Thái Nguyên: Dừng mọi lễ hội từ mùng 8 Tết Canh Tý 2020
Xã hội - Ngày đăng : 09:28, 01/02/2020
Lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên cùng nông dân thị xã Phổ Yên tham gia lễ hội xuống đồng ở xóm Thanh Hoa, xã Trung Thành để động viên nhân dân thi đua sản xuất tốt trong năm mới 2020. |
Trước đó, trong 7 ngày đầu xuân mới 2020, nhiều lễ hội truyền thống trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã diễn ra đảm bảo an toàn. Nhân dân phấn khởi tham gia lễ hội để khơi dậy những truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tăng cường tình đoàn kết, yêu nước xây dựng quê hương đổi mới, giàu đẹp, văn minh.
Mùa xuân là sự khởi đầu của một năm với nhiều hi vọng tốt đẹp nhất. Năm 2020 là một năm đặc biệt với tỉnh Thái Nguyên kết thúc chặng đường 20 năm không ngừng đổi mới tư duy sáng tạo trong quản lý điều hành, mạnh dạn cải cách hành chính thu hút đầu tư tạo nền tảng cho những bước phát triển nhanh, bền vững trên tất cả mọi lĩnh vực kinh tế xã hội, từng bước nâng cao đáng kể đời sống nhân dân.
Thái Nguyên vươn lên là điểm sáng về phát triển kinh tế, thu hút đầu tư mạnh mẽ nhất trong các tỉnh trung du miền núi phía Bắc. Bí quyết là ngay từ đầu năm mới, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương tổ chức một số lễ hội truyền thống mang đậm bản sắc dân tộc. Thông qua các lễ hội, nhiều thông điệp theo từng chủ đề đã được gửi tới nhân dân các dân tộc trong tỉnh cũng như du khách trong nước, quốc tế hiểu biết về tiềm năng, lợi thế của địa phương. Hoạt động lễ hội đầu xuân mang nhiều ý nghĩa quan trọng đối với nhân dân tỉnh Thái Nguyên.
Nhân dân thị xã Phổ Yên nô nức xem thi cấy trong Lễ hội xuống đồng. |
Bắt đầu từ ngày mùng 3 Tết, tại xóm Thanh Hoa, xã Trung Thành, thị xã Phổ Yên đã diễn ra lễ hội Tịch điền (hay Hội xuống đồng). Lễ hội này mang ý nghĩa biểu trưng. Ngày xưa, vua quan cùng nhau xuống ruộng đi cày, cấy… động viên nhân dân hăng say lao động. Ngày nay, cán bộ lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên cùng các sở ngành và chính quyền thị xã Phổ Yên vui vẻ cùng nhân dân xuống đồng lái máy cày, máy cấy, thi cày, thi bừa và thi cấy. Hoạt động lễ hội chỉ diễn ra một ngày rất tiết kiệm tuy nhiên lại mang ý nghĩa lớn. lãnh dạo chính quyền tỉnh Thái Nguyên, các huyện, thành, thị động viên nhân dân, nông dân hăng hái thi đua sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh, xanh, sạch đẹp. Gắn thu hút đầu tư phát triển công nghiệp với nông nghiệp công nghệ cao tạo ra sản phẩm hàng hóa lớn có giá trị kinh tế cao, có thương hiệu uy tín.
Nông sản của người dân thị xã Phổ Yên không chỉ đáp ứng đủ cho hàng trăm nghìn công nhân Sam Sung vói người dân địa phương mà còn cung ứng nguồn thực phẩm tốt như chè ngon Phúc Tân, Phúc Thuận, chuối tiêu hồng, nhãn khe Đù, rau an toàn Kim Thái…cho Hà Nội và các tình lân cận. Nhờ thế, người dân thị xã đã làm giàu chính đáng góp phần xây dựng quê hương đổi mới, khang trang, văn minh và giàu mạnh hơn.
Một góc cụm di tích đình, đền, chùa Cầu Muối trong lễ hội đầu năm Canh Tý. |
Ngày mùng 4 Tết, nhân dân huyện Phú Bình phấn khởi tham gia hội xuân cụm di tích đình, đền, chùa cầu Muối. Nhân dân các dân tộc huyện Đại Từ nô nức đến xem hội truyền thống núi Văn, núi Võ tại xã Văn Yên tưởng nhớ công ơn của người anh hùng dân tộc Lưu Nhân Chú.
Nơi thờ danh tướng Lưu Nhân Chú dưới chân núi Văn, núi Võ, xã Văn Yên, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên.
|
Ngày mùng 6 Tết, tại xóm Đuổm, xã Động Đạt, huyện Phú Lương, Lễ hội đền Đuổm đã chính thức được khai mạc thu hút đông đảo người dân trong cả nước đến dâng hương tưởng nhớ công ơn của danh tướng Dương Tự Minh- người có công giữ vững biên cương phía Bắc nước Đại Việt dưới triều Lý, đồng thời cầu cho một năm mới mùa màng bội thu, nhân dân no ấm.
Lễ hội đền Đuổm có hai phần chính là gồm phần lễ và phần hội. Phần lễ với các nghi thức truyền thống như: Rước đất, rước nước, lễ dựng cây nêu, lễ mộc dục, lễ ra quan, rước lễ vật vào đền, đại tế… Phần hội với nhiều hoạt động văn hoá dân gian như: trưng bày trang trí mâm lễ cúng tiến Đức thánh Đuổm; thi biểu diễn văn hóa văn nghệ; thi kéo co, đẩy gậy, tung còn…
Quang cảnh ngày khai hội đền Đuổm tại cụm di tích đền Đuổm, nơi thờ tự danh tướng Dương Tự Minh tại chân núi Đuổm, xã Động Đạt, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên. |
Các lễ hội này không chỉ có ý nghĩa giáo dục lòng yêu nước trong nhân dân mà còn tạo ra sức thu hút lượng du khách thập phương rất lớn đến địa phương vãng cảnh, tìm hiểu lịch sử chống giặc ngoại xâm của ông cha ta. Đồng thời, các danh thắng, di tích còn là tâm điểm thu hút khách du lịch tâm linh. Điều này góp phần tăng thu ngân sách hàng chục tỷ đồng cho địa phương nhờ biết phát huy tối đa thế mạnh du lịch tâm linh trên địa bàn.
Tất cả các lễ hội lớn trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã diễn ra an toàn trước thông tin dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona xâm nhập các tỉnh miền Bắc Việt Nam. Được biết, đến thời điểm ngày mùng 8 âm lịch tức 1/2/2020, tỉnh Thái Nguyên đã có chỉ đạo dừng mọi hoạt động lễ hội truyền thống lớn trên địa bàn để tập trung bảo đảm an toàn sức khỏe cho nhân dân và chống dịch. Nhiều cơ quan, trường học và tập thể nhân dân đã tạm dừng mọi hoạt động du xuân, tăng cường tuyên truyền phổ biến kiến thức phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp ở người do virus corona gây nên.