thành lập đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới của cuộc kháng chiến.

Trong lao động sản xuất, người dân Vĩnh Phúc luôn cần cù, sáng tạo, lập nhiều thành tích xuất sắc để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Vì vậy, nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đã vinh dự được Bác Hồ 8 lần về thăm, động viên, khen ngợi.

Đặc biệt với tinh thần dám nghĩ, dám làm, chủ trương khoán hộ trong sản xuất nông nghiệp của Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc, đứng đầu là đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc trong những năm 1960 đã tạo ra tiền đề rất quan trọng về lý luận, thực tiễn để Đảng ta nghiên cứu đề ra đường lối đổi mới của đất nước.

Từ một tỉnh thuần nông (thời điểm mới tái lập tỉnh năm 1997), đến nay, Vĩnh Phúc đã trở thành một trong những điểm sáng của cả nước về phát triển kinh tế - xã hội, là một trong số ít các địa phương có giá trị sản xuất công nghiệp và tổng thu ngân sách nội địa cao nhất (tổng thu ngân sách năm 2019 của tỉnh đạt trên 35.000 tỷ đồng). Tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng năm đều ở mức cao (năm 2019 ước đạt 8,05%).

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Theo Thủ tướng, những giá trị lịch sử và truyền thống là động lực mạnh mẽ để chúng ta không ngừng khơi dậy lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần đoàn kết, kiên cường, bất khuất trong chiến đấu; cần cù, sáng tạo, giúp nhau tiến bộ trong lao động sản xuất của người dân Vĩnh Phúc, đồng thời đó cũng là nền tảng, là niềm tin, động lực và khát vọng quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI,  phấn đấu đưa quê hương Vĩnh Phúc thân yêu trở thành trung tâm công nghiệp, du lịch của vùng và cả nước.

“Chúng ta cần nhìn thẳng vào thực tại, nắm bắt các cơ hội, lạc quan tin tưởng vào sự nghiệp đổi mới để từ đó vượt qua mọi khó khăn, tiếp tục hội nhập và phát triển bền vững với khát vọng phát triển để đóng góp xây dựng một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng”, Thủ tướng nhấn mạnh và đề nghị tỉnh Vĩnh Phúc thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm.

Đó là tiếp tục huy động, quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn lực và giải phóng mọi nguồn lực của nền kinh tế; tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư, sản xuất kinh doanh; tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế, trong đó đẩy mạnh phát triển công nghiệp công nghệ cao, các sản phẩm có hàm lượng chất xám cao; chú trọng phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, tập trung phát triển để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Chú trọng hoàn thiện và thực hiện các quy hoạch về kinh tế - xã hội, nhất là quy hoạch phát triển đô thị Vĩnh Phúc, phấn đấu sớm đưa Vĩnh Phúc trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Phát triển kinh tế phải gắn kết chặt chẽ với phát triển văn hóa, xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân nhất là nhân dân vùng nông thôn, miền núi. Là tỉnh công nghiệp phát triển, Vĩnh Phúc cần quan tâm xây dựng nhà ở cho công nhân với các thiết chế văn hóa hợp lý, định hướng XHCN. Đặc biệt, bảo vệ tốt hơn nữa môi trường sống của nhân dân, bảo đảm an toàn cho người dân.

Tiếp tục nâng cao chất lượng cải cách hành chính, xây dựng nền hành chính kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh có đủ phẩm chất, trình độ, năng lực… Thực hiện có hiệu quả việc sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế theo tinh thần Nghị quyết Trung ương (khóa XII).

Chủ động nắm chắc tình hình tư tưởng nhân dân, dư luận xã hội, làm tốt công tác dân vận, không để bị động, bất ngờ trước mọi tình huống, kịp thời giải quyết những bức xúc của người dân ngay từ cơ sở, không để trở thành điểm nóng.

Quyết liệt thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, thường xuyên chăm lo, tăng cường khối đoàn kết thống nhất trong Đảng bộ và sự đồng thuận trong toàn xã hội.

Thủ tướng bày tỏ tin tưởng bề dày lịch sử vẻ vang 90 năm của Đảng Cộng sản Việt Nam và truyền thống 70 năm xây dựng và phát triển của quê hương sẽ là nguồn sức mạnh và động lực tinh thần to lớn để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc chung sức, đồng lòng, phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đưa Vĩnh Phúc trở thành một trong những tỉnh giàu có và phồn vinh nhất miền Bắc nước ta như lời dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người về thăm tỉnh năm 1963.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Thủ tướng cũng yêu cầu tỉnh Vĩnh Phúc làm tốt công tác phòng chống dịch do virus corona gây ra, không để ảnh hưởng đến sức khỏe tính mạng của nhân dân.

Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã dự lễ phát động Tết trồng cây “Đời đời nhớ ơn Bác Hồ” tại Trường THPT chuyên Vĩnh Phúc; dự lễ khởi công dự án khu công nghiệp và khu nhà ở công nhân tại Vĩnh Phúc.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết việc khởi công dự án trên thể hiện quyết tâm của Vĩnh Phúc trong phát triển kinh tế, tập trung giải quyết các vấn đề xã hội, chăm lo đời sống cho công nhân lao động.

Theo Chinhphu.vn