Đảng viên ngành Khí tượng thuỷ văn nơi đầu sóng biển Đông - những cống hiến thầm lặng
Thời sự - Ngày đăng : 06:58, 01/02/2020
Ở đó, có hàng nghìn nét chữ, mỗi một trang dòng, báo biểu của Khí tượng Hải văn Trường Sa với rất nhiều những dòng tên con số thấm đẫm mồ hôi, nước mặn của Biển Đông và không ít ở đó là nước mắt nhớ nhà, nhớ người thương của các Quan Trắc viên từ ngày đầu tiên lên Đảo. Cũng tại đảo đã có chiến sỹ khí tượng nằm lại vĩnh viễn với nắng, gió và cát trắng Trường Sa…
Quan trắc viên trên đảo Song Tử Tây bên Bia chủ quyền Quốc gia |
Trường Sa lớn - Nơi rèn luyện nhiều thế hệ Ngành KTTV
Ngay sau khi Giải phóng Đảo Trường Sa Lớn, Trạm Khí tượng Hải văn Trường Sa đã được tiếp quản và đưa vào mạng lưới trạm quan trắc điều tra cơ bản do Tổng cục KTTV quản lý. Là trạm Khí tượng Hải văn hạng 1, Trạm bắt đầu vận hành hoạt động chính thức trong mạng lưới từ ngày 20 tháng 05 năm 1977 (ngày bắt đầu quan trắc số liệu), cho đến nay Trạm KTHV Trường Sa luôn đảm bảo quan trắc số liệu 24h/24h trong mọi điều kiện thời tiết.
Hàng ngày đúng 8 obs (ca quan trắc), vào các khung giờ 1h; 4h; 7h; 10h; 13h; 16h; 19h, 22h tạo nên những số liệu, những tham số khí quyển – đại dương qua tín hiệu thông tin đường truyền của trạm chuyển và phát báo số liệu trong mạng quan trắc khí tượng toàn cầu đã cùng với quân và dân trên đảo khẳng định chủ quyền biển đảo của Đất Nước.
Tác nghiệp trên đảo Trường Sa Lớn |
Với Ngành KTTV, Đảo tiền tiêu Trường Sa là nôi rèn luyện, thử thách những cán bộ trẻ. Từ đảo trở về họ đều là những đoàn viên ưu tú và được giới thiệu kết nạp Đảng và được tôi luyện trong mọi vị trí công tác, nhiều khu vực khó khăn núi cao, sông dài của Ngành KTTV trên mọi miền Đất Nước. Đó là những tên tuổi cán bộ trẻ như Trần Văn Khương, Dương Trung Thành, Lê Đức Cương, Nguyễn Văn Vinh... đã đang là những cán bộ tiêu biểu của Ngành KTTV.
Vào những thời điểm quan trọng với những biến cố trên đảo như năm 1988 là đơn vị dân sự duy nhất trên đảo họ vẫn luôn vững vàng, kiên trung gửi đi những thông điệp về số liệu khí tượng thủy văn, hải văn để góp phần cùng quân đội Nhân dân Việt Nam giữ gìn và khẳng định với thế giới về chủ quyền đảo của Nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Quần Đảo Trường Sa.
Nối tiếp truyền thống của Trạm Đảo tiền tiêu hôm nay, Đảng viên Nguyễn Văn Xuân đang tiếp tục giữ trọng trách Trưởng trạm.
Đó là Đảng viên đang độ chín của tuổi nghề Nguyễn Văn Xuân, đã có kinh nghiệm trong nghề gần 20 năm với 3 lần xung phong đi đảo tiền tiêu. Anh tâm sự nghề nghiệp của em đã gắn liền với sóng gió Trường Sa, sức trẻ sẽ không tránh khỏi những lúc buồn vui xao lòng, nhưng với trách nhiệm của người đảng viên được Đài KTTV khu vực Nam Trung Bộ giao trọng trách trưởng trạm luôn phải cố gắng khắc phục mọi khó khăn, đảm bảo chế độ trực quan trắc ngày, đêm theo đúng quy trình, quy phạm khắt khe của nghề. Chưa một obs quan trắc nào của Trạm bị bỏ trễ, mất số liệu.
Họ thường xuyên tu sửa Lều khí tượng và các Trang thiết bị trên đảo |
Đặc biệt, trong những tình huống khó khăn như bão trực tiếp đổ bộ lên Đảo, sóng to, gió lớn, nước biển dâng trùm đảo và nhà trạm. Anh em của Trạm vẫn khắc phục mọi khó khăn, đoàn kết đồng lòng giữ gìn bảo quản thiết bị quan trắc, đảm bảo đúng kỳ quan trắc theo các obs và trực typh khi có bão, áp thấp nhiệt đới để điện báo thông tin kịp thời về Tổng cục và Đài KTTV khu vực với các hạng mục quan trắc như: gió, mây, nhiệt, độ ẩm. Áp suất khí quyển, mực nước biển...
Những nỗ lực của các thế hệ cán bộ, đảng viên trên Trạm Khí tượng Hải văn Trường Sa đã và đang thực hiện suốt hơn 40 năm qua đã khẳng định tầm quan trọng của Trạm và những thông tin từ vị trí trọng yếu này.
Trong suốt hơn 40 năm qua, các trạm đảo tiền tiêu của Tổ quốc trên Quần đảo Trường Sa đã đón nhận và bồi dưỡng trên 150 lượt cán bộ, viên chức, kỹ thuật viên ngành KTTV ra đảo công tác. Với những người cán bộ khí tượng hải văn giữa Biển Đông, chỉ có ý chí quyết tâm, trách nhiệm chuyên môn và lòng yêu nghề mới có thể giữ chân họ ở nơi gian truân vất vả và bởi đương đầu trực tiếp với sóng gió biển khơi. |
Chiến sỹ Khí tượng thầm lặng trên Đảo Song Tử Tây
Ngược lên phía Bắc Quần đảo Trường Sa, Trạm Khí tượng Hải văn Song Tử Tây cũng là vị trí then chốt theo dõi bão trên Biển Đông, ngày 01 tháng 07 năm 1988 Trạm bắt đầu quan trắc lấy số liệu. Từ năm 1988 đến nay chưa ngày nào trạm không có số liệu truyền về mạng lưới quan trắc dữ liệu chuyên ngành KTTV. Dù chỉ có một đến hai đảng viên sinh hoạt ghép với Chi bộ Đảo, Đảng bộ Đảo Song Tử Tây nhưng các thế hệ cán bộ viên chức Trạm Khí tượng Hải văn đều là những đảng viên gương mẫu.
Thời hạn ra đảo thường kéo dài từ 18 tháng hoặc 24 tháng liên tục, nhưng những thay đổi của thời tiết khắc nghiệt trên đảo không làm thiếu hụt bất kỳ một dòng tin hay yếu tố quan trắc nào theo đúng quy phạm của ngành. Chuỗi số liệu quan trắc ở cửa ngõ Biển Đông cứ dày lên theo năm tháng bởi những kiên trì nỗ lực của các thế hệ người lính khí tượng thủy văn trên Đảo Song Tử Tây.
Lần giở, giữ gìn từng trang tư liệu quý về ngành KTTV trên đảo Trường Sa |
Trên đảo tiền tiêu này đã in đậm dấu ấn của những người lính khí tượng ngày đầu đặt chân lên đảo như: Nguyễn Quốc Sử, Trần Văn Luyện sau này là Đỗ Trung Trực, Phùng Kiến Quốc, Lê Đình Quyết và mới đây nhất là Hoàng Văn Minh, Mai Phương Nam...
Nhiều đoàn viên ưu tú đã có những đóng góp cho ngành KTTV và đóng góp tiêu biểu cho hoạt động xây dựng và bảo vệ Đảo đã được Chi bộ đảo xem xét kết nạp đảng tại Đảng bộ Đảo Song Tử thuộc, Lữ đoàn 146 Trường Sa. Những ngày tháng trên đảo đá giữa trùng khơi đã tôi luyện những người chiến sỹ thầm lặng của ngành KTTV luôn vững vàng trước mọi thử thách. Ngày hôm nay họ đều đã và sẽ tiếp tục là những tấm gương đảng viên xuất sắc tiêu biểu của các chi bộ, đảng bộ trong ngành KTTV.
Gìn giữ tư liệu quý giá về khí tượng, thủy văn, hải văn
Mỗi trang số liệu điều tra cơ bản hay obs, typt khi có thiên tai nguy hiểm là những dữ liệu quý giá. Số liệu khí tượng, thủy văn, hải văn đã đo được từng ngày từng giờ hơi thở của vùng biển tiền tiêu cửa ngõ Biển Đông.
Số liệu ấy đã và đang góp phần phục vụ hữu ích cho công tác chỉ đạo phòng chống thiên tai phát triển kinh tế biển đặc biệt khẳng định với thế giới về chủ quyền trên Biển đảo của Đất nước. Hàng vạn trang tài liệu số liệu KTTV ở khắp nơi được gửi đều đặn hàng năm về Kho Tư liệu do Trung tâm Dữ liệu KTTV quản lý tại Trung tâm Hà Nội luôn khiến các thủ kho, chỉnh biên số liệu ngoài những quy trình bảo quản, khai thác còn phục chế và nâng niu như tài sản quý giá của gia đình mình.
Biểu báo quan trắc khí tượng năm 1988 được gửi về và lưu giữ cẩn thận tại Kho giữ liệu Trung tâm Thông tin Dữ liệu KTTV tại Hà Nôi |
Trao đổi với phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường, ông Nguyễn Văn Vinh, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Tổng cục KTTV người đã từng lăn lộn nhiều năm từ vị trí Quan trắc viên trên Đảo Trường Sa lớn đến các trạm đài trên đất liền và hiện giờ đảm nhiệm vị trí công tác cán bộ của Ngành KTTV cho biết: Với ngành KTTV thông tin quan trắc thực tế ở bất kỳ điểm trạm nào cũng đều vô cùng quan trọng, nhưng đối với các số liệu quan trắc từ Trạm KTHV Trường Sa, hay Trạm Khí tượng Song Tử Tây thì có một vị trí vô cùng quan trọng đối với nghề dự báo thời tiết.
“Điều này được khẳng định bởi trên cả vùng Biển Đông rộng lớn điều kiện của Việt Nam chưa thể phủ khắp vị trí trạm trên biển thì thông tin quan trắc hiện thời chưa thể có nhưng những số liệu thực tế được ghi nhận từ trạm sẽ giúp cho các đơn vị nghiệp vụ như Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, Đài KTTV khu vực Nam Trung Bộ có thông tin và điều chỉnh kịp thời các bản tin dự báo khi bão đang trên vùng biển Đông” - ông Nguyễn Văn Vinh nói.
Trạm Khí tượng Hải văn Trường Sa nằm trên đảo Trường Sa Lớn, Trạm Khí tượng Hải văn Song Tử Tây nằm trên Đảo Song Tử Tây thuộc Quần Đảo Trường Sa đã và đang là nơi rèn luyện của rất nhiều những thế hệ cán bộ nòng cốt cho Ngành Khí tượng Thủy văn (KTTV). |