Những kết quả ấn tượng của ngành tài nguyên và môi trường Thanh Hóa
Ngành TN&MT - Ngày đăng : 10:53, 31/01/2020
Để thực hiện tốt nhiệm vụ của ngành, ngay từ đầu năm 2019, Sở đã chủ động tham mưu cho UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, chỉ đạo điều hành nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường trên địa bàn tỉnh, như: Quyết định số 479/QĐ-UBND ngày 30/01/2019 về phê duyệt Kế hoạch đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh năm 2019; Quyết định số 1934/QĐ-UBND ngày 22/5/2019 về phê duyệt bổ sung Kế hoạch đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh năm 2019; Quyết định số 774/QĐ-UBND ngày 05/3/2019 về việc ủy quyền phê duyệt giá đất cụ thể; Kế hoạch số 31/KH-UBND về giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án có sử dụng đất trên địa bàn tỉnh năm 2019; Quyết định số 633/QĐ-UBND ngày 19/02/2019 về việc kiện toàn các Đoàn kiểm tra công tác GPMB...
Ông Đào Trọng Quy, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa |
Đồng thời tổ chức công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tiếp tục được tăng cường đẩy mạnh. Ban hành Kế hoạch số 15/KH-STNMT ngày 04/3/2019 về tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật năm 2019, theo đó đã tổ chức 04 lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường cho hơn 1.400 cán bộ, công chức Phòng Tài nguyên và Môi trường cấp huyện, Chủ tịch UBND, cán bộ địa chính cấp xã; 31 lớp tập huấn về ứng dụng các phần mềm chuyên ngành tài nguyên và môi trường; quy định về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp, ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản; thực hiện Tiêu chí 17 về môi trường và an toàn thực phẩm trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2019 cho hơn 4.000 cán bộ cấp huyện, xã và tổ chức doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Nhờ làm tốt công tác tham mưu, tuyên truyền, nên tất cả các lĩnh vực: Đất đai, khoáng sản, môi trường, biến đổi khí hậu... đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ: Sở đã lập danh mục tổng số 1.693 dự án (diện tích 3.498,66 ha) phải thu hồi đất trình UBND tỉnh để trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh chấp thuận làm cơ sở để thu hồi đất theo quy định.
Lập danh mục các dự án có sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng vào các mục đích khác mà không thuộc trường hợp được Quốc hội quyết định, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư, báo UBND tỉnh để trình Thủ tướng Chính phủ hoặc Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có nghị quyết thông qua, tổng số 1.280 dự án, diện tích 1.322,7 ha, tạo điều kiện để các cấp chính quyền thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về đất đai, tổ chức doanh nghiệp và người dân tìm kiếm cơ hội đầu tư, tiếp cận với đất đai thuận lợi.
Ký 249 Hợp đồng thuê đất theo quyết định cho thuê đất của UBND tỉnh; ban hành 123 văn bản phối hợp, hướng dẫn giải quyết vướng mắc về chế độ, chính sách đất đai. Trích lục bản đồ, trích đo địa chính 764 thửa đất (diện tích 4.738,6 ha); đăng ký biến động đất đai 1.050 hồ sơ; tiếp nhận, luân chuyển thông tin nghĩa vụ tài chính 509 hồ sơ. Cấp 254 Giấy CNQSD đất cho tổ chức theo ủy quyền của UBND tỉnh.
Đoàn kiểm tra của Sở TNMT kiểm tra về hoạt động khai thác cát |
Triển khai thực hiện công tác kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2019; kế hoạch đo đạc bản đồ, đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, lập hồ sơ địa chính trên địa bàn tỉnh năm 2019, đến nay hoàn thành xây dựng lưới địa chính 94 điểm thuộc các huyện: Hà Trung, Tĩnh Gia, Thạch Thành, Cẩm Thủy, Ngọc Lặc; hoàn thành công tác đo vẽ lập bản đồ theo hiện trạng sử dụng đất tại 14 xã, thị trấn thuộc các huyện
Công tác bồi thường, GPMB được tập trung chỉ đạo quyết liệt, tham mưu kịp thời cho UBND tỉnh quyết định các chế độ, chính sách hỗ trợ, TĐC khi Nhà nước thu hồi đất thực hiện các dự án đầu tư như: Dự án đường ven biển; dự án đường giao thông từ trung tâm thành phố đi đường nối Nghi Sơn – Cảng hàng không Thọ Xuân; Dự án đường cao tốc Bắc – Nam; Dự án Khu đô thị sinh thái ven biển; Dự án Tiêu úng vùng III và các dự án trọng điểm thuộc Khu kinh tế Nghi Sơn. Tham mưu báo cáo UBND tỉnh vị trí, địa điểm Khu tái định cư tại các Bản: Bản Xim, xã Quang Chiểu; Bản Chim, xã Nhi Sơn; Bản Na Ón, xã Trung Lý, huyện Mường Lát và bản Sa Ná, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn để sớm ổn định đời sống nhân dân sau ảnh hưởng của cơn bão số 3 năm 2019.
Đối với lĩnh vực khoáng sản, Sở đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, ngăn chặn và chấn chỉnh kịp thời hoạt động khai thác khoáng sản trái phép; hoạt động kinh doanh, lập bến bãi tập kết cát, sỏi lòng sông. Tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1789/QĐ-UBND ngày 14/5/2019 về quy định hệ số quy đổi từ tấn sang m3 đối với các loại khoáng sản, làm cơ sở để kê khai nộp thuế tài nguyên, phí môi trường theo quy định; Quyết định số 2693/QĐ-UBND ngày 04/7/2019 phê duyệt Phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh; phê duyệt kết quả dự án Khoanh định khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh.
Trình UBND tỉnh cấp 03 giấy phép thăm dò khoáng sản, 39 giấy phép khai thác, phê duyệt 13 báo cáo thăm dò khoáng sản; thu hồi, đóng cửa 14 mỏ; tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản 239 mỏ, số tiền phải nộp năm 2019 là 51,89 tỷ đồng.
Sở Tài nguyên và Môi trường ra quân làm sạch biển Sầm Sơn |
Kiểm tra hoạt động khai thác, tập kết cát đối với 13 mỏ cát, 29 bãi tập kết và 30 mỏ đất san lấp trên địa bàn tỉnh theo kế hoạch; kiểm tra, xử lý hoạt động khai thác khoáng sản trái phép theo thông tin phản ánh của người dân và báo chí tại địa bàn các huyện: Cẩm Thủy, Nông Cống, Hậu Lộc, Thọ Xuân, Triệu Sơn Hoằng Hóa, Đông Sơn, Vĩnh Lộc, Tĩnh Gia, Yên Định, thị xã Bỉm Sơn và TP Thanh Hóa. Qua kết quả kiểm tra, Sở đã có các văn bản báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh, đồng thời yêu cầu các huyện, xã tổ chức kiểm điểm đối với tổ chức, cá nhân để xảy ra sai phạm, có biện pháp xử lý, tăng cường quản lý, ngăn chặn các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép.
Trong lĩnh vực quản lý BVMT tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực; tình hình vi phạm pháp luật BVMT trên địa bàn tỉnh cơ bản được kiểm soát. Tổ chức kiểm tra, giám sát môi trường 164 cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Qua kiểm tra đã xử lý và kiến nghị xử lý vi phạm hành chính 11 đơn vị, số tiền là 555 triệu đồng, đình chỉ hoạt động 02 đơn vị; yêu cầu các cơ sở gây ô nhiễm phải đầu tư đầy đủ và vận hành thường xuyên các công trình thu gom, xử lý chất thải đảm bảo quy định trước khi xả thải ra môi trường. Phối hợp và hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan xử lý môi trường tại các ổ dịch tả lợn Châu Phi; xử lý ô nhiễm môi trường sau thiên tai; giám sát việc xử lý sự cố tràn dầu tại kho xăng dầu Lễ Môn. Hướng dẫn các huyện (Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hóa, Bá Thước, Cẩm Thủy, Thường Xuân, Vĩnh Lộc) bị ảnh hưởng do cơn bão số 3 việc xử lý ô nhiễm môi trường sau khi nước rút.
Tổ chức 102 Hội đồng thẩm định báo cáo ĐTM, đề án cải tạo phục hồi môi trường, phương án cải tạo phục hồi môi trường; cấp Sổ đăng ký chủ nguồn thải CTNH cho 21 đơn vị. Đôn đốc 231 đơn vị khai thác khoáng sản ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường với tổng số tiền 12,56 tỷ đồng, thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp 267 đơn vị, số tiền 9,9 tỷ đồng.
Sở Tài nguyên và Môi trường trao tặng quà cho ngư dân địa phương trong Chiến dịch ra quân làm sạch biển Sầm Sơn tháng 8/2019 |
Nói về các giải pháp và mục tiêu nhiệm vụ năm 2020, ông Đào Trọng Quy, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa cho biết: Năm 2020, Sở tiếp tục bám sát mục tiêu tăng cường bảo vệ, cải thiện môi trường; khai thác, sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên theo hướng bền vững; chủ động ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về tài nguyên và môi trường đến các cấp chính quyền, các tổ chức, doanh nghiệp, người dân nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, bảo vệ tài nguyên và môi trường. Rà soát, tham mưu cho UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật về đất đai theo quy định của Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Trình UBND tỉnh phê duyệt và tổ chức triển khai Kế hoạch đo đạc bản đồ, đăng ký, cấp GCNQSD đất, lập hồ sơ địa chính, xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính trên địa bàn tỉnh năm 2020 theo kế hoạch.
Tham mưu báo cáo UBND tỉnh trình HĐND tỉnh có Nghị quyết thông qua danh mục các dự án thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng năm 2021, làm cơ sở cho việc giao đất, cho thuê đất, đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất.
Tập trung hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về chính sách đất đai của các đơn vị, cá nhân; tham mưu đề xuất cơ chế, chính sách thực hiện BTGPMB, hỗ trợ, tái định cư thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh; tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng và tổ chức triển khai kế hoạch GPMB trên địa bàn tỉnh năm 2020, đặc biệt là dự án đường cao tốc Bắc – Nam (đoạn qua địa phận tỉnh Thanh Hóa), dự án đường ven biển, các dự án thuộc KKT Nghi Sơn, TP Sầm Sơn. Tham mưu xác định giá đất cụ thể, tính giá trị quyền sử dụng đất và thẩm định phương án bồi thường GPMB cho các dự án theo quy định; tổ chức thực hiện, quản lý, khai thác quỹ đất có hiệu quả...
Hy vọng với những hướng đi đúng và trúng, bước sang năm 2020, ngành tài nguyên và môi trường tỉnh Thanh Hóa sẽ gặt hái được nhiều thành công, góp phần xây dựng kinh tế- xã hội tỉnh nhà phát triển hơn nữa